Mường Sại đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế

Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, thời gian qua, xã Mường Sại (Quỳnh Nhai) đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vât nuôi, khai thác triệt để các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đẩy mạnh sản xuất, từng bước nâng cao đời sống cho người dân.

Nông dân xã Mường Sại (Quỳnh Nhai) phát triển nghề nuôi cá lồng.

Sau gần 20 phút đi thuyền máy từ xã Chiềng Bằng, chúng tôi đến trung tâm xã Mường Sại. Đón chúng tôi, đồng chí Lò Thanh Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã thông tin: Sau di chuyển TĐC thủy điện Sơn La, Mường Sại còn 8 bản với 859 hộ dân, gồm 3 dân tộc Thái, Mông, La Ha cùng sinh sống. Là xã thuần nông, cuộc sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Sau khi di chuyển, hàng trăm ha đất sản xuất của người dân ngập sâu dưới lòng hồ, dẫn đến tình trạng thiếu đất sản xuất, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, chúng tôi tuyên truyền, vận động người dân khai thác mặt nước phát triển nghề nuôi cá lồng, vận tải hàng hóa đường thủy, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; tập trung phát triển nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô hộ, nhóm hộ... Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tranh thủ các nguồn vốn vay ưu đãi cho hội viên, đoàn viên vay phát triển các mô hình kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nhờ đó, cuộc sống người dân từng bước ổn định.

Trong phát triển kinh tế, người dân Mường Sại đã tận dụng các bãi chăn thả ven hồ chăn nuôi gia súc, gia cầm, toàn xã hiện có hơn 5.000 con gia súc, trên 24.000 con gia cầm. Khai thác hiệu quả hơn 2 ha mặt hồ nuôi cá lồng; duy trì 5 HTX thủy sản với 390 lồng cá, hằng năm, sản lượng thủy sản nuôi trồng và đánh bắt đạt hàng trăm tấn. Bên cạnh đó, nhân dân còn khoanh nuôi bảo vệ hơn 2.470 ha rừng hiện còn, tích cực trồng rừng sản xuất; chăm sóc hơn 100 ha cây ăn quả. Cùng với đó, thông qua các chương trình, dự án của Nhà nước nhiều công trình được đầu tư xây dựng trên địa bàn. Đến nay, 6/8 bản được đầu tư xây dựng nhà văn hóa kiên cố; 95% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia và sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; hơn 60% số hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa; 100% người dân có thẻ bảo hiểm y tế; trường học, trạm y tế xã được đầu tư xây dựng khang trang.

Đến thăm mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Quàng Văn Sum, bản Coi, được biết, do đất dốc, bạc màu nên trồng ngô, sắn năng suất không cao, mỗi năm chỉ được 10 triệu đồng. Được Hội nông dân xã hướng dẫn, năm 2017, gia đình ông chuyển hơn 1 ha đất trồng ngô sang trồng xoài Đài Loan. Vụ vừa rồi, diện tích xoài bắt đầu cho quả, bán được hơn 30 triệu đồng, gia đình trồng xen kẽ cỏ voi, nuôi 4 con ngựa và 7 con bò; thu nhập bình quân đạt hơn 100 triệu đồng/năm.

Rời nhà ông Sum, chúng tôi xuống khu vực lòng hồ bản Ít. Ghé vào khu vực nuôi cá lồng của anh Tòng Văn Đoán, được biết, do diện tích đất sản xuất ít, nhận thấy một số hộ ở xã Chiềng Bằng, Chiềng Ơn đầu tư nuôi cá lồng hiệu quả, cho thu nhập cao, cuối năm 2016, anh đầu tư gần 500 triệu đồng vào nuôi cá lồng. Anh Đoán chia sẻ: Tạo liên kết trong sản xuất, năm 2017, tôi vận động một số hộ trong bản liên kết thành lập HTX thủy sản Ngọc Hùng với 14 thành viên. Hiện nay, HTX có 162 lồng cá; thu nhập bình quân của thành viên 5 triệu đồng/tháng. Thời gian tới, HTX tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô nuôi cá lồng, rất mong nhận được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành trong hỗ trợ vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; tìm thị trường tiêu thụ ổn định.

Tuy nhiên, một thực tế đang đặt ra là tỷ lệ hộ nghèo của xã còn cao, chiếm hơn 40%. Để giảm nghèo bền vững, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, Mường Sại tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi đất bạc màu sang trồng rừng, cây ăn quả trên đất dốc gắn với trồng cỏ phát triển chăn nuôi trâu, bò; khai thác mặt nước lòng hồ để đánh bắt, nuôi thủy sản; tranh thủ nguồn vốn đầu tư của các chương trình, dự án, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở... từng bước thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn của huyện Quỳnh Nhai.

Trần Hiền

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/muong-sai-day-manh-chuyen-doi-co-cau-kinh-te-34474