Mỹ ca ngợi trí thông minh nhân tạo trên tiêm kích T-50

Tờ National Interest vừa có đánh giá cao khi Nga bước vào giai đoạn thử nghiệm hệ thống máy tính điều khiển trên khoang (ePilot) dành cho tiêm kích tàng hình T-50.

Đại diện Tập đoàn Sukhoi, Dmitry Gribov cho biết, trong quá trình thử nghiệm, ePilot sẽ được trao quyền quản lý từng phần của máy bay, từ đó giúp phi công giảm thao tác điều khiển để tập trung vào nhiệm vụ chiến đấu.

Trước khi thực hiện cuộc thử nghiệm này, hãng Sukhoi đã nâng cấp công nghệ ePilot trên PAK FA với hệ thống máy bay tính mới được biết đến với tên gọi "Hệ thống tích hợp các mô-đun hàng không quân sự" – IMA BK để thay thế cho hệ thống cũ.

Tiêm kích T-50.

Khi được trang bị IMA BK, hệ thống này sẽ giúp phi công nhận diện và xử lý tình huống chiến đấu tốt hơn. Theo lời chuyên gia Sukhoi, IMA BK sẽ thực hành nhiệm vụ kiểm soát tình trạng của máy bay, hoa tiêu, radar hàng không và các kênh liên lạc quân sự trong quá trình thử nghiệm.

Theo ông Dmitry Gribov, trong các bài thực nghiệm chiến đấu, IMA BK sẽ giúp phi công nhận diện các mục tiêu, phát hiện các mục tiêu nguy hiểm và lựa chọn vũ khí tấn công. Không chỉ có vậy, ePliot mới còn được thử sức với tình huống máy bay mất kiểm soát để khởi động và tối ưu lại các hệ thống trên khoang.

Quá trình thử nghiệm ePilot sẽ giúp hoàn thiện IMA BK. Vị đại diện này cho biết, hệ thống ePilot trang bị trên PAK FA ưu việt hơn so với hệ thống điều khiển tự động đang lắp đặt trên các máy bay chiến đấu thế hệ 5 của Mỹ hiện nay.

Ông Dmitry Gribov cho biết: "Hệ thống mới có thể sẽ tăng hiệu quả hoạt động của máy bay lên 10 lần, độ tin cậy và an toàn lên 4 lần". Theo Lenta, thực chất đây là hệ thống được coi là trí thông minh nhân tạo từng được Nga nói đến trước đây.

Phản ứng trước việc Nga bước vào giai đoạn thử nghiệm, tạp chí Mỹ National Interest nhận định: "Đây có thể là yếu tố được mong đợi ở máy bay thế hệ thứ 5 của Nga. Và không ngạc nhiên khi Nga và Mỹ có cùng cách tiếp cận công nghệ".

Tuy nhiên, giữa Nga và Mỹ vẫn đang có sự khác biệt trong chiến lược phát triển điện tử hàng không quân sự. Trong khi phía Nga thường phát triển hệ thống hàng không chung nhất, có tính kế thừa và hoán cải nó phù hợp với nhiều dòng máy bay chiến đấu, thì Mỹ lại theo hướng hợp nhất trang bị của từng loại máy bay riêng rẽ.

Ngoài ra, có thể thấy rõ xu hướng này khi hệ thống điều khiển trên khoang Baget từng được thử nghiệm trên các nguyên mẫu PAK FA đã được trang bị trên máy bay Su-35. Hướng phát triển này giúp Nga có thể sử dụng các thành phần của máy bay thế hệ thứ 5 nâng cấp các máy bay thế hệ cũ trong tương lai.

Và như vậy, Nga đang dần thu hẹp khoảng cách về công nghệ điện tử hàng không quân sự với Mỹ và phương Tây - lĩnh vực vốn là điểm yếu của Liên Xô trước đây và hiện tại là hàng không quân sự Nga so với Mỹ.

Tuấn Hưng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/my-ca-ngoi-tri-thong-minh-nhan-tao-tren-tiem-kich-t-50-3333971/