Nam sinh khiếm thị nỗ lực không ngừng để bắt đầu lại cuộc sống mới

Vượt qua khủng hoảng tâm lý năm 15 tuổi, Ngô Gia Huy đã dũng cảm bắt đầu lại một lần nữa và phấn đấu không ngừng để theo đuổi ước mơ trở thành chuyên gia tâm lý cho trẻ em có cùng hoàn cảnh giống mình.

“Có cố gắng thì sẽ làm được”

Trong một lần nằm võng, không may bị trụ đá đập vào đầu, Ngô Gia Huy (sinh năm 2003) đánh mất thị lực và rơi vào trạng thái mất trí nhớ tạm thời sau hôn mê. Với cậu thiếu niên năm ấy, đây là cú sốc quá lớn để chấp nhận và đối mặt, nên gần một năm sau tai nạn, Gia Huy mắc bệnh trầm cảm, thường nhốt mình trong phòng và thậm chí còn có ý định tự tử.

Nhưng nhờ sự động viên của gia đình và bạn bè xung quanh, Gia Huy dần có dũng khí bước ra bóng tối, đối mặt với hiện thực và bắt đầu lại “cuộc sống mới”.

“Có lần, mẹ ngồi cạnh lấy thuốc cho mình uống, mình nghe thấy tiếng mẹ khóc, mới hỏi: Tại sao mẹ khóc? Mẹ nói: Mẹ thương con lắm nhưng mẹ không biết làm sao để con nhìn thấy lại được. Mình nhận ra, nếu cứ tiếp tục nản chí thế này cũng không thể nào nhìn thấy lại và thay đổi tương lai của mình được, nên đã xin mẹ cho đi học lại”, Huy kể lại.

Ngô Gia Huy là tân sinh viên chuyên ngành Tâm lý học của trường ĐH Văn Hiến (Ảnh: NVCC)

Thấy Huy quyết tâm muốn bắt đầu cuộc sống mới, mẹ Huy tạm gác lo âu và gửi Huy đến Hội Người mù ở quê, học chữ nổi. Sau một năm hoàn thành chương trình học chữ nổi ở quê, Gia Huy được giới thiệu lên Mái ấm Nhật Hồng, cơ sở Thủ Đức, để học củng cố lại kiến thức năm lớp 7.

Ở đó, Huy bắt đầu học lại mọi thứ từ đi đứng, ăn uống, giao tiếp, chăm lo sinh hoạt cá nhân… đến hòa nhập với người bình thường.

Bắt đầu làm quen với cuộc sống “không còn ánh sáng” ở độ tuổi trưởng thành, Ngô Gia Huy gặp khó khăn trong nhiều việc và đã không ít lần muốn bỏ cuộc. Cho đến khi chứng kiến các sơ ở mái ấm cho các em nhỏ ở đây chạy xe đạp, Huy mới hoàn toàn thay đổi cái nhìn của bản thân và tìm được động lực để tiếp tục nỗ lực vươn lên.

“Thậm chí, lúc chưa mất thị lực, mình còn sợ té và thấy khó, sao người khiếm thị lại chạy xe đạp được, lúc đó mình đã nghĩ như vậy. Sau rồi, mình nhận ra, người khiếm thị chỉ không nhìn thấy thôi, nhưng có cố gắng thì sẽ làm được. Mỗi khi gặp khó khăn, mình lại nhớ đến việc này và lấy nó làm động lực để vượt qua”, Gia Huy tâm sự.

Ước mơ giúp đỡ trẻ em khiếm thị

Từng trải qua cú sốc về mặt tinh thần, hơn ai hết, Gia Huy hiểu được cảm giác bất lực và tuyệt vọng khi đột ngột không còn nhìn thấy gì và phải bắt đầu lại một cuộc sống mới. Vì thế Gia Huy đã lựa chọn chuyên ngành Tâm lý học để có thể giúp đỡ cho trẻ em thanh thiếu niên khiếm thị vượt qua bóng tối tâm lý.

Học tập và chung sống với mọi người ở môi trường bình thường, không ít lần Huy muốn bỏ cuộc vì cảm thấy mọi thứ quá khó khăn, nhưng nghĩ đến ước mơ tương lai, anh lại vực dậy tinh thần và tiếp tục cố gắng, bởi "nếu cứ tiếp tục như vậy thì cũng không thể thay đổi được gì cả”.

Suốt nhiều năm THCS và THPT, Ngô Gia Huy đều đạt thành tích Học sinh Giỏi với điểm trung bình trên 8,0.

Ngô Gia Huy tham gia hiến máu cứu người trong Ngày hội 'Chủ nhật Đỏ', tại trường ĐH Văn Hiến. (Ảnh: NVCC)

Cô Phạm Thị Hồng Thái - giảng viên nhập môn chuyên ngành Tâm lý học cho biết, Gia Huy là một sinh viên có thái độ học tập vô cùng cầu tiến. Khác với môi trường THPT, môi trường đại học thường sử dụng tài liệu giảng dạy bằng video và PowerPoint nên sau mỗi buổi học, Huy thường hỏi thăm thầy cô và bạn bè để xin lại bài giảng và ghi lại những nội dung mà mình đã không xem được trên lớp.

“So với các bạn khác, Huy cố gắng hơn rất nhiều. Những nội dung nghe được, Huy sẽ cố gắng ghi lại, còn những nội dung khác, Huy sẽ chủ động hỏi xin bạn bè và thầy cô rồi tự học sau đó”, cô Thái cho biết.

Có lần, đi học ở trường ĐH Văn Hiến (cơ sở Bình Chánh, TP. HCM), phải đi qua cầu khỉ, Huy bị té xuống nước, ướt hết cả người nhưng vẫn kiên trì ở lại học trong phòng máy lạnh để không bỏ lỡ bài giảng.

“Gia Huy là một người tốt bụng, vui vẻ, lạc quan và đặc biệt là anh rất biết cách quan tâm đến mọi người. Cho dù không nhìn thấy, khiến anh gặp nhiều khó khăn trong việc đi học nhưng Huy vẫn vui vẻ đón nhận nó một cách tích cực nhất”, Nguyễn Dương Quế Thanh (bạn của Gia Huy) chia sẻ.

Ước mơ của nam sinh viên năm thứ nhất là có thể quay lại Mái ấm Nhật Hồng, nơi đã cho Huy một cuộc sống mới để giúp đỡ trẻ em khiếm thị nơi đây. Tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình khó khăn, ba là phụ hồ không có đồng lương ổn định, mẹ là nội trợ không đủ duy trì kinh phí để lo cho Huy ăn học, khiến Huy cũng khá lo lắng về tương lai.

Mái ấm Nhật Hồng là một trong ba cơ sở nuôi dạy trẻ khiếm thị được các Sơ dòng Mến Thánh Giá thành lập từ năm 1995. Đây là tổ chức xã hội nhận nuôi dạy trẻ khiếm thị, đặc biệt là trẻ mồ côi và khiếm thị đa tật. Trung tâm cung cấp cho các em các khóa học về kỹ năng học tập, kỹ năng làm việc và các kỹ năng sống cần thiết để giúp các em hòa nhập cộng đồng xã hội.

Huỳnh Lan

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nam-sinh-khiem-thi-no-luc-khong-ngung-de-bat-dau-lai-cuoc-song-moi-post1594441.tpo