Mỹ - Trung đối đầu ở Djibouti trong cuộc giằng co ảnh hưởng châu Phi

Mỹ lo ngại bị đánh bại trong cuộc tranh giành ảnh hưởng ở châu Phi trước sự trỗi dậy âm thầm và khôn khéo của quân đội Trung Quốc tại khu vực.

Đầu năm nay, cảng Doraleh của Djibouti đã tiếp đón hai siêu cường thế giới. Những người Trung Quốc ngồi ở bên phải của bục phát biểu nơi Đô đốc Mỹ Heidi Berg chính thức phát động cuộc tập trận quân sự Cutlass Express do Mỹ dẫn đầu.

Theo CNN, Cutlass và một số cuộc tập trận hàng năm do Mỹ dẫn đầu được tổ chức trên khắp lục địa châu Phi là cách thức ít rủi ro và có chi phí tương đối thấp để Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ (AFRICOM) giành và giữ các đồng minh khu vực.

Nhưng ở Djibouti, quốc gia nhỏ bé chỉ có 884.000 người, đồng minh chủ chốt ở Biển Đỏ của Mỹ, và trên khắp châu Phi, lòng trung thành đang lung lay trước sự cạnh tranh từ quân đội Trung Quốc, đơn vị đang ngày càng khẳng định tầm ảnh hưởng của mình trên lục địa.

Đội ngũ của Trung Quốc ngồi ở hàng ghế bên trái khi Đô đốc Mỹ Heidi Berg lên bục để tuyên bố chính thức khởi động cuộc tập trận quân sự Cutlass Express do Mỹ lãnh đạo.

Mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi

Năm 2017, Giải phóng Quân Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã khai trương căn cứ đầu tiên ở nước ngoài, và nó được đặt tại Djibouti. Khu phức hợp bê tông xám trải dài nằm ở vị trí đắc địa bên cạnh một trong những cảng chính của Djibouti và chỉ cách căn cứ thường trực duy nhất của quân đội Mỹ trên lục địa này, doanh trại Lemonnier, 15 phút lái xe.

Lemonnier là tài sản chiến lược cho các nhiệm vụ của Mỹ ở nước ngoài, là nơi triển khai các hoạt động tình báo và chống khủng bố của Mỹ trên lục địa châu Phi và xa hơn nữa.

Một quan chức của AFRICOM, người được ủy quyền phát biểu với điều kiện giấu tên, nói rằng sự hiện diện của PLA ở châu Phi đang trở thành mối quan tâm chiến lược lâu dài đối với Mỹ.

Trung Quốc đã mở rộng quan hệ quân sự ở châu Phi trong nhiều năm, thông qua các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình mở rộng, đào tạo nhân viên quân sự và diễn đàn Sáng kiến An ninh và Hòa bình Trung Quốc - châu Phi.

Năm 2017, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết căn cứ Djibouti là một phần trong "những nỗ lực không ngừng nhằm giúp mang lại hòa bình và an ninh cho khu vực".

Cộng hòa Djibouti là quốc gia ở Đông Phi giáp Ethiopia, Somalia, Biển Đỏ và Vịnh Aden. Đồ họa: CNN.

Mỹ đương nhiên xem căn cứ này như "cái gai trong mắt" vì nó nằm gần doanh trại Lemonnier và cảng container chính của Djibouti, nguồn cung cấp chính để duy trì lực lượng khoảng 4.000 nhân viên Mỹ tại căn cứ.

"Không có gì bí mật rằng khoảng 98% hỗ trợ hậu cần cho Djibouti, cũng như Somalia và Đông Phi, đi qua cảng đó. Cảng đó là một trong năm thực thể trong toàn bộ cảng Djibouti. Và vì vậy, việc tiếp cận nó của chúng tôi là cần thiết và bắt buộc", CNN dẫn lời Tướng Thomas Waldhauser của AFRICOM nói trong cuộc họp gần đây tại Thượng viện.

Mất quyền tiếp cận cảng đó sẽ là đòn giáng mạnh vào lợi ích và hoạt động của Mỹ. Trung Quốc có thể tận dụng quyền kiểm soát nợ của Djibouti để kiểm soát các cảng. Trung Quốc nắm giữ khoảng 80% nợ của đất nước này.

Theo giáo sư Lina Benabdallah của Đại học Wake Forest, dù các nước khác như Thổ Nhĩ Kỳ, UAE, Nhật Bản cũng có căn cứ trong khu vực, căn cứ của Trung Quốc có vẻ "đáng nghi, đáng sợ và gây phẫn nộ" cho Mỹ vì sự thiếu tin tưởng ngày càng tăng giữa Washington và Bắc Kinh.

Lo ngại bẫy nợ

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã gia tăng mối quan hệ quân sự kéo dài hàng thập kỷ với các nước châu Phi bằng cách mở rộng các chương trình đào tạo và tăng doanh số vũ khí.

Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, Bắc Kinh giờ đây là nhà cung cấp vũ khí số hai cho khu vực châu Phi hạ Sahara, sau Nga, và là nhà cung cấp số ba cho Bắc Phi, sau Nga và Mỹ.

Tuy nhiên, trọng tâm trong mối quan ngại của Mỹ là các hoạt động cho vay của Trung Quốc trên lục địa. Từ năm 2000, các nước châu Phi đã vay khoảng 130 tỷ USD từ Trung Quốc, theo phân tích của một nhà phân tích tại Đại học Johns Hopkins. Số lượng khoản vay đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2012, chủ yếu thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Tàu USS Chung-Hoon rời Djibouti trên đường trở về cảng nhà. Tàu khu trục đã tham gia cuộc tập trận Cutlass Express năm nay. Ảnh: CNN.

Năm ngoái, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã nói thẳng thừng rằng "Trung Quốc sử dụng tiền hối lộ, thỏa thuận bất minh và sử dụng nợ chiến lược để giữ các quốc gia châu Phi bị ràng buộc theo yêu cầu của Bắc Kinh".

Lo ngại của Mỹ về việc mất quyền tiếp cận cảng có thể bắt nguồn từ vụ việc năm 2017, khi Sri Lanka đã từ bỏ một cảng lớn cho Trung Quốc sau khi vỡ nợ khoản vay của Bắc Kinh.

Những người ủng hộ BRI chỉ ra rằng chương trình này thường tài trợ cho các dự án rất cần thiết mà các nhà đầu tư khác sẽ ủng hộ và việc tập trung vào cơ sở hạ tầng, với mục tiêu đầu tư xây dựng là 1 nghìn tỷ USD, đang có tác động ngay lập tức đến lục địa này.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố nhiều lần rằng các khoản đầu tư của họ vào châu Phi không có ràng buộc chính trị nào và nhiều lần phủ nhận Trung Quốc đang tham gia vào cái được gọi là "ngoại giao bẫy nợ".

Viễn cảnh rõ ràng

Các quan chức của Djibouti khẳng định nước này sẽ duy trì quyền kiểm soát các cảng của mình và cho đến nay, chính phủ đang theo dõi chặt chẽ việc trả hết các khoản vay.

"Tiền tài trợ chủ yếu đến từ Trung Quốc nhưng chúng tôi sở hữu các khoản đầu tư, chúng tôi sở hữu tài sản. Đó là một cảng, đó là một tuyến đường sắt, đó là một khu vực tự do, chúng tôi sở hữu hai phần ba khoản đầu tư của chúng tôi", Chủ tịch cảng Djibouti và Cơ quan quản lý Khu vực Tự do Aboubaker Omar Hadi nói với CNN.

Cảng container của Djibouti là chìa khóa cho các hoạt động của Mỹ tại doanh trại Lemonier. Căn cứ này không thể tiếp cận trực tiếp vùng biển. Ảnh: CNN.

Ông Hadi nổi giận với ý nghĩ rằng đất nước của mình và những nước châu Phi khác bị cuốn vào cuộc giằng co giữa các siêu cường. "Thế giới cần phải hiểu rằng dù là đông hay tây hay bắc hay nam thì chúng tôi sẽ quyết định vận mệnh của mình... Mọi người đều được chào đón", ông nói.

Giáo sư Benabdallah của Wake Forest cho biết Trung Quốc đã hoạt động ở châu Phi trong hai thập kỷ nay và đang thiết lập mạng lưới một cách rất thông minh.

Benabdallah nói thêm rằng phần lớn sự bành trướng của Trung Quốc ở châu Phi là kết quả của sự cống hiến chiến lược do ông Tập đứng đầu. Chủ tịch Trung Quốc đã thực hiện sáu chuyến đi tới lục địa này và kể từ tháng 1/1990, chuyến đi đầu tiên của ngoại trưởng Trung Quốc hàng năm đều là đến một quốc gia ở châu Phi.

"Tôi nhận thấy viễn cảnh rõ ràng. Tôi nghĩ chúng ta đang thua, ở châu Phi chúng ta đang thua", quan chức của AFRICOM thừa nhận.

Tuyết Mai
Theo CNN

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/my-trung-doi-dau-o-djibouti-trong-cuoc-giang-co-anh-huong-chau-phi-post950476.html