Năm Dần xem triển lãm về... Hổ

Năm Tân Sửu sắp qua, năm Nhâm Dần sắp tới, văn nghệ Ninh Bình đánh dấu bằng một triển lãm tư nhân rất ấn tượng, triển lãm có tên gọi 'Ông Ba Mươi' tại địa chỉ Ba Ngàn Art, đường Đinh Tiên Hoàng, phường Đông Thành (thành phố Ninh Bình). Triển lãm diễn ra từ ngày 28/1 đến 28/2/2022.

Người dân đến thăm quan triển lãm.

Đây là một triển lãm chuyên đề với sự góp mặt của hai gương mặt nghệ sỹ quen thuộc giới mỹ thuật Ninh Bình, là Kù Kao Khải và Nguyễn Thanh Túc. Lấy cảm hứng từ năm mới Nhâm Dần, hai tác giả đã mang đến triển lãm bộ tranh, tượng gồm 24 ông Hổ với nhiều kiểu dáng, chất liệu, hình thể khác nhau.

Thực ra không phải đến hiện tại, các nghệ sỹ mới khởi động cuộc chơi sáng tạo về những con giáp mỗi dịp Tết đến xuân về mà nhiều tác giả cũng từng tìm cảm hứng từ đề tài này. Bản thân tác giả Kù Kao Khải từng nhiều lần "phiêu" cùng các con giáp với loạt sáng tạo ngộ nghĩnh: "Cưới chuột","Trâu vua"... Tuy nhiên, triển lãm "Ông Ba Mươi" dường như là một cuộc chơi khác của cả hai nghệ sỹ.

Hình tượng Hổ qua lăng kính của hai nghệ sỹ khá lạ mắt và có sự cách điệu đáng kể so với hình dung về ông Hổ truyền thống trong tư duy của người Việt. Trong khi Kù Kao Khải làm mới mình trong cảm hứng sáng tạo với tranh vẽ thì Nguyễn Thanh Túc tuy trung thành với chất liệu gỗ nhưng lại "dồn nén" tư duy sáng tạo và "bung tỏa" cách tạo hình qua những mảng miếng, hình khối lập thể. Ông Hổ qua mô tả của Kù Kao Khải là ông Hổ gần gũi trong tín ngưỡng dân gian vừa uy linh, vừa mạnh mẽ.

Tác phẩm "Ông Ba Mươi" của Kù Kao Khải trưng bày tại Triển lãm.

Điểm nhấn trong bộ sưu tập 12 ông Hổ của Khải là bộ "ngũ Hổ", với hoàng Hổ, xích Hổ, thanh Hổ, hắc Hổ, bạch Hổ. Năm ông Hổ với 5 gam màu chủ đạo: vàng, đỏ, xanh, đen, trắng, khắc họa những góc nhìn khác nhau về hình sắc của "Ông Ba Mươi".

Theo tác giả Kù Kao Khải, hình tượng Hổ trong tranh vẽ của anh không chú ý khắc họa vẻ hung dữ, bí hiểm của một Chúa sơn lâm mà chủ yếu chuyển tải thông điệp về sự mạnh mẽ, phồn sinh, phú túc, gần gũi trong tâm thức dân gian.

Những ông Hổ có trong bức tranh, tượng thờ ở các đền, miếu với các phạm trù có tính biểu trưng như: đen - trắng, thiện - ác, tĩnh - động, hiển lộ- ẩn tàng... qua bức tranh về Hổ, người xem có những "ẩn dụ" về cuộc sống đa dạng, muôn màu, nhiều chiều kích...

Bộ tượng của Nguyễn Thanh Túc lại là một góc nhìn khác về hình tượng "ông Ba Mươi". Tác giả Nguyễn Thanh Túc cho người xem những trải nghiệm thị giác về những hình khối, mảng miếng vừa thô mộc lại vừa lạ mắt. Người xem vẫn có hình dung về hình tượng về một ông Hổ, song với cảm giác hoàn toàn mang tính ước lệ. Với hai mảng màu chủ đạo đen- trắng, hình khối thô ráp, tượng ông Ba Mươi của Thanh Túc gợi nhiều lối tạo tác của mỹ thuật nguyên thủy tựa như lối chạm đục các bức tượng linh thú của các nghệ nhân dân gian các dân tộc thiểu số.

Bộ tượng của Thanh Túc là một sự bổ sung khác, cho bộ tranh 12 ông Hổ của Kù Kao Khải, tuy nhiên nó lại có chung một "điểm nhìn" đó là họ đều lấy cảm hứng trong quan niệm dân gian về 12 giáp trong tư duy truyền thống.

Theo họa sỹ Phan Nguyễn: Qua tham quan triển lãm, tôi đánh giá rất cao triển lãm này ở hai góc độ. Về góc độ chuyên môn, đây là triển lãm chuyên đề với hai bộ tranh tượng giàu ý tưởng, độc đáo. Tác phẩm vừa có ý nghĩa thời sự khi đề cập đến chủ đề con Hổ ngay vào dịp xuân Nhâm Dần.

Từ góc độ kỹ thuật tạo tác, tư duy nghệ thuật thể hiện trong tác phẩm rất độc đáo, với nhiều điểm nhìn, nhiều chiều không gian, cách xử lý bộ cục, màu sắc tác phẩm giàu cá tính, tạo ấn tượng thị giác mạnh. Tác phẩm về Hổ nhưng không dừng lại ở chuyện Hổ mà nó là hàm tải câu chuyện về tri thức văn hóa, những cảm nghiệm của tác giả về kho tàng văn hóa dân gian truyền thống.

Cũng có mặt trong buổi triển lãm này, anh Đoàn Đức Bình (Đại Từ, Thái Nguyên) chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi tham dự một triển lãm mỹ thuật do một đơn vị tư nhân tổ chức. Một triển lãm mà nhà tổ chức đã đầu tư từ địa điểm, kinh phí, lựa chọn tác phẩm... Điều này là điều rất tốt đối với hoạt động mỹ thuật, thực tế trừ thủ đô Hà Nội, rất ít các địa phương khác có được một triển lãm kiểu như này.

Đó là chưa kể Ninh Bình là địa phương phát triển du lịch, rất cần có những địa điểm như thế để thu hút những người yêu mỹ thuật tới thưởng lãm, mở ra cơ hội giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm mỹ thuật cho các nghệ sỹ. Cá nhân tôi rất thích phong cách tạo tác tượng của Thanh Túc nên tôi đánh giá cao những tác phẩm trưng bày tại triển lãm lần này.

Điểm mới trong Triển lãm mỹ thuật Ông Ba Mươi lần này là nhà tổ chức hoàn toàn là một đơn vị tư nhân.

Hợp tác xã Sinh Dược, với việc đầu tư xây dựng hẳn một không gian triển lãm riêng, với ý tưởng biến nơi đây thành một "điểm hẹn" của giới văn nghệ tại Ninh Bình. Và sau triển lãm chuyên đề về Ông Ba Mươi, dự kiến sẽ còn có nhiều triển lãm khác nữa về của các nghệ sỹ khác.

Hoạt động triển lãm này chính là bước đi tiên phong đáng ghi nhận của một doanh nghiệp "đỡ đầu" cho các hoạt động nghệ thuật của các văn nghệ sỹ tại một địa phương không phải là trung tâm, vốn không có nhiều chất xúc tác cho thị trường sản phẩm mỹ thuật phát triển.

Trong xu hướng khuyến khích phát triển kinh tế du lịch, quảng bá thương hiệu tại Ninh Bình, triển lãm mỹ thuật này là một gợi ý cho nhiều dự án nghệ táo bạo hơn nữa trong tương lai.

Đức Bá-Minh Quang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nam-dan-xem-trien-lam-ve-ho/d2022012610243674.htm