Mỹ thuật Hà Nam thiếu sự bứt phá

Mỹ thuật là một trong số những bộ môn văn học nghệ thuật (VHNT) ổn định sáng tác và vượt trội so với nhiều bộ môn khác hiện nay ở Hà Nam. Tuy nhiên, trong những năm qua, do nhiều yếu tố tác động, Mỹ thuật Hà Nam vẫn chưa có sự bứt phá, đặc biệt tại các triển lãm khu vực đồng bằng sông Hồng.

Mỹ thuật là một trong số những bộ môn văn học nghệ thuật (VHNT) ổn định sáng tác và vượt trội so với nhiều bộ môn khác hiện nay ở Hà Nam. Tuy nhiên, trong những năm qua, do nhiều yếu tố tác động, Mỹ thuật Hà Nam vẫn chưa có sự bứt phá, đặc biệt tại các triển lãm khu vực đồng bằng sông Hồng.

Mỗi người một lối

Ở tuổi ngoài 70, hằng năm họa sỹ Đỗ Kích vẫn đều đặn sáng tác và tham gia các triển lãm khu vực cùng con trai là họa sỹ Đỗ Thắng. Thế mạnh của ông là tranh sơn dầu cỡ lớn. Nếu như trước đây, ông mê mải và gắn bó với các đề tài chiến tranh cách mạng, thì bây giờ ông chuyển hướng về đề tài đời sống nông thôn nhiều hơn. Kỳ thực mà nói, sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng, không ai ở Hội VHNT Hà Nam vượt qua ông, kể cả về số lượng tác phẩm lẫn các giải thưởng. Nhưng bây giờ, khi ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy”, sức khỏe không còn dẻo dai và nhanh nhẹn nữa, ông trở lại những đề tài gần gũi với đời sống. Dù sao, những tích lũy nghề nghiệp, bản lĩnh và kinh nghiệm sống giúp ông có thể ngồi một chỗ, vẽ theo mong muốn của mình mà vẫn giữ được phong cách, vẫn nhuần nhuyễn những kỹ thuật hòa sắc một cách đầy cảm hứng.

Họa sỹ Lê Huy Tiếp (bên trái ảnh) cùng họa sỹ Nguyễn Ngần tham quan Triển lãm Mỹ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng năm 2022 tại Hà Nam. Ảnh: Chu Uyên

Còn họa sỹ Nguyễn Ngần, đây là thời điểm anh rực sáng trong sự nghiệp của mình. Bận bịu với công tác quản lý trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, Nguyễn Ngần vẫn không bỏ ngỏ thời gian, anh tranh thủ từng phút để làm việc và hoàn thành các tác phẩm hội họa của riêng mình. Vừa thỏa lòng trải nghiệm bên những tác phẩm sơn dầu, Acrylic, anh vừa đắm đuối và cần mẫn với khắc gỗ. Những ý tưởng hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại trong các tác phẩm của Nguyễn Ngần làm cho cuộc sống và công việc của anh rạng rỡ hơn. Nguyễn Ngần nói: “Mình có lối đi riêng của mình, đó chính là sự cần thiết mà mỗi người nghệ sỹ cố gắng tìm tòi, tạo nên những đột phá. Tuy nhiên, trong giới hạn của cuộc sống, công việc và bản thân, đôi khi những sáng tác vẫn còn gò bó, nhợt nhạt về nội dung và chất lượng. Bản thân nghệ sỹ chưa thỏa mãn điều đó cũng là một điều may!”.

Nổi bật trong số những họa sỹ trẻ, Trần Phong từng bước hòa nhập với không khí đời sống, sáng tác ở Hội VHNT Hà Nam, hiện anh đang là giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Trần Phong chọn chất liệu sơn khắc để thể hiện ý tưởng của mình. Đó là cái nhìn về tự nhiên, về sự vận động của vũ trụ qua những chuyển biến rất đời thường. Anh cho người xem thấy được sự tinh tế trong cách cảm nhận và thể hiện của mình từ bố cục, đường nét, ánh sáng, độ đậm nét trong từng nét khắc của tranh. Tranh khắc vốn kén người chơi, kén người mua, tạo nên những thử thách không nhỏ với nghệ sỹ trẻ. Nhưng Trần Phong không ngần ngại điều đó, anh vẽ bằng trái tim, bằng sự rung cảm chân thành với cuộc sống và tình yêu thiên nhiên, bằng sự dấn thân!

Lê Thị Lượng thì khác, chị luôn chung thủy với lựa chọn của mình khi sử dụng chất liệu lụa để vẽ. Lụa làm cho chị đắm đuối với thời gian, quên đi những vồ vập và xáo trộn bên ngoài để thỏa sức sáng tạo về đời sống, sinh hoạt và không gian vui chơi của thiếu nhi, học sinh. Chị dường như chỉ chọn đề tài này để sáng tác, tham gia các triển lãm khu vực hằng năm.

Lê Thị Lượng, Phạm Văn Hòa, Nguyễn Thị Sao… cũng giống như những họa sỹ khác luôn chọn một lối đi, định một lối đi trong nhiều năm mà không biết mỏi. Trong các triển lãm khu vực, tác phẩm của họ so với bạn bè xung quanh chưa thực sự bứt phá. Một vài người bỗng nhận ra, mình đang đi trên một lối mòn! Bởi, giải thưởng cho các tác phẩm mỹ thuật của Hà Nam tham dự Triển lãm cao nhất chỉ là giải C (trong vòng 5 năm trở lại đây). Năm ngoái, trước lợi thế lớn, Triển lãm được tổ chức tại Hà Nam, nhưng các họa sỹ cũng chỉ có 3 tác phẩm đạt giải Khuyến khích. Năm nay, triển lãm được tổ chức tại Hưng Yên, Hà Nam có 1 tác phẩm khắc gỗ “Mưu sinh” của họa sỹ Nguyễn Ngần được trao giải C (không có giải A).

Thiếu vắng sự đột phá

Nếu phân tích những yếu tố tác động đến hoạt động sáng tác của họa sỹ Hà Nam trong nhiều năm trở lại đây chưa làm cho họ có sự bứt phá, sáng tạo nổi bật, người ta sẽ nói đến tài năng, điều kiện để nghệ sỹ cống hiến, gắn bó với nghề. Đó là những lý do khách quan. Còn lý do chủ quan chính là bản thân nghệ sỹ, mọi người dường như chỉ chọn cho mình một lối đi, đi mãi, trở thành lối mòn, không còn sáng tạo nữa.

Tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng năm 2018 được tổ chức tại Hải Phòng, cố họa sỹ Trần Khánh Chương, khi đó là Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam trong bài phát biểu nhận xét về triển lãm, chỉ ra rằng: “Sự an toàn, chuẩn mực là điều cần thiết trong sáng tạo tác phẩm. Tuy nhiên, thực tế cuộc sống muôn màu, muôn vẻ, nên đôi khi sự an toàn, chuẩn mực thái quá lại giới hạn khả năng sáng tạo của họa sĩ, nhà điêu khắc. Đôi khi sự chênh vênh, thiếu vắng, nghiêng chỗ này, đổ chỗ kia lại tạo nên những tác phẩm nghệ thuật ấn tượng, thể hiện dụng ý, cách nhìn táo bạo của người họa sĩ về hiện thực cuộc sống. Vì thế, giới tạo hình khu vực cần nghiên cứu, tìm ra lối đi riêng, có sự bứt phá ngoạn mục hơn trong cách nhìn, cách thể hiện”.

Thực tế, các tác phẩm hội họa, đồ họa có mặt trong Triển lãm khu vực đồng bằng sông Hồng mấy năm qua còn thiếu sự đột phá trong nghệ thuật, cả về ngôn ngữ và bút pháp tạo hình. Có lẽ vì thế, rất ít lần triển lãm có giải A. Tuy nhiên, để có được giải C như Nguyễn Ngần tại Triển lãm khu vực đồng bằng sông Hồng cũng là chuyện không đơn giản. Hà Nam bình quân mỗi năm mang đến triển lãm này khoảng gần 20 tác phẩm của hơn 10 tác giả. Số lượng tác phẩm được chọn treo trưng bày tại triển lãm chỉ khoảng trên dưới 10 tác phẩm, trong đó có đến quá nửa số tác phẩm là của hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Từ nhìn nhận khách quan thực tế này, họa sỹ Đỗ Kích đã chia sẻ: Chưa bao giờ chúng tôi gặp khó khăn như hiện nay. Hội đang chưa có chủ tịch mới đã mấy tháng nay. Nhiều hoạt động của hội đã và đang phải tạm dừng lại. Muốn đổi mới, muốn tạo đột phá, anh em văn nghệ sỹ cần được đi thực tế, tham gia các trại sáng tác, hỗ trợ sáng tạo, trao đổi nghiệp vụ, rút kinh nghiệm… Trong nội bộ phải giữ được đoàn kết, anh em nghệ sỹ phải thực sự gắn bó và chia sẻ với nhau, chứ không nên đường ai nấy đi, mạnh ai nấy sống. Mỗi nghệ sỹ cần biết tự vượt qua chính bản thân, trau dồi bản lĩnh, coi khát vọng sáng tạo nghệ thuật là mục đích cao đẹp để tiếp tục cống hiến, phát huy tài năng của mình. Và, đừng giới hạn bản thân chính là yêu cầu đối với nghệ sỹ trong đổi mới mỹ thuật Hà Nam hôm nay.

Giang Nam

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/van-hoa/van-hoc-nghe-thuat/my-thuat-ha-nam-thieu-su-but-pha-103809.html