Mỹ chuẩn bị chuyển giao đạn uranium nghèo cho Ukraine

Theo nguồn tin của Reuters, đây là lần đầu tiên Mỹ viện trợ đạn uranium nghèo cho Ukraine; trước đó chỉ có Anh chuyển giao loại vũ khí này.

Nguồn tin của Reuters tiết lộ, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ lần đầu tiên gửi các loại đạn xuyên giáp chứa uranium nghèo tới Ukraine. Đây là một phần trong gói viện trợ quân sự mới dành cho Ukraine, sẽ được công bố vào tuần tới.

Đạn xuyên giáp uranium được cho là sẽ giúp quân đội Ukraine dễ dàng đánh bại xe tăng hiện đại của Nga, tuy nhiên nguồn tin của Reuters lại không tiết lộ nó được trang bị cho loại vũ khí nào.

Một trong những nguồn tin của Reuters cho biết, gói viện trợ sắp tới có giá trị từ 240 đến 375 triệu USD tùy thuộc vào các thiết bị được gửi. Giá trị và chi tiết gói viện trợ vẫn đang được lên kế hoạch.

Binh sỹ Mỹ huấn luyện với đạn xuyên giáp trên xe tăng Abrams. (Ảnh: Reuters)

Còn theo các nhà quan sát, lô đạn xuyên giáp uranium mà Mỹ định viện trợ cho Ukraine nhiều khả năng sẽ được trang bị cho xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams. Trong tháng 9, Washington sẽ chuyển giao lô Abrams đầu tiên đến Kiev.

Theo một người quen thuộc với vấn đề này, loại đạn trên có thể được bắn từ xe tăng Abrams của Mỹ và dự kiến sẽ được chuyển đến Ukraine trong vài tuần tới.

Nhà Trắng chưa phản hồi về thông tin trên.

Trước Mỹ, Anh đã gửi đạn uranium nghèo cho Ukraine vào đầu năm 2023 nhưng đây sẽ là lần đầu tiên Mỹ gửi nó cho Kiev.

Washington trước đó cũng gây tranh cãi khi viện trợ bom, đạn chùm cho Ukraine, bất chấp lo ngại về những nguy hiểm mà loại vũ khí này gây ra cho dân thường.

Là sản phẩm phụ của quá trình làm giàu uranium, uranium nghèo được sử dụng làm đạn dược vì độ cứng và các đặc tính vật lý khác. Đạn dược chế tạo từ uranium nghèo gây tranh cãi vì sự độc hại và tính phóng xạ của nó.

Uranium nghèo có tính phóng xạ nhưng ít hơn đáng kể so với uranium xuất hiện ngoài tự nhiên.

Quân đội Mỹ từng sử dụng số lượng lớn đạn uranium nghèo trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1990 và 2003 cũng như khi NATO ném bom Nam Tư năm 1999.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc, cho biết các nghiên cứu ở Nam Tư, Kuwait, Iraq và Lebanon “chỉ ra rằng sự tồn tại của dư lượng uranium nghèo phân tán trong môi trường không gây nguy hiểm phóng xạ cho người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng”.

Tuy nhiên, chất phóng xạ có thể làm tăng thách thức trong việc thu dọn sau xung đột tại Ukraine. Nhiều vùng của Ukraine đã rải đầy vật liệu chưa nổ từ bom chùm và các loại đạn dược khác cũng như mìn sát thương.

Theo Wall Street Journal, từ giữa tháng 6, Mỹ đã xem xét viện trợ đạn uranium nghèo cho Ukraine.

Các gói viện trợ vũ khí của Mỹ gần đây cho Ukraine bao gồm pháo binh, tên lửa phòng không và xe bọc thép. Viện trợ bổ sung được xem là cần thiết giúp Kiev tiếp tục chiến dịch phản công.

Kể từ tháng 2/2022 đến nay, viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine đã lên hơn 43 tỷ USD.

Trà Khánh (Nguồn: Reuters)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/my-chuan-bi-chuyen-giao-dan-uranium-ngheo-cho-ukraine-ar817199.html