Mỹ-Brazil: Tình nước đôi

Từ trước tới nay, Mỹ luôn xem Brazil là một nước có ảnh hưởng quan trọng trong khu vực. Nhờ sức mạnh kinh tế, vai trò lãnh đạo tại Nam Mỹ và tiếng nói quan trọng trong các diễn đàn đa phương, Brazil đã trở thành một "tay chơi có thứ hạng" trong nền chính trị thế giới và khu vực. Mặc dù Mỹ thừa nhận tầm quan trọng về chính trị và kinh tế của Brazil nhưng việc biến nhận thức này thành những bước đi cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ song phương vẫn còn gặp nhiều trở ngại.

Trong thế kỷ trước, Mỹ xem Brazil là một quốc gia quan trọng trên trường quốc tế bởi quy mô diện tích, dân số, sức mạnh kinh tế và những giá trị phương Tây mà Rio de Janeiro chia sẻ với Washington. Có lúc Mỹ đã quan tâm thúc đẩy "mối quan hệ đặc biệt" với Brazil. Trong chiến tranh thế giới thứ II, Mỹ cam kết hỗ trợ chương trình phát triển của Brazil, đổi lại, Brazil là quốc gia Mỹ Latinh duy nhất gửi quân tới tham chiến tại Châu Âu. Mặc dù mối quan hệ đồng minh này trở nên mờ nhạt sau chiến tranh nhưng trong suốt những năm 1950, Brazil vẫn tiếp tục ủng hộ chính sách Chiến tranh lạnh của Mỹ. Sự ủng hộ này được duy trì trong những năm 1960 và đến những năm 1970, đặc biệt là dưới chính quyền Henry Kissinger, Mỹ tái khẳng định "mối quan hệ đặc biệt" giữa hai nước. Tuy nhiên, những nỗ lực này bị phá vỡ khi Chính quyền Carter tỏ ra quan ngại trước quan điểm nước đôi của Brazil về vấn đề nhân quyền và phổ biến hạt nhân. Bất ổn kinh tế kéo dài trong thập kỷ trước đã khiến nhiều chính trị gia ở Washington "xem thường" Brazil. Tuy nhiên, từ năm 1994, với chính sách kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ đúng đắn, nền kinh tế Brazil từng bước phục hồi. Đến năm 2001, cùng với 3 nước khối BRIC khác là Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, Brazil đã được Ngân hàng Goldman Sachs bình chọn là một trong những nước có khả năng đưa khối BRIC vượt Khối G8. Giữa những năm 2000, nền kinh tế Brazil phục hồi hoàn toàn. Cũng trong thời gian này, giá năng lượng thế giới và những quan ngại về biến đổi khí hậu không ngừng gia tăng khiến cho Washington phải chú ý tới những thành tựu trong ngành sản xuất nhiên liệu sinh học của Rio de Janeiro. Những năm đầu thế kỷ 21, Brazil trở thành nước sản xuất nhiên liệu sinh học hàng đầu thế giới, với thị phần ethanol vượt thị phần xăng - một loại nhiên liệu truyền thống gây ô nhiễm môi trường. Trong khi chống biến đổi khí hậu đang là một trong những ưu tiên của Chính quyền Obama thì vai trò đầu tàu của Brazil trong sản xuất năng lượng thay thế và chống phá rừng đã khiến cho Washington không thể thờ ơ. Brazil tự hào là một trong những nước đi đầu trong lĩnh vực sản xuất năng lượng thân thiện với môi trường. Tỷ lệ năng lượng tái sinh của Brazil chiếm 46% tổng lượng năng lượng tiêu thụ quốc gia, gấp hơn 5 lần so với tỷ lệ trung bình của thế giới là 8%. Bên cạnh đó, Brazil cũng là nước sở hữu khu rừng đầu nguồn lớn nhất hành tinh - Amazon, do đó nước này cũng đóng vai trò trung tâm trong cuộc chiến chống chặt phá rừng trên phạm vi toàn cầu, giúp giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Mặc dù thừa nhận vai trò của Brazil trong giải quyết các vấn đề toàn cầu như khủng hoảng tài chính, biến đổi khí hậu, cải cách các thể chế đa phương (UN, G20, WTO, IMF…) cũng như đảm bảo an ninh, ổn định và phát triển của khu vực nhưng việc biến nhận thức thành những bước đi cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ song phương vẫn còn gặp nhiều trở ngại. Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ vẫn ít nhiều thiên vị các nước Mỹ Latinh nói tiếng Tây Ban Nha. Có rất ít chính trị gia ở Washington hiểu rõ về Brazil hoặc có thể nói thành thạo tiếng Bồ Đào Nha. Thực tế này khiến cho Brazil nhiều khi bị lạc khỏi "quỹ đạo" chính sách đối ngoại của Mỹ. Bên cạnh đó, do quá tập trung giải quyết các vấn đề đối nội nên phải mất gần 1 năm Tổng thống Obama mới chỉ định Đại sứ mới của Mỹ tại Brazil. Hơn nữa, hai nước vẫn còn nhiều bất đồng xung quanh hàng loạt các vấn đề từ an ninh đến kinh tế - thương mại. Về vấn đề an ninh, Mỹ xem chống khủng bố là một trong những ưu tiên hàng đầu trong khi Brazil lại không coi trọng cuộc chiến này. Trong cuộc chiến chống buôn lậu ma túy, Mỹ tập trung hỗ trợ quân sự cho các nước trong khu vực trong khi Brazil ưu tiên sử dụng công cụ pháp luật và hành pháp. Brazil phản đối can thiệp quân sự của Mỹ đối với các nước trong khu vực, đặc biệt là Colombia, trong khi Mỹ quan ngại về mối quan hệ giữa Tổng thống Brazil Lula da Silva và Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad. Về vấn đề thương mại, trong khi cả hai nước đều ủng hộ mở rộng tự do thương mại toàn cầu thông qua Vòng đàm phán Doha và các cơ chế khác của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhưng lợi ích cơ bản của hai bên lại không đồng nhất. Brazil muốn Mỹ xóa bỏ trợ cấp, bảo hộ nông nghiệp và hàng rào thuế quan đối với các sản phẩm như ethanol. Mỹ thì lại cho rằng Brazil bảo hộ ngành công nghiệp và có nhiều yếu kém trong lĩnh vực đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, cũng như mở cửa thị trường dịch vụ. Những bất đồng trên khiến cho hai nước khó có thể tìm kiếm được nền tảng chung để thúc đẩy quan hệ song phương. Mỹ không thể không thừa nhận thế và lực của cường quốc mới nổi Brazil nhưng liệu Washington có xây dựng và duy trì được "mối quan hệ đặc biệt" với Rio de Janeiro hay không vẫn là một câu hỏi chưa có lời đáp. Khai Tâm

Nguồn TG&VN: http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/ThoiSu/2010/6/34DEE02020E9D3CA/