Mỹ dội bom đoàn tăng Syria: Tử huyệt là vùng 'tam giác vàng' ?

Cả liên quân Mỹ và đồng minh cùng lực lượng quân đội Syria đang hướng về mục tiêu mới ở khu vực biên giới Jordan-Iraq-Syria.

Củng cố “tam giác vàng”

Quân đội Syria hiện đang chuyển hướng tập trung củng cố khu vực “tam giác vàng” hình thành ở biên giới ba nước Syria-Jordan-Iraq. Khu vực này nằm ở miền nam Syria, là địa điểm quan trọng giúp quân Chính phủ cắt đứt các con đường tiếp tế của các nhóm phiến quân đối lập cũng như ngăn chặn sự tiến quân của các phần tử khủng bố tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Khu vực "tam giác vàng" giữa biên giới Iraq, Syria và Jordan.

Tuy nhiên, mục tiêu của quân Chính phủ Syria sẽ không dễ dàng được thực hiện vì hiện tại quân đội Mỹ và Anh cùng các đồng minh đang đặt một khu đồn trú ở Tanf, khu vực gần “tam giác vàng” nói trên.

Dường như Washington đang muốn thống trị tình hình ở khu vực phía Nam và Đông Nam Syria nên sẽ không cho phép quân ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad được phép “bén mảng” tới khu vực này.

Ngày hôm qua 19/5, tờ Telegraph cho hay, những chiếc tiêm kích của Mỹ đã tấn công một đoàn xe tăng của lực lượng ủng hộ chính phủ Syria do “họ tiến tới quá gần khu vực cấm xung đột” ở Tanf.

Theo lập luận từ phía Anh và Mỹ, đây là hành động nhằm bảo vệ lực lượng của họ ở phía Đông Nam Syria. Cũng trong cùng ngày 19/5, quân đội Syria đã xác nhận đợt không kích từ phía Washington, nói rằng những nỗ lực của Lầu Năm Góc không làm khiếp sợ quân ủng hộ Assad trong cuộc chiến chống khủng bố.

Trong một tuyên bố, quân Chính phủ Syria khẳng định rằng liên minh chống khủng bố do Mỹ đã không kích vào quân ủng hộ Assad “khiến một vài người chết và gây ra thiệt hại về vật chất”.

Quân Chính phủ Syria mô tả cuộc tấn công là “sự xâm lăng trắng trợn”, nó cho thấy “những luận điệu sai sự thật của liên minh (do Mỹ dẫn đầu) về cuộc chiến chống khủng bố”.

Trong khi đó, quân đội Mỹ khẳng định họ đã đưa ra cảnh báo và bị làm ngơ trước khi quyết định không kích nhằm vào đoàn xe tăng gồm 27 chiếc của Syria.

Xe tăng của lực lượng quân đội Syria (Ảnh: AFP).

Phản bác lại tuyên bố của phía Lầu Năm Góc, quân đội Syria nói: “Chúng tôi đang chiến đấu chống các nhóm khủng bố trên lãnh thổ của mình, vì vậy không có lực lượng nào được phép quyết định tấn công tại khu vực của chúng tôi”. Quân ủng hộ chính quyền Assad cũng cho rằng “những người đã tuyên bố sẽ chống khủng bố thì không nên ném bom quân đội Syria vì đây là lực lượng hợp pháp đang thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố”.

Những tuyên bố cứng rắn của quân ủng hộ ông Assad là thông điệp gửi tới Mỹ và các đồng minh rằng lực lượng Syria sẽ không khuất phục trước những sức ép mà họ đang áp đặt tại Syria.

Kênh truyền hình Pan-Arab al-Mayadeen dẫn lời một quan chức an ninh cấp cao Syria giấu tên khẳng định, Nga-Syria-Iran đã đạt được đồng thuận cao về sự cần thiết phải chiến đấu chống lại các tay súng IS tại khu vực sa mạc Syria về phía biên giới Syria-Iraq.

Nguồn tin trên cho hay, những chiếc máy bay không người lái của Mỹ đã được nhìn thấy trên bầu trời khi chúng đang theo dõi “nhất cử nhất động” của quân đội Syria ở gần Tanf. Thêm vào đó, phía Mỹ đã đề nghị Nga thuyết phục quân Syria giữ khoảng cách ít nhất là 15km so với khu vực căn cứ của Mỹ tại Tanf, nguồn tin nói.

Như vậy, các bên liên quan tới chiến sự Syria đang tích cực tập trung vào khu vực phía Nam và Đông Nam đất nước, khiến “tam giác” biên giới Syria-Jordan-Iraq trở nên nóng hơn bao giờ hết.

Lời cảnh cáo từ chính quyền Trump và sự phản kháng từ phía Assad

Các chuyên gia quân sự nhận định, cuộc tấn công như một lời cảnh cáo từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tới cả Chính phủ Syria và Iraq.

Hôm 18/5, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã gặp gỡ cố vấn an ninh quốc gia Iraq al-Faleh Fayad. Hai bên đã cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad và cố vấn an ninh quốc gia Iraq al-Fayad.

Trong cuộc họp, ông al-Fayad khẳng định “Iraq quyết tâm phối hợp với Syria để chống lại IS ở khu vực biên giới giữa hai nước”. Ông cho rằng việc loại trừ các nhóm khủng bố cần phải có “sự trung thực” của tất cả các bên liên quan.

Về phần mình, ông Assad khẳng định những thành tựu mà lực lượng của cả hai bên đạt được trong cuộc đấu tranh chống IS là bước đi quan trọng giúp kiến tạo hòa bình và ổn định cho khu vực.

Đối với Mỹ, sự hợp tác giữa lực lượng Assad do Iran hậu thuẫn và lực lượng bán dân quân al-Shabi không phục vụ lợi ích của Washington dù cả hai nhóm này đang chiến đấu chống IS ở Iraq và Syria.

Lực lượng al-Shabi được cho là hậu thuẫn bởi Iran, và Chính phủ Iraq là do người Shiite lãnh đạo nên Washington không muốn một lực lượng người Shiite khác với sự ảnh hưởng của Iran tràn qua biên giới Iraq và Syria. Đó chính là lý do vì sao khu vực biên giới giữa Iraq và Syria là mối quan tâm lớn nhất của Lầu Năm Góc vào lúc này.

Trận chiến cuối cùng

Liên quân do Mỹ dẫn đầu vẫn đang hỗ trợ Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) của người Kurd nhằm đánh bại IS ở thành phố Raqqa (Syria) – nơi được coi là thủ đô của IS.

Những tay súng của lực lượng SDF (Ảnh: AFP).

Hiện tại, SDF đang giành được ưu thế, nhưng Raqqa vẫn chưa phải trận chiến cuối cùng trong chiến dịch chống IS, mà thay vào đó là tỉnh Deir al-Zour, vì những tay súng Hồi giáo cực đoan đã chiếm được vùng đất rộng lớn dọc theo biên giới Syria-Iraq tại tỉnh này. Thêm vào đó, tất cả những kẻ chỉ huy của IS và gia đình đã bắt đầu bỏ Raqqa để chạy trốn về Deir al-Zour.

Vì vậy, bất chấp thực tế rằng Mỹ muốn gây ảnh hưởng tại khu vực tam giác biên giới ba nước Syria-Jordan-Iraq, nhưng quân đội ủng hộ Assad cũng đang làm mọi cách để củng cố Deir al-Zour và những khu vực biên giới nói trên.

Maher Ihsan, một nhà phân tích chính trị tại Syria cho rằng tam giác biên giới trên sẽ là trọng tâm hoạt động quân sự trong thời gian tới. Thông qua đó, giới quan sát có thể thấy những chiến lược mà Mỹ đã ẩn giấu bấy lâu nay, khi Washington vẫn đang làm việc với Chính phủ Jordan ở gần tỉnh Daraa (miền Nam Syria) nhằm tạo ra một bước đệm ở đây.

Ông cho rằng, Tanf là khu vực đặc biệt quan trọng với quân đội Syria bởi nó giúp họ kiểm soát khu vực biên giới, ngăn bước tiến của quân nổi dậy.

Ông cũng lưu ý, Mỹ muốn bảo vệ khoảng 4.000 chiến binh phiến quân “ôn hòa” đã được đào tạo và đang đồn trú tại Tanf. Mục đích của Lầu Năm Góc là đưa những phiến quân đó tiến từ Tanf về thành phố Bukamai của tỉnh Deir al-Zour (nơi IS đang chiếm đóng) để tiến hành đợt tấn công cuối cùng.

Danh Tuyên

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/my-doi-bom-doan-tang-syria-assad-goi-la-xam-luoc-trang-tron-a326294.html