Mỹ sắp bóp nghẹt xuất khẩu khí đốt Nga

Giới chức lãnh đạo Nhà Trắng mới đây đã bày tỏ mong muốn đưa "bộ máy năng lượng của Putin" vào tình thế khó khăn bằng hàng loạt chính sách mới.

Mỹ gia tăng xuất khẩu khí đốt sang châu Á, châu Âu

Bình luận viên Forbes là ông Jude Clement cho biết, chính quyền Donald Trump dự định gia tăng doanh số bán năng lượng ở nước ngoài. Kết quả là, Hoa Kỳ có thể trở thành nước xuất khẩu dầu và khí đốt lớn nhất, làm cho các nước khác giảm phụ thuộc vào Nga.

Chính quyền mới của dự định thực hiện chính sách nhằm tăng tốc độ khai thác và xuất khẩu năng lượng. Theo ông, Donald Trump hứa hẹn sẽ bãi bỏ các đạo luật liên bang để khuyến khích ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt của Mỹ, giúp thế giới tăng cường an ninh năng lượng.

Có thể thấy rõ sự thay đổi chính sách này qua sự bổ nhiệm của chính quyền tân tổng thống. Cựu thống đốc bang Texas, ông Rick Perry đã trở thành người đứng đầu Bộ Năng lượng, cựu CEO của Exxon Mobil, ông Rex Tillerson đứng đầu Bộ Ngoại giao.

Các nhà bình luận của Tạp chí Mỹ Forbes nhận định rằng, kết quả của những sáng kiến này là Mỹ sẽ có thể cạnh tranh với Nga, giành lấy vị trí "nước xuất khẩu dầu và khí đốt lớn nhất thế giới".

Hiện nay, Nga chiếm hơn 20% kim ngạch xuất khẩu khí đốt thiên nhiên thế giới, cung cấp tới hơn 30% lượng khí đốt cho châu Âu. Cũng trong năm 2016, Nga đã vượt qua Saudi Arabia để trở thành nhà cung cấp "loại nhiên liệu quan trọng nhất, không thể thay thế” là dầu mỏ.

Trong bối cảnh đó, Mỹ có kế hoạch tăng việc bán khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đến mức 10-12 tỷ khối/ngày vào năm 2020, chiếm tới 1/3 thị trường thế giới hiện nay và dĩ nhiên là đồng nghĩa với việc qua mặt Nga đã độc chiếm thị trường xuất khẩu khí đốt thế giới.

Hiện tại, các công ty Mỹ xuất khẩu LNG đến 20 quốc gia, và đang từng bước đẩy mạnh tăng danh sách khách hàng nhập khẩu ở châu Mỹ Latin, châu Á và hiện nay là châu Âu, tức là chiếm lĩnh tất cả các khu vực quan trọng nhất trong thị phần xuất khẩu của Nga.

Mỹ đang nỗ lực bóp nghẹt ngành xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt Nga

Nhà bình luận của Forbes nhấn mạnh, một ưu điểm lớn là nhiên liệu của Washington đang "rất được mong muốn" ở một số nước châu Âu, họ sẵn sàng mất tiền, trả đắt hơn, chỉ để giảm sự phụ thuộc vào Nga, để bảo đảm an ninh năng lượng của mình, tránh lệ thuộc vào Moscow.

Theo ông Clement, xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt từ Mỹ tăng cường an ninh toàn cầu, bởi vì nó giúp giảm bớt ảnh hưởng của Nga trên thế giới. Cùng với đó, nguồn nhiên liệu của Mỹ giúp các nước đang phát triển có thể vượt qua “các cơn đói năng lượng".

"Nhìn chung, ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt nên cảm thấy hạnh phúc với sự gia tăng hỗ trợ từ các cơ quan hành pháp và chính phủ liên bang Mỹ. Trong thời gian tới, bộ máy năng lượng của Putin chắc chắn sẽ rơi vào một tình thế khó xử" - Jude Clement kết luận.

Được biết, vào hồi tháng 8/2016, lô hàng khí thiên nhiên hóa lỏng đầu tiên của Mỹ đã được xuất khẩu đến Trung Quốc. Đây là thương vụ của Công ty Royal Dutch Shell với China National Offshore Oil Corp, trong khuôn khổ một hợp đồng cung cấp dài hạn.

"Lô hàng này có thể là sự khởi đầu của nhiều nguồn cung cấp khác từ Mỹ đến châu Á, đặc biệt là khi ngày càng có nhiều công ty gas độc lập nhỏ của Trung Quốc mua khí đốt của nước ngoài ngay tại chỗ" - tờ báo dẫn lời nhà phân tích chuyên về năng lượng BMI Research Peter Lee.

Trước đó, lô hàng khí tự nhiên hóa lỏng đầu tiên của Mỹ đã được tàu chuyên dụng Creole Spirit chuyên chở đến châu Âu vào tháng 4/2016. Theo đó, công ty năng lượng Bồ Đào Nha Galp Energia là khách hàng châu Âu đầu tiên nhập khí hóa lỏng từ công ty Mỹ Cheniere.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-sap-bop-nghet-xuat-khau-khi-dot-nga-3329987/