Nâng cao chất lượng ảnh báo chí Giải Búa liềm vàng

Phóng viên tác nghiệp tại Tòa nhà Quốc hội. Ảnh: MINH NGUYỆT

Ảnh báo chí là một trong những thể loại được tham gia cuộc thi Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Phú Yên và Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng). Tuy nhiên, thời gian qua, số tác phẩm ở hạng mục này tham gia cuộc thi còn ít.

Kỹ năng sáng tạo ảnh báo chí về xây dựng Đảng là một trong những nội dung mà hội nghị bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên do Ban Tổ chức Trung ương và Bộ TT&TT vừa tổ chức, nhằm giúp nâng cao chất lượng tác phẩm dự thi.

Ít tác phẩm ảnh báo chí dự thi

Nhà báo Hà Kiều My (Báo Phú Yên) tham gia Giải Búa liềm vàng tỉnh từ năm 2019 đến nay và liên tục đoạt giải nhất, nhì. Tuy nhiên, trong các tác phẩm dự thi vẫn chưa có thể loại ảnh báo chí. “Việc thực hiện ảnh báo chí về xây dựng Đảng tương đối khó và thật sự tôi chưa mạnh về thể loại này. Thêm nữa, do chưa trải qua lớp nghiệp vụ hướng dẫn ảnh về xây dựng Đảng để tham gia cuộc thi nên tôi gặp lúng túng. Làm sao để có phóng sự ảnh tham dự cuộc thi không phải là một bản tin tổng hợp từ các ảnh, mà là một câu chuyện hấp dẫn với thông điệp rõ ràng về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh luôn là điều trăn trở đối với tôi”, nhà báo Hà Kiều My chia sẻ.

Theo đánh giá của Ban Tổ chức Giải Búa liềm vàng toàn quốc, các tác phẩm ảnh dự thi có nội dung phong phú, bám sát các sự kiện lớn của đất nước, trọng tâm là triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng. Thành phần tham dự cũng khá đa dạng, có cả cơ quan báo chí ở trung ương và địa phương. Một số tác phẩm có chất lượng, đã nhận được giải thưởng của cuộc thi. Tuy nhiên, qua 7 lần tổ chức Giải Búa liềm vàng toàn quốc, số lượng tác phẩm ảnh dự thi vẫn chưa nhiều, chất lượng các tác phẩm về thể loại này phần lớn không cao, chưa xứng với tầm vóc cũng như kỳ vọng của giải. Một số tác phẩm có đề tài hay nhưng còn yếu trong cách thể hiện bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh, chưa thể hiện được nội dung cần truyền tải. Một số tác phẩm chưa bám sát chủ đề cuộc thi.

Cũng theo ban tổ chức cuộc thi, số lượng tác phẩm ảnh dự thi quá ít, chưa vượt quá con số 60 trong mỗi kỳ thi, riêng năm 2019 chỉ có 28 tác phẩm. Nhiều cơ quan báo chí ở cả trung ương và địa phương chưa nhiệt tình tham gia Giải Búa liềm vàng ở hạng mục ảnh báo chí, có năm chỉ có 8/63 tỉnh có tác phẩm dự thi. Bên cạnh đó, vẫn còn những tác phẩm lạc chủ đề cuộc thi, thậm chí có những tác phẩm không phải ảnh báo chí. Ngoài ra, nhiều tác phẩm nội dung tốt nhưng quá yếu trong thể hiện bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh; nhiều tác phẩm ảnh tốt nhưng nội dung viết kèm theo lại yếu, chưa thể hiện được vai trò của người đảng viên, của cơ sở Đảng.

Nhà báo Phạm Tiến Dũng, nguyên Trưởng ban Biên tập ảnh Thông tấn xã Việt Nam, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh cho rằng, một số nguyên nhân cơ bản có thể nêu ra như: Người cầm máy chưa bám sát chủ đề cuộc thi, còn yếu trong khai thác đề tài phản ánh, chung chung khi thể hiện hình ảnh. Ngoài ra, tác giả còn yếu về kỹ năng chụp ảnh và mắc bệnh dễ dãi khi chụp ảnh. Điều đáng nói khác là cơ quan báo chí chưa tận dụng hết những ưu điểm, lợi thế của ảnh báo chí; chưa quan tâm đến công tác đào tạo nghiệp vụ ảnh báo chí cho phóng viên.

Chuyến đi thực tế sáng tác của các tay máy tại xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa. Ảnh: MINH NGUYỆT

Nâng cao chất lượng tác phẩm dự thi

Theo nhà báo Hà Kiều My, hội nghị bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên do Ban Tổ chức Trung ương và Bộ TT&TT vừa tổ chức là một dịp sinh hoạt chuyên môn rất bổ ích, thiết thực. Trong đó, chuyên đề về kỹ năng sáng tạo ảnh báo chí tham gia Giải Búa liềm vàng rất hữu ích. “Chuyên đề này giúp tôi mở rộng đề tài về ảnh báo chí xây dựng Đảng. Tôi cũng đang ấp ủ một vài đề tài về ảnh báo chí xây dựng Đảng và sẽ thử sức ở thể loại này trong cuộc thi năm 2023 để mong qua tác phẩm, tôi sẽ kể chuyện xây dựng Đảng bằng ảnh đến mọi người”, nhà báo Hà Kiều My cho hay.

Đa số người tham dự hội nghị đều thấy được nhiều điều trong lĩnh vực ảnh báo chí. Nhà báo Lê Thanh Hội (Báo Phú Yên) cho biết: Với vốn kiến thức sẵn có về nhiếp ảnh, nay được trang bị thêm các kỹ năng và hướng mình đi đúng trọng tâm hơn, tôi cảm thấy độ khó của thể loại này giảm đi và có thêm nhiều điều thú vị. Tôi sẽ cố gắng tìm tòi đề tài và thể hiện tác phẩm bằng hình ảnh để tham gia dự thi.

Nhà báo Phạm Tiến Dũng cho rằng, các cơ quan báo chí cần quan tâm tổ chức cho phóng viên tìm hiểu kỹ về công tác xây dựng Đảng, khai thác và thực hiện các đề tài liên quan đến lĩnh vực này. Các đơn vị cần tuyển chọn từ cơ sở những tác phẩm ảnh báo chí có chất lượng để gửi dự thi Giải Búa liềm vàng.

“Để có tác phẩm ảnh báo chí tốt, phóng viên ảnh báo chí trước hết phải am hiểu về nghệ thuật, kỹ thuật nhiếp ảnh. Để có tác phẩm sâu về nội dung, đáp ứng chủ đề của cuộc thi, các phóng viên ảnh phải tìm hiểu, đọc kỹ thể lệ của cuộc thi để hiểu rõ nội dung của công tác xây dựng Đảng và từ đó tìm những đề tài, sự kiện, nhân vật phù hợp để thể hiện bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh”, nhà báo Phạm Tiến Dũng chia sẻ.

Các tay máy vững nghề cho rằng, người chụp ảnh cần chú ý đến các yếu tố nghệ thuật như bố cục, đường nét, ánh sáng, khoảnh khắc bấm máy để tác phẩm dự thi không chỉ tốt về nội dung mà còn hoàn hảo trong mỗi khuôn hình. Phần chú thích ảnh cũng rất quan trọng vì sẽ làm phong phú hơn, rõ ý hơn những gì phần ảnh chưa thể hiện hết được.

Ảnh báo chí là một trong những hình thức thông tin của báo chí, thông qua các hoạt động thực tiễn của đời sống xã hội bằng những hình ảnh cụ thể, chân thật và sinh động, nhằm đưa đến cho công chúng một lượng thông tin có giá trị tư tưởng và thẩm mỹ. Ảnh báo chí là câu chuyện bằng hình ảnh, máy ảnh là phương tiện ghi lại một khoảnh khắc trong dòng chảy của cuộc sống, cái phút giây điển hình khi hình ảnh đúc kết một câu chuyện. Những khoảnh khắc ấy là thành phần mật thiết của lịch sử, gìn giữ cho tương lai.

MINH NGUYỆT

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/76/299967/nang-cao-chat-luong-anh-bao-chi-giai-bua-liem-vang.html