Nam Phi đối phó với nạn săn trộm tê giác

Tê giác là một trong những loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới, ước tính hiện chỉ còn khoảng 28.000 con, trong đó 90% sống ở Nam Phi. Đối mặt với tình hình nghiêm trọng ấy, Chính phủ Nam Phi đang nỗ lực thắt chặt các quy định đối với hoạt động săn bắn loài vật quý hiếm này.

Tê giác tại Vườn quốc gia Kruger của Nam Phi

Trong chưa đầy ba tháng đầu năm 2012, đã có 159 con tê giác tại Nam Phi bị săn bắn trộm. Các cơ quan chức năng cảnh báo nếu tình trạng cứ tiếp diễn thì số tê giác bị sát hại trong năm nay sẽ vượt xa mức kỷ lục 448 con trong năm 2011.

Các nhà bảo vệ môi trường cho rằng với tốc độ săn bắn như hiện nay thì tê giác hoang dã sẽ đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng vào năm 2025. Điều này đặt Chính phủ Nam Phi trước nhiều thách thức để bảo vệ loài động vật quý hiếm.

Năm qua đã có 90 người săn bắn tê giác trái phép bị các nhà chức trách Nam Phi bắt giữ. Điều này cho thấy nạn săn bắt động vật quý hiếm đang không ngừng gia tăng, bất chấp việc chính phủ nước này đã áp dụng nhiều biện pháp tiên tiến để ngăn chặn các hoạt động phạm pháp như gắn chip lên sừng tê giác, tăng vốn đầu tư vào các dự án bảo tồn, tạo lập khu vực sinh sống an toàn cho các loài tê giác…

Theo các hãng thông tấn quốc tế, nhu cầu đang tăng mạnh ở Việt Nam và Trung Quốc được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến số lượng tê giác bị hạ sát bất hợp pháp ở Nam Phi gia tăng đột biến.

Hãng tin AP cũng đã có bài viết về cơn “sùng tín” sừng tê giác của một số người Việt Nam và Trung Quốc, họ tin rằng đây là vị thuốc có thể chữa bách bệnh, đặc biệt là ung thư.

Thời gian gần đây, phần lớn những người đi săn trái phép bị Nam Phi bắt giữ là đến từ Việt Nam. Ngoài ra, theo số liệu của Chính phủ Nam Phi, gần 60% số đơn xin cấp phép săn tê giác từ năm 2010 là của người Việt.

Mới đây, Bộ Môi trường Nam Phi cho biết sẽ từ chối tất cả hồ sơ xin cấp phép săn tê giác của Việt Nam trong năm nay, cho đến khi đã có đủ giải pháp nhằm bảo đảm sừng tê giác không bị mua bán.

Một con tê giác may mắn sống sót sau khi bị cắt trộm sừng

Trước đây một số thợ săn người Việt đã được cấp phép săn tê giác hợp pháp ở Nam Phi và sau đó xuất về Việt Nam dưới dạng chiến lợi phẩm thể thao.

Trả lời phỏng vấn của hãng tin Bloomberg hôm 4/4, bà Edna Molewa - Bộ trưởng Bộ Các vấn đề Môi trường và nguồn nước của Nam Phi - cho biết những người săn tê giác đến từ Việt Nam không thể thuyết phục được Chính phủ Nam Phi rằng họ sẽ tuân thủ luật pháp về săn bắn của nước này quy định không được bán lại con vật và các bộ phận sau khi chúng bị hạ sát.

Giới chức Mỹ và các chuyên gia quốc tế về động vật hoang dã cũng khẳng định nhu cầu tăng vọt tại Việt Nam trong thời gian gần đây chính là yếu tố tạo nên áp lực lớn chưa từng có đối với số phận tê giác còn sống trên toàn thế giới nói chung và ở Nam Phi nói riêng.

Cho dù số liệu thống kê về hoạt động buôn bán sừng tê giác trên phạm vi toàn cầu khá hiếm, nhưng giới hành pháp và bảo tồn đều khẳng định số vụ sát hại tê giác đã tăng đột biến trong hai năm qua. Giới chức Mỹ nhận định Trung Quốc và Việt Nam là hai thị trường chủ yếu tiêu thụ sừng tê giác nên rất ít sừng lọt được vào thị trường Mỹ.

Hồi tháng 2/2012, lực lượng hành pháp Mỹ đã phá một đường dây buôn lậu sừng tê giác do những người Mỹ gốc Việt cầm đầu. Felix Kha, một người Mỹ gốc Việt trong đường dây, khai rằng anh ta đã tới Việt Nam năm lần trong năm ngoái.

Lợi nhuận từ sừng tê giác lớn hơn nhiều so với các sản phẩm khác từ động vật hoang dã, như mật gấu hay cao hổ, một ký-lô-gam bột sừng tê giác có thể được bán với giá tới 60.000 USD, cao hơn cả mức giá của cocaine được bán trên các đường phố của Mỹ. Vì thế bột sừng tê giác có giá trị ngang với vàng.

Nhân viên tổ chức bảo vệ động vật hoang dã gắn chip lên sừng tê giác để bảo vệ chúng

Sức hút từ sừng tê giác rất lớn nên ngày nay những tên trộm sẵn sàng đánh cắp sừng tê giác từ các bảo tàng và cửa hàng bán thú nhồi tại châu Âu. Cảnh sát Liên minh châu Âu (Europol) xác nhận kẻ gian đã lấy 72 sừng tê giác từ 15 nước châu Âu trong năm 2011.

Còn tại Nam Phi, những kẻ săn trộm thường dùng cưa máy để cắt sừng tê giác còn sống và để lại những lỗ thủng đầy máu trên đầu những con vật may mắn sống sót. Thỉnh thoảng chúng bắn chết tê giác dù biết rằng sừng tê giác có thể mọc trở lại trong vòng hai năm.

Đối phó với hành vi dã man này, giới chức và các tổ chức bảo tồn tại Nam Phi đã nghĩ ra cách cắt sừng tê giác để bảo vệ chúng, với hy vọng rằng bọn săn trộm sẽ không màng đến. Nhưng khi gặp tê giác đã bị cắt sừng, bọn săn trộm vẫn giết để lấy phần sừng còn sót lại.

Ngày 16/3, phát ngôn viên của Bộ Các vấn đề Môi trường Nam Phi, ông Albi Modise, cho biết để đối phó với nạn săn bắn trộm tê giác ngày càng gia tăng mạnh, nước này đã đầu tư và áp dụng nhiều biện pháp như thành lập các đơn vị đặc nhiệm chuyên trách đối phó với các băng nhóm chuyên săn bắn trộm động vật hoang dã xuyên quốc gia có tổ chức.

Ngoài ra, Nam Phi đã hợp tác và ký Bản ghi nhớ (MOU) với một số quốc gia châu Á, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam... trong việc phối hợp ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ sừng tê giác.

Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, mặc dù Nam Phi đã nỗ lực tập trung trong việc đấu tranh, ngăn chặn, nghiêm trị những đối tượng dính líu đến việc săn bắn loài động vật này, nhưng tỷ lệ tê giác bị săn bắn, sát hại vẫn gia tăng mạnh tại các công viên quốc gia, khu bảo tồn sinh thái và các trang trại tư nhân.

Một nhóm hoạt động vì môi trường tuyên truyền chống nạn săn trộm sừng tê giác

Nguy hiểm hơn, tiếp tay cho các băng nhóm tội phạm trong việc săn bắn trộm tê giác là các nhân viên làm việc trong những cơ quan chức năng của chính phủ như cảnh sát, kiểm lâm, nhân viên bảo vệ làm việc tại các công viên quốc gia và các khu vực sinh thái, bảo tồn tại quốc gia trên.

Nam Phi từng là quê hương của tê giác, cách đây hơn một thập niên trung bình mỗi năm Nam Phi chỉ mất đi khoảng 15 con.

Thế nhưng, nạn săn trộm tê giác bắt đầu gia tăng đáng kể từ năm 2007 khi tầng lớp người giàu ở châu Á sẵn sàng chi nhiều tiền để mua sừng tê giác vì niềm tin vào tác dụng chữa bệnh kỳ diệu của bài thuốc từ sừng của loài động vật này. Ngay từ xa xưa, bột sừng tê giác đã là một loại dược liệu có giá trị cao theo quan điểm của y học phương Đông.

Là một điểm nóng về săn bắt tê giác lấy sừng, Vườn quốc gia Kruger của Nam Phi, vốn có diện tích tương đương với Israel, là nơi diễn ra một nửa số vụ săn trộm tê giác.

Bất chấp các nỗ lực của các lực lượng chức năng nhằm củng cố lực lượng và trang bị kỹ thuật, phương tiện để ngăn chặn các vụ săn trộm tê giác, các băng nhóm tội phạm có tổ chức cũng tăng cường trang bị vũ khí hiện đại và thiết bị săn bắt để qua mắt lực lượng chức năng.

Hiện nay, nhiều chiến dịch vận động ở Nam Phi kêu gọi Tổng thống Zacob Zuma duy trì hiệp ước thương mại quốc tế năm 1993 về việc cấm buôn bán các loài có nguy cơ tuyệt chủng và tăng cường phối hợp với Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan nhằm chấm dứt việc buôn bán sừng cũng như các bộ phận khác của tê giác.

Tháng 9-2011, Nam Phi đã ký một biên bản ghi nhớ với Việt Nam với hy vọng sẽ đi đến một thỏa thuận giúp hạn chế nạn săn trộm tê giác tại Nam Phi và đang tìm kiếm những thỏa thuận tương tự với Thái Lan và Trung Quốc.

Nguồn DNSG: http://doanhnhansaigon.vn/online/quoc-te/su-kien/2012/04/1063528/nam-phi-doi-pho-voi-nan-san-trom-te-giac/