Nắm bắt thời cơ, đưa du lịch Tam Đảo 'cất cánh'

Kỳ 3: Thế và thời mới

Ngày 25/1/2022, Bộ VH-TT&DL đã ban hành Quyết định số 170 về việc công nhận Khu du lịch Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc là khu du lịch quốc gia. Cùng với đó, từ ngày 15/3/2022, Việt Nam đã chính thức mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch đối với cả khách nội địa và khách nước ngoài. Liệu Tam Đảo có thể tận dụng triệt để những cơ hội mới này để phục hồi du lịch sau 2 năm “đóng băng” do dịch Covid-19, tăng sức hút đối với du khách trong nước và quốc tế; từ đó, nâng tầm vị thế và giá trị của du lịch Tam Đảo trên bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế; góp phần quan trọng để ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh?

Hàng loạt các công trình với kiến trúc độc đáo được triển khai đã tạo điểm nhấn, thu hút du khách tới thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo. Ảnh: Khánh Linh

Cơ hội để du lịch Tam Đảo bứt phá

Theo quyết định công nhận của Bộ VH-TT&DL, Khu du lịch quốc gia Tam Đảo có diện tích 10.723ha, gồm phân khu dịch vụ hành chính của Vườn Quốc gia Tam Đảo trên địa bàn huyện Tam Đảo là 5.399 ha; khu vực chân núi Tam Đảo 4.561,5 ha; khu di tích và danh thắng Tây Thiên 477,6 ha và khu du lịch Tam Đảo 284,9 ha.

Ranh giới Khu du lịch quốc gia Tam Đảo được xác định: Phía Đông Bắc và phía Đông giáp Vườn Quốc gia Tam Đảo thuộc địa phận huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Thái Nguyên; phía Đông Nam giáp Trường bắn Cam Lâm và đất rừng xã Minh Quang, huyện Tam Đảo; phía Nam giáp đất lúa xã Minh Quang, huyện Tam Đảo; phía Tây giáp tỉnh lộ 302 đoạn qua thị trấn Hợp Châu, xã Hồ Sơn và xã Tam Quan, huyện Tam Đảo; phía Tây Bắc giáp đất rừng sản xuất các xã Bồ Lý, Yên Dương, huyện Tam Đảo và huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Việc Khu du lịch Tam Đảo được công nhận là khu du lịch quốc gia là sự ghi nhận những nỗ lực và thành công bước đầu của du lịch Tam Đảo nói riêng và ngành Du lịch Vĩnh Phúc nói chung.

Đồng thời, là cơ hội để Tam Đảo tiếp tục nhận được sự quan tâm, đầu tư của Trung ương và của tỉnh; đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá các tài nguyên, sản phẩm du lịch đặc sắc; thu hút đầu tư phát triển vào các lĩnh vực du lịch, góp phần quan trọng để ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Nhìn sang tỉnh bạn, sau khi được công nhận là khu du lịch quốc gia năm 2017, tốc độ tăng trưởng du lịch của Sa Pa (Lào Cai) đã có những bước tiến vượt bậc. Cuối năm 2019, doanh thu từ du lịch Sa Pa cán mốc 9.300 tỷ đồng, gấp 5,5 lần so với năm 2016; lượng du khách đạt hơn 3,2 triệu lượt người.

Sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, các chính sách mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch đối với cả khách nội địa và khách nước ngoài của Chính phủ, cùng các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 của tỉnh cũng là thời cơ để du lịch Tam Đảo “tăng tốc”.

Thế và thời mới, nếu có thể tận dụng triệt để, đây sẽ là cơ hội quan trọng để du lịch Tam Đảo bứt phá, thu hút lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế.

Nắm bắt những thời cơ mới, nâng tầm vị thế và tăng sức cạnh tranh cho du lịch Tam Đảo, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành VH-TT&DL tỉnh phối hợp với UBND huyện Tam Đảo và các ban, ngành liên quan tăng cường công tác quảng bá, liên kết hợp tác phát triển du lịch nhằm mở rộng thị trường khách du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch Tam Đảo trên bản đồ du lịch quốc gia, quốc tế.

Đồng thời, tập trung mọi nguồn lực, đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về du lịch; thu hút đầu tư phát triển vào các lĩnh vực dịch vụ, du lịch; xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch Tam Đảo phù hợp với tiềm năng, thế mạnh, tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, có sức cạnh tranh cao, thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Nâng vị thế du lịch Tam Đảo

Theo đại diện Sở VH-TT&DL, để tuyên truyền, quảng bá rộng rãi nhằm nâng vị thế và giá trị thương hiệu Khu du lịch quốc gia Tam Đảo trên bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế, đồng thời, tăng cường xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch, Sở VH-TT&DL sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như xây dựng các video, phim tư liệu in trên đĩa VCD, DVD giới thiệu tiềm năng Khu du lịch quốc gia Tam Đảo.

Thu thập, biên tập và xuất bản các ấn phẩm, vật phẩm quảng bá Khu du lịch quốc gia Tam Đảo; biên tập và in cuốn bản đồ Khu du lịch quốc gia Tam Đảo với phạm vi và ranh giới đã được phê duyệt phục vụ du khách khi tới tham quan, nghỉ dưỡng; tổ chức hội nghị xúc tiến điểm đến và liên kết phát triển du lịch…

Dự kiến trong tháng 4/2022, tỉnh sẽ tổ chức lễ công bố quyết định công nhận Khu du lịch quốc gia Tam Đảo và tổ chức nhiều hoạt động chào mừng Khu du lịch Tam Đảo được công nhận là khu du lịch quốc gia.

Trước đó, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch huyện Tam Đảo đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở phân tích rõ những thế mạnh cũng như khó khăn, hạn chế của du lịch Tam Đảo hiện nay, đề án đã hoạch định ra những giải pháp để phát triển du lịch Tam Đảo một cách bài bản thông qua đa dạng hóa sản phẩm du lịch; ưu tiên phát triển du lịch cao cấp ở Tam Đảo theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vĩnh Phúc đã đề ra; nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường thu hút đầu tư, hoàn thiện hạ tầng giao thông, viễn thông, đào tạo nhân lực du lịch…

Bên cạnh 2 trung tâm du lịch là Khu danh thắng Tây Thiên và Khu du lịch Tam Đảo I, các xã, thị trấn của Tam Đảo sẽ trở thành vùng du lịch bổ trợ. Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện Tam Đảo sẽ dành 372,7 ha đất cho phát triển du lịch, dịch vụ; đến năm 2030 con số này là 675,8 ha.

Cùng với đó, sẽ có thêm nhiều khu, điểm du lịch mới được hình thành như Khu du lịch Tam Đảo II - Bến Tắm - Thác 75; khu du lịch làng văn hóa dân tộc Sán Dìu, xã Đạo Trù; khu du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe hồ Bản Long, xã Minh Quang; khu du lịch sinh thái hồ Làng Hà, xã Hồ Sơn…

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để Tam Đảo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch nhằm tăng sức cạnh tranh, thu hút du khách; phát huy và khai thác các loại hình sản phẩm du lịch đặc thù, có lợi thế của địa phương gồm du lịch văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng gắn với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Từng bước hình thành các sản phẩm du lịch mới như du lịch cộng đồng, MICE (hội họp, khen thưởng, hội nghị, triển lãm); du lịch trải nghiệm, vui chơi, giải trí cao cấp, du lịch sinh thái kết hợp chăm sóc sức khỏe…

Các sản phẩm du lịch sẽ được phát triển đồng bộ nhằm kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của du khách; đồng thời, đảm bảo về chất lượng và khả năng cạnh tranh, đáp ứng xu thế phát triển của thị trường trong nước và quốc tế.

Đối với phát triển thị trường, ưu tiên thu hút và phát triển nhóm khách hàng có khả năng chi tiêu cao cho các dịch vụ du lịch, tham quan nghỉ dưỡng dài ngày, có khả năng đi theo tour trọn gói.

Cùng với đó, UBND huyện Tam Đảo sẽ kiện toàn mô hình quản lý khu du lịch quốc gia Tam Đảo theo nghị định của Chính phủ; xây dựng và ban hành quy chế quản lý Khu du lịch quốc gia Tam Đảo theo ranh giới đã được phê duyệt.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư đang thực hiện trên địa bàn Khu du lịch quốc gia Tam Đảo; ưu tiên nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và thu hút các dự án đầu tư về du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái độc đáo, thân thiện với môi trường; xây dựng các chính sách hỗ trợ để thu hút đầu tư phát triển du lịch.

Chú trọng đầu tư, bảo vệ, tôn tạo di tích, thắng cảnh; bảo tồn và phục dựng các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian phục vụ phát triển du lịch; phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo, đặc biệt là lễ hội Tây Thiên và tín ngưỡng thờ mẫu Tây Thiên…

Dự báo tổng nguồn vốn đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn huyện Tam Đảo đến năm 2030 là hơn 17.500 tỷ đồng, trong đó vốn thu hút từ xã hội hóa khoảng 89%. Để nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư, Tam Đảo sẽ đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch, tìm hiểu nhu cầu của các nhà đầu tư, xác định các nhà đầu tư ưu tiên cho các dự án mục tiêu; tạo cơ chế thuận lợi, áp dụng thông thoáng cho các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng, kỹ thuật du lịch; kịp thời tháo gỡ khó khăn, bảo đảm và cam kết đối với nhà đầu tư về sự minh bạch của định hướng chính sách dài hạn…

Với nhiều cơ hội mới đang mở ra, cùng sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, tin rằng, du lịch Tam Đảo sẽ tiếp tục phát huy những tiềm năng, thế mạnh để có những bứt phá mạnh mẽ, sớm đạt mục tiêu trở thành thị xã đặc sắc về du lịch, một trong những trung tâm du lịch của tỉnh và cả nước, điểm đến hấp dẫn thân thiện của du khách, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển chung của tỉnh.

Lê Mơ - Anh Phương

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/75602/nam-bat-thoi-co-dua-du-lich-tam-dao-cat-canh.html