Mỹ sẽ 'mạnh tay' hơn với các ngân hàng có vấn đề

Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ của Mỹ sẽ xem xét hành động khắc phục mạnh tay hơn đối với các ngân hàng hoạt động yếu kém, bao gồm cả việc thoát kinh doanh và buộc rời khỏi ngành.

Theo The Wall Street Journal, cơ quản quản lý về ngân hàng ở Mỹ đã bắt đầu có động thái mạnh tay hơn trong vấn đề giám sát các nhà băng.

Cụ thể, các nhà băng lớn của Mỹ nếu bị phát hiện rủi ro, quản lý yếu kém và để tình trạng đó liên tục diễn ra sẽ phải đối mặt với sự can thiệp mạnh tay hơn của chính phủ, bao gồm các yêu cầu tăng vốn hoặc buộc rút khỏi ngành.

Michael Hsu - người đứng đầu Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ của Mỹ (OCC) - cho biết một chính sách mới được công bố sẽ tạo ra khung pháp lý chặt chẽ hơn nhắm thẳng vào các nhà băng lớn hiện vẫn chưa khắc phục nổi “những yếu kém dai dẳng".

Động thái quyết liệt này của OCC được đưa ra sau hàng loạt thất bại nghiêm trọng của các nhà băng lớn trong năm nay, đã làm náo loạn thị trường và cả ngành tài chính.

Ông Hsu nói: “Việc các nhà băng lớn không đủ khả năng sửa chữa những yếu kém vẫn còn tồn tại dai dẳng sẽ phải nhận hậu quả tương xứng, công bằng và phù hợp".

Ông Michael Hsu, người đứng đầu Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ của Mỹ (OCC). Ảnh: American Banker.

Được biết, chính sách mới của OCC chủ yếu áp dụng với các nhà băng có tổng tài sản hơn 50 tỷ USD. Nhưng cơ quan quản lý này cũng cho biết họ có quyền áp dụng chính sách mới cho bất kỳ tổ chức tài chính nào thuộc quản lý nếu phát hiện có tồn tại rủi ro.

OCC sẽ tìm kiếm các nhà băng đang bị cơ quan quản lý đánh giá là xuất hiện rủi ro hoặc đã yếu kém trong vài năm để kiểm tra. Thậm chí, cơ quan này cũng xem xét áp dụng lệnh trừng phạt với những nhà băng không chịu thực hiện các biện pháp khắc phục dù đã được yêu cầu hành động trước đó.

Để tránh trường hợp sụp đổ như các ngân hàng lớn, OCC cho biết sẽ nghiêm khắc áp dụng hình phạt cứng rắn hơn trước đối với các nhà băng ghi nhận nhiều lần có thiếu sót, không tăng cường quản lý rủi ro, hạn chế tăng trưởng dù đã được yêu cầu khắc phục.

Một số biện pháp mà cơ quan quản lý về ngân hàng này có thể yêu cầu các nhà băng thực hiện là bổ sung vốn hoạt động, xử lý tình trạng yếu kém tồn đọng. Nếu không thấy khả thi, OCC cũng có thể ra lệnh cho nhà băng đó bán bớt mảng kinh doanh hoặc rút khỏi một số thị trường nhất định.

Ông Hsu từng nói trong một bài phát biểu hồi tháng 1 rằng cơ quan quản lý đã phát hiện một số nhà băng có hệ thống quá lớn dẫn tới tình trạng khó quản lý.

Các vấn đề tồn đọng không phải do hệ thống quản lý yếu kém mà là do quy mô nhà băng đã quá lớn, chúng ngăn cản việc giám sát chặt chẽ hơn của giới chức.

Ông Hsu cần các cơ quan quản lý thiết lập cơ chế đáng tin cậy, minh bạch để buộc các nhà băng lớn phải thoái vốn và đơn giản hóa hoạt động khi cần thiết.

Có thể thấy, sự sụp đổ nhanh chóng của các nhà băng lớn trong thời gian gần đây đã dẫn đến sự giám sát chặt chẽ hơn của các cấp đầu ngành. Cơ quan quản lý hàng đầu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết trước đó, các giám sát viên ngân hàng đã không thực hiện hành động mạnh mẽ để giải quyết các vấn đề có xu hướng gia tăng tại Silicon Valley Bank, một ngân hàng nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ trước khi sụp đổ vào tháng 3 vừa qua.

Clifford Rossi, cựu Giám đốc quản lý mảng rủi ro nhóm cho vay tiêu dùng của Citigroup, hiện là Giáo sư Trường Robert H.Smith của Đại học Maryland đánh giá vấn đề “quá lớn để quản lý" mà OCC đưa ra là có thật.

“Bất cứ điều gì cũng có thể sai đối với một tổ chức lớn. Nhà quản lý có thể nghĩ về tất cả quy trình vận hành, kiểm soát và hệ thống nhưng chỉ cần một vấn đề xuất hiện thôi cũng có thể tạo ra rủi ro hàng đầu cho toàn hệ thống", ông Clifford cho biết.

Thiên An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/my-se-manh-tay-hon-voi-cac-ngan-hang-co-van-de-post1434548.html