Nam Định lập phòng tuyến bảo vệ đê biển

Mỗi năm, tỉnh Nam Định có kế hoạch tu bổ và trồng mới hàng trăm ha rừng phòng hộ ven biển. Nhờ đó, các tuyến đê xung yếu luôn được bảo vệ trước thiên tai.

* Lá chắn xanh vững chãi

Người dân sống ven tuyến đê biển huyện Giao Thủy (Nam Định) cho biết, từ khi những diện tích rừng trồng ngập mặn đầu tiên (thuộc dự án trồng rừng lấn biển năm 1980) khép tán thì tuyến đê bắt đầu được ổn định, hầu như không bị tác động bởi sóng và triều cường.

Rừng ngập mặn, lá chắn bảo vệ đê biển

Đê xung yếu

Tuyến đê biển của huyện Giao Thủy dài 31,2km thuộc địa phận các xã: Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân, Giao Hải và Giao Long, trong đó có 10,5km đê biển được bảo vệ bởi hơn 3.100ha rừng ngập mặn.

Trung bình, mỗi năm vùng đất này chịu ảnh hưởng bởi 5 - 7 cơn bão. Theo số liệu thống kê, từ năm 1960 trở lại đây, có trên dưới 10 cơn bão lớn với sức gió giật trên cấp 10 đổ bộ vào bờ biển của huyện Giao Thủy. Trong đó đáng kể nhất là cơn bão Rose (1968), bão Alice (1975), bão Naney (1982), bão Franky (1996) và bão Damrey (2005).

Như vậy, theo quy luật từ 7 - 12 năm lại xuất hiện bão lớn một lần. Lũ và triều cường kết hợp với bão khiến cho các tuyến đê biển ở đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sau mỗi cơn bão lớn, rất nhiều đoạn đê biển bị phá vỡ hoặc xói lở nặng. Nhìn chung, tuổi thọ của những đoạn đê biển không được bảo vệ tốt, chỉ khoảng trên dưới 20 năm.

Vào những năm cuối thập kỷ 80 và đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, rất nhiều người dân vào rừng ngập mặn Xuân Thủy đốn củi chặt cây để nuôi trồng thủy sản. Diện tích rừng dần bị co hẹp lại.

“Áo giáp” hộ đê

Trước tình hình đó, dự án “Trồng rừng ngập mặn – Phòng ngừa thảm họa” - của Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản và Hội Chữ thập đỏ Đan Mạch tài trợ đã khởi động, thời gian thực hiện: Năm 1997 - 2005. Mục tiêu trước mắt là phòng ngừa thảm họa do lũ, bão biển gây ra. Đồng thời, nâng cao năng lực cộng đồng cư dân ven biển về quản lý bảo vệ rừng ngập mặn, trong việc lập và thực thi kế hoạch Phòng ngừa ứng phó thảm họa.

Thông qua dự án, đã có hơn 1.380ha rừng ngập mặn tại các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng và hơn 40.000 mống tre ven sông tại 5 huyện khác trong tỉnh được trồng, chăm sóc. Cụ thể diện tích rừng trồng của huyện tăng 1.763,04ha năm 1995 lên 2746,15ha năm 2000 chủ yếu là vẹt, phi lao, bần...

Giai đoạn 2001 - 2005 diện tích trồng rừng thêm 1.059,80ha, tuy nhiên giảm 112,09ha do chuyển sang mục đích khác. Do đó diện tích rừng thực tăng 947,71ha đưa diện tích rừng năm 2005 lên 3.696,11ha.

Ban Chỉ đạo dự án trồng rừng ngập mặn Nam Định cho biết: Hầu hết rừng ngập mặn của tỉnh đều phát triển rất tốt, độ cao cây trung bình từ 2,5 - 3m. Các loài cây sú vẹt, đước, trang... mọc ken dày và có tầng tán cao đã có tác dụng to lớn trong việc giảm mạnh cường độ của sóng. Nhờ đó, phù sa ven biển và đê biển đã được bảo vệ khi triều cường và nước biển dâng, nhất là những ngày dông bão”.

Ông Phạm Văn Bổng, Trưởng xóm 18 (người có nhiều năm nhận nhiệm vụ canh đê biển tại địa phương, đồng thời nhận bảo vệ 120ha rừng ngập mặn phòng hộ ven biển) chia sẻ: Rễ cây ngập mặn vừa giảm được sức công phá bờ biển của sóng, đồng thời là vật cản làm cho trầm tích lắng đọng. Ở vùng cửa sông lớn như Ba Lạt, phù sa thường ngưng đọng trên lòng sông và ngoài cửa sông tạo nên những hòn đảo nổi. Nếu điều kiện thuận lợi thì chỉ sau một thời gian, các loài cây ngập mặn tiên phong sẽ đến cư trú tạo môi trường cho những loài cây đến sau và đất bồi được nâng dần lên, như Cồn Ngạn, Cồn Lu. Những nơi trồng và bảo vệ tốt rừng ngập mặn thì bờ biển và đê không bị xói lở, thiệt hai do thiên tai ở mức rất thấp.

Mỗi năm, tỉnh Nam Định có kế hoạch tu bổ và trồng mới hàng trăm ha rừng phòng hộ ven biển. Nhờ đó, các tuyến đê xung yếu luôn được bảo vệ trước thiên tai.

Theo Sở NN-PTNT Nam Định, từ năm 1997 - 2006, tổng thiệt hại mà bão, gió, triều cường gây ra cho mỗi km đê biển trung bình là 186.815.035 đồng/năm (trong đó, thấp nhất là 29.737.198 triệu đồng/năm - ứng với năm ít thiên tai và cao nhất là 1.227.053.140 đồng/năm - ứng với năm có bão lớn xuất hiện theo chu kỳ từ 7 - 12 năm/lần).

Với 3.100ha rừng ngập mặn bảo vệ tốt 10,5km đê biển, tính trung bình mỗi năm, diện tích rừng ngập mặn này đã làm giảm chi phí tối thiểu để sửa chữa và tu bổ hệ thống đê biển là: 186.815.035 đồng/km x 10,5km = 1.961.558.000 đồng. Từ đây tính được giá trị phòng hộ đê biển bình quân của 1ha rừng ngập mặn là 632.761 đồng/ha.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nam-dinh-lap-phong-tuyen-bao-ve-de-bien-post179086.html