Mỹ đối mặt thảm họa cháy rừng chết chóc nhất thập kỷ

Các nhà chức trách xác nhận rằng số người chết trong vụ cháy rừng trên đảo Maui của Hawaii đã lên tới 89 người, trở thành vụ cháy rừng kinh hoàng nhất ở Mỹ trong 100 năm qua.

Một cư dân ngồi sụp xuống nơi từng là nhà của cô ở Lahaina, Maui, Hawaii, 2 ngày sau khi nó bị tàn phá bởi trận cháy rừng lịch sử. Ảnh: New York Times

Con số thiệt hại về người mới nhất được công bố hôm 13/8 đã vượt quá số liệu trong vụ cháy năm 2018 ở miền Bắc bang California, từng cướp đi sinh mạng của 85 người và tàn phá thị trấn Paradise.

Bốn ngày sau khi một ngọn lửa lan vô cùng nhanh chóng đã thiêu rụi hoàn toàn thị trấn nghỉ mát lịch sử Lahaina của Maui, các đội tìm kiếm cùng chó nghiệp vụ vẫn tiếp tục phát hiện xác chết trong những đống đổ nát tại đây.

“Số người thiệt mạng sẽ còn tăng” - Thống đốc Hawaii, Josh Green, đưa ra nhận định sau khi đích thân đi thị sát sự tàn phá tại Lahaina - “Chúng tôi chỉ có thể chờ đợi và hỗ trợ những người đang sống. Trọng tâm của chúng tôi bây giờ là đoàn tụ mọi người khi có thể, cung cấp cho họ nhà ở và chăm sóc sức khỏe, sau đó chuyển sang xây dựng lại”.

Trích dẫn số liệu từ Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang (FEMA) và Trung tâm Thảm họa Thái Bình Dương, các quan chức của hạt Maui cho biết khoảng 4.500 người cần nơi trú ẩn sau khi phải di tản. Hơn 2.200 công trình bị hư hại hoặc phá hủy, và hơn 850 ha đã bị thiêu rụi.

Thị trấn nghỉ mát lịch sử hơn 12.000 dân, từng là lãnh địa đáng tự hào của Hoàng tộc Hawaii, giờ chỉ còn là đống đổ nát, các khách sạn và nhà hàng sôi động biến thành đống tro tàn. Một cây đa hùng vĩ, từng là trung tâm của cộng đồng trong 150 năm qua, cũng đã bị ngọn lửa thiêu rụi dù hiện vẫn đứng thẳng.

Cũng theo FEMA, chi phí ước tính để xây dựng lại thị trấn Lahaina là khoảng 5,5 tỷ USD. Công ty mô hình rủi ro và thảm họa Karen Clark & Company cho biết, đây được dự đoán là thảm họa gây thiệt hại lớn thứ 2 trong lịch sử Hawaii, chỉ sau cơn bão Iniki năm 1992.

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân vụ cháy nhưng người dân tỏ ra hoang mang và tức giận vì thiếu cảnh báo. Còi báo động, được lắp đặt quanh đảo nhằm cảnh báo về những thảm họa thiên nhiên sắp xảy ra, đã không vang lên tiếng nào. Trong khi cảnh báo đã được gửi qua điện thoại di động, tivi và đài phát thanh, nhưng phạm vi tiếp cận bị hạn chế do điện và sóng điện thoại đều mất.

“Khi chúng tôi phát hiện ra đám cháy, nó đã ở bên kia đường đối diện với chúng tôi” - Vilma Reed, dân cư 63 tuổi, nói với AFP tại một bãi đậu xe của trung tâm sơ tán - “Ngọn núi phía sau chúng tôi bốc cháy và không ai báo cho chúng tôi biết. Tôi chỉ biết chạy theo hướng lửa để cứu gia đình mình ra ngoài”.

Cư dân đã được phép quay trở lại phía Tây Maui kể từ hôm 11/8, mặc dù khu vực cháy ở Lahaina vẫn bị rào chắn. Các quan chức cảnh báo có thể có khói độc từ các khu vực cháy âm ỉ và cho biết các hoạt động tìm kiếm vẫn đang tiếp tục.

Các chuyên gia cho rằng nhiều yếu tố đã góp phần vào sự lan rộng nhanh chóng của địa ngục, chẳng hạn như mùa Hè khô hạn; sự phát triển không kiểm soát của các loài thực vật dễ cháy; địa hình núi lửa tạo ra gió khô từ sườn dốc, mùa Đông khô hạn bất thường và một cơn bão Tây Nam.

Nhìn chung, các vụ hỏa hoạn xảy ra sau các sự kiện thời tiết khắc nghiệt khác ở Bắc Mỹ trong mùa Hè này, khi những đám cháy rừng kỷ lục vẫn đang bùng phát khắp Canada và một đợt nắng nóng lớn thiêu đốt vùng Tây Nam nước Mỹ.

Châu Âu và một số khu vực của châu Á thời gian qua cũng phải chịu nhiệt độ tăng cao, dẫn đến những đám cháy lớn và lũ lụt tàn phá. Các nhà khoa học nhấn mạnh sự nóng lên toàn cầu do khí thải carbon đang góp phần gây ra thời tiết khắc nghiệt tại nhiều châu lục.

Nam Trung

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/my-doi-mat-tham-hoa-chay-rung-chet-choc-nhat-thap-ky.html