Mỹ điểm 5 'yếu huyệt' của Trung Quốc (II)

Trung Quốc vẫn tìm cách dẫn dắt cuộc chơi với Mỹ; Trump tạo các áp lực với Trung Quốc nhưng kết quả hạn chế.

Trung Quốc vẫn tìm cách dẫn dắt cuộc chơi với Mỹ; Trump tạo các áp lực với Trung Quốc nhưng kết quả hạn chế.

Bằng mặt nhưng không bằng lòng, Mỹ đang tìm cách tạo các đòn bẩy trong quan hệ với Trung Quốc.

Quan hệ thương mại chưa đạt kết quả thực chất

Trong cuộc gặp tại Mar-a-Lago, Florida, lãnh đạo hai nền kinh tế dẫn đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc định ra thời hạn 100 ngày đàm phán về mâu thuẫn thương mại giữa hai nước. Thỏa thuận thương mại được coi là “vụ thu hoạch sớm” có thể cải thiện thái độ của Trump đối với Trung Quốc nhưng tỏ ra không có ý nghĩa thực chất đối với Mỹ mà chỉ là tiếp cận thị trường Trung Quốc dễ dàng hơn một chút với thái độ hợp tác bề ngoài.

Trung Quốc cho phép Mỹ xuất khẩu thịt bò vào thị trường Trung Quốc, thực tế đã được thực hiện từ tháng 9/2016.

Trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, Bắc Kinh cơ bản nhắc lại những cam kết mơ hồ về các khoản tín dụng nước ngoài và các cơ quan đánh giá tín dụng được đưa ra trong 16 năm qua nhưng chưa bao giờ thực hiện.

Thỏa thuận cũng bao gồm việc Trung Quốc nỗ lực tối đa để nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhưng tác động tương lai vẫn là một dấu hỏi. Mặc dù thị trường LNG ở Trung Quốc đang phát triển nhanh nhưng các nhà máy lọc dầu lớn của Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào các dự án chuyển hóa than thành hóa chất. Do chi phí thấp và Trung Quốc có rất nhiều than nên không dễ gì các nhà máy lọc dầu lớn sẽ đầu tư thêm cho LNG. Ngoài ra, do chi phí vận chuyển LNG từ bờ biển vịnh Mexico của Mỹ đến Trung Quốc tương đối đắt, các nhà cung cấp ở Australia và Qatar nhiều khả năng đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc hơn.

Phép thử thực sự đối với việc hạ các rào cản thương mại sẽ nằm trong lĩnh vực công nghệ cao và ngành công nghiệp viễn thông. Tiến bộ chiến lược thực sự trong việc tiếp cận thị trường, minh bạch và tự do luân chuyển hàng háo rất có thể sẽ bị cản trở bởi những quan điểm khác biệt căn bản của Washington và Bắc Kinh về trật tự kinh tế toàn cầu.

Theo các quan chức cấp cao của Mỹ, ông Trump đang mất kiên nhẫn về vấn đề thâm hụt thương mại với Trung Quốc và xem xét khả năng tăng thuế nhập khẩu.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết ông đang xem xét các biện pháp để bảo vệ ngành thép của Mỹ. Trong khi đó, ngành thép của Trung Quốc đang là đối tượng chống bán phá giá ở hàng chục nước.

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc tại buổi họp báo ngày 29/6, cho biết Bắc Kinh đã hối thúc Mỹ giải quyết tranh chấp thương mại giữa hai nước thông qua đàm phán. Trung Quốc và Mỹ nỗ lực duy trì trật tự thương mại “ổn định và lành mạnh” có ý nghĩa quan trọng đối với cả quan hệ song phương nói riêng và thế giới nói chung, do đó hai bên cần phải giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán dựa trên luật pháp quốc tế và tinh thần không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác đôi bên cùng có lợi.

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc bày tỏ quan ngại về việc Mỹ gần đây đã quyết định triển khai một cuộc điều tra về cáo buộc các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc làm tổn hại tới an ninh quốc gia của nước này.
Theo người phát ngôn này, “an ninh quốc gia” là một phạm trù rộng lớn và thiếu định nghĩa cụ thể, chính vì vậy cuộc điều tra do phía Mỹ tiến hành sẽ có thể cản trở dòng chảy thương mại quốc tế.

Chính quyền Trump vẫn ràng buộc hồ sơ an ninh vào kinh tế, như gài chuyện Triều Tiên vào thương mại, để yêu cầu Trung Quốc chấm dứt xuất siêu hàng hóa 350 tỷ USD sang Mỹ. Nếu Mỹ gây sức ép về mậu dịch, ví dụ như để bảo vệ ngành nhôm và thép vì lý do an ninh quốc gia, thì việc Bắc Kinh tái cơ cấu kinh tế sẽ gặp trở ngại.

Bắc Kinh nghĩ tới cơ hội đẩy mạnh Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (RCEP), mà sau 15 vòng đàm phán, lần cuối là tháng 5 tại Philippines, tình hình vẫn chưa tiến triển. Mặt khác, Trung Quốc có thể o bế các nước Liên minh châu Âu (EU) để được công nhận quy chế “kinh tế thị trường” nhưng nhiều nước châu Âu vẫn dè dặt.

Ngăn chặn “Vành đai và Con đường” một cách gián tiếp

Trump sử dụng biện pháp chống khủng bố ở Trung Đông để cắt đứt tuyến chiến lược “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Chiến lược của ông Tập là để thoát khỏi sự kiềm chế của Mỹ, đồng thời có thể cùng phát triển kinh tế với các nước ven tuyến đường này. Nhưng Mỹ không cam chịu dừng lại, họ sẽ tìm cách phá hoại chiến lược này.

Máy bay không người lái của Mỹ vượt biên giới Pakistan, tại khu vực trọng điểm của Trung Quốc triển khai "Vành đai và Con đường"

Bề ngoài, can dự của Mỹ vào vấn đề Trung Đông dường như không chĩa mục tiêu về phía Trung Quốc. Tuy nhiên, theo giới phân tích Trung Quốc, hành động này của Mỹ trên thực tế đã phá hoại chiến lược “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc thông qua gây chiến tranh, tạo ra xung đột và bất ổn ở Trung Đông.

Theo giới phân tích Trung Quốc, trong tương lai, Mỹ có thể trở lại Afghanistan, dựa vào sự hiện diện quân sự ở Afghanistan, bí mật hỗ trợ các tổ chức tôn giáo cực đoan, bao gồm thế lực ly khai Đông Turkestan, phá hoại ổn định của Khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc. Mỹ cũng sẽ ủng hộ thế lực ly khai ở Pakistan để cắt đứt tuyến quan trọng nhất của chiến lược “Vành đai và Con đường”, hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan. Thời gian gần đây, máy bay không người lái của Mỹ nhiều lần bay qua biên giới Pakistan thuộc tỉnh Balochistan – nơi thực hiện dự án “Vành đai và Con đường” quan trọng của Bắc Kinh.

Mỹ ở lại Afghanistan, để kiểm soát nước Trung Á có biên giới tiếp giáp khu Tân Cương Hồi giáo của Trung Quốc.

Hạ uy tín quốc tế của Trung Quốc

Bộ Ngoại giao Mỹ vừa công bố bản tường trình trong đó xếp Trung Quốc vào danh sách hạng 3 gồm những quốc gia buôn người tệ hại nhất trên thế giới, ngang với Triều Tiên và một số nước có thành tích bất hảo tại châu Phi.

Trong báo cáo, Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh Trung Quốc không những không đáp ứng được các tiêu chuẩn tối thiểu trong việc ngăn chặn nạn buôn người, mà còn đang có phần không tích cực trong việc truy tố những kẻ buôn người.
Hạng 3 là thứ hạng thấp nhất trong tường trình Tệ nạn Buôn người hàng năm.

Hiện chưa rõ việc đánh tụt bậc như vậy có ảnh hưởng như thế nào nhưng đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy ông Trump đang mất kiên nhẫn với Trung Quốc./.

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/my-diem-5-yeu-huyet-cua-trung-quoc-ii-245653.html