Mường La ơi! Hội đã tan rồi…!

“Lễ hội Cơm Mới là một trong những cố gắng của chúng tôi trong việc góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc. Đây cũng là cầu nối đoàn kết, là động lực để chúng tôi phát triển, vươn lên trong hành trình xây dựng nông thôn mới” – ông Nguyễn Đức Thành – Chủ tịch UBND huyện Mường La, tỉnh Sơn La, bảo vậy.

Rộn ràng về với Hội

Lễ hội Cơm Mới ở huyện Mường La năm nay được tổ chức tại xã Ngọc Chiến – một trong những xã vùng 3, cách xa trung tâm huyện tới 40km, giao thông đặc biệt khó khăn.

Ngọc Chiến nằm trên đỉnh dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, được thiên nhiên ban tặng cho khí hậu lạnh nên có những nông sản đặc trưng: Táo mèo chất lượng ngon nhất vùng Tây Bắc, nhãn chín muộn, lúa nếp thơm xứ lạnh, nguồn nước mát dồi dào để phát triển cá tầm, cá hồi… Nhưng nói đến Ngọc Chiến, người ta thường nhớ ngay đến con đèo Sam Xíp huyền thoại. Trong tiếng Thái, Sam Xíp có nghĩa là Ba Mươi – bởi đèo ấy dài gần chục km và có tới 30 cái cua gấp khúc kiểu tay áo với những dốc đứng trơn trượt. Sam Xíp từng gây khó khăn cho cả 4 mùa, là thách thức với tất cả những tay lái vùng cao, kể cả dân đi ngựa.

Du khách ghé mua quà từ những nông sản của Ngọc Chiến được bày bán tại Lễ hội Cơm Mới Mường Chiến 2016.

Trên đỉnh Ngọc Chiến này có cánh đồng Mường Chiến rộng hàng trăm ha, là vựa lúa chủ đạo của cả huyện Mường La do bà con các dân tộc: Thái, Mông bao năm canh tác. Chính trên mảnh đất đại ngàn này, một lễ hội đã từng được bà con các dân tộc lưu truyền và phát triển qua bao đời, đó là Lễ hội Cơm Mới. Lễ hội này diễn ra khi những bông lúa nếp tan trên cánh đồng Mường Chiến bắt đầu uốn cong như hình dấu hỏi; trên những hạt thóc bắt đầu hội tụ những ánh vàng.

Khi những hạt lúa đầu tiên trên đồng ngả màu thì người Mường Chiến tổ chức lễ hội Cơm Mới với những sản vật được làm nên từ chính những bông lúa chín, những con cá, con gà sau một năm chăn nuôi. Nhưng ngày xưa, lễ hội chỉ được tổ chức lẻ tẻ theo từng nhóm hộ, từng bản bởi ở đâu lúa chín trước thì làm lễ trước. Năm nay, lúa chín vàng rực khắp cả cánh đồng. Người Mường Chiến bảo: Bởi Đất – Trời thấu cái tâm của Nhà nước đứng ra tổ chức Lễ hội mà ban cho nắng, cho mưa hòa thuận khắp vùng để cả cánh đồng cùng vào vụ gặt, để mọi nhà chung một sự hân hoan…

Sự hân hoan ấy đâu phải chỉ có riêng người Mường Chiến mới có. Thông tin về Lễ hội Cơm Mới ở huyện Mường La đã lan rộng ra nhiều địa phương trong cả nước. Trên con đèo Sam Xíp dẫn về Mường Chiến trước ngày lễ hội hôm nay đã được cắt dốc, giảm cua, trải nhựa, bê tông. Chúng tôi đã nhận thấy những chiếc xe taxi, xe khách, xe con mang những biển số lạ từ: Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình… và tất nhiên là chẳng thiếu được các tỉnh lân cận như: Yên Bái, Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu…

Du khách ghé mua quà từ những nông sản của Ngọc Chiến được bày bán tại Lễ hội Cơm Mới Mường Chiến 2016.

Cứ đến với một bản trên con đèo Sam Xíp, chúng tôi lại bắt gặp những chiếc cổng chào với cờ, hoa rực rỡ, biểu ngữ nghênh tiếp du khách về với lễ hội. Sự hiểu khách của người Mường La hiển hiện trên mỗi nét mặt cán bộ, người dân nơi đây, trong sự đón tiếp ân cần của một vùng quê nghèo khó. Có lẽ bởi vậy mà lượng du khách về với lễ hội đông tới cả chục ngàn người. Mường Chiến với bát ngát mênh mông dưới chân đại ngàn Hoàng Liên Sơn hùng vĩ nay bỗng trở nen chật hẹp, nhỏ bé bởi những âm thanh chộn rộn, những sắc màu đan xen.

Đánh thức những tâm tư

Trước ngày diễn ra chính hội, chúng tôi được chứng kiến sự chân thành của lãnh đạo huyện Mường La và cán bộ, nhân dân xã Ngọc Chiến khi đặt vòng hoa viếng nghĩa trang Liệt sỹ, làm lễ thần rừng dưới gốc cây sa mu hàng trăm năm tuổi, lễ cúng Trời – Đất… Bí thư huyện ủy Nguyễn Thành Công, bảo rằng: Lễ hội này là một trong những nét đẹp truyền thống cần được bảo tồn và phát huy. Bởi thế việc khôi phục lễ hội này rất được bà con ủng hộ. Chúng tôi cũng mong muốn lễ hội là một dịp để trao đổi, giao lưu và quảng bá về Mường La nói chung, Ngọc Chiến nói riêng với những vùng miền khác của Tổ quốc.

Dòng người tấp nập về với lễ hội Cơm Mới Mường La

Đêm trước ngày diễn ra Lễ hội, cả một vùng đất trời Mường Chiến sáng rực ánh đèn náo nức người, xe qua lại. Ông Tòng Văn Hải, chủ mảnh đất có cây sa mu mấy trăm năm tuổi, tự hào: “Ngày trước, Sơn La có nhiều cây to, có cây còn lớn hơn cả thế này. Nhưng bây giờ, có lẽ cây sa mu này là cây có độ tuổi lớn nhất còn sống với gần chục người ôm mới kín được thân cây… Tôi rất vui bởi trong Lễ hội này, huyện đã đưa cây sa mu nhà tôi vào một chương trình thăm viếng.” Chúng tôi vui không chỉ phải bởi mình được hưởng lợi từ du khách mà còn rất vui bởi ý nghĩa thiêng liêng của cây đại thụ đang được nhân lên. Từ những lễ hội như thế này, người ta sẽ hiểu thêm về ý nghĩa của việc bảo vệ rừng cho hôm nay và mai sau.

“Cái lễ hội này là của cha, của ông để lại. Lễ hội là để cảm ơn trời đất đã ban cho mưa thuận, gió hòa để mùa màng, cây trồng, vật nuôi nảy nở, sinh sôi sau một mùa lao động. Cái ơn ấy người Mường Chiến luôn khắc sâu trong máu thịt mình”
- Bà Cà Thị Đỏ, 83 tuổi
Già bản Lướt (xã Ngọc Chiến).

Bên bản Nà Tâu, các chủ nhân đất Mường Chiến đang tập hợp nhau dưới mái nhà sàn văn hóa bản để trao đổi kinh nghiệm cho những cuộc thi sẽ diễn ra vào chính hội. Chị Lò Thị Cán, dân bản Mường Chiến 1, bảo: Ngày mai, trong lễ hội này sẽ có nhiều hội thi: Giã bánh dày, làm cốm, kéo co, bắt cá, văn nghệ… Cả đời người mới có một lần vui như thế. Hội thi cũng là để khẳng định những nét đẹp văn hóa dân gian quê tôi. Vì thế, chúng tôi phải quyết giành phần thắng.

Đêm ấy, vùng cao Ngọc Chiến không ngủ. Đó đây vọng những tiếng ca, tiếng khèn bè đan xen trong nhịp giã cốm thậm thịch khắp các bản làng. Ông Lò Văn Hơn, dân bản Lướt, bảo rằng: Đã qua nửa đời người, Ngọc Chiến mới có một lần vui như hôm nay. Cái Lễ hội mang lại cho người Ngọc Chiến không chỉ niềm tự hào về quá khứ mà còn mở ra những hướng phát triển mới trong tương lai. Hôm nay, có cả ngàn người đã biết thêm về một Ngọc Chiến ngoài những đặc sản cây rừng, lúa nước, suối khoáng nóng còn có cả một nét văn hóa đặc sắc và phong phú.

Quyến luyến phút chia tay

Mới 5h sáng ngày chính lễ mừng Cơm Mới nhưng mọi nẻo đường vào trung tâm lễ hội đã chật cứng người. Sự chen lấn chật chội ấy không mang lại cảm giác khó chịu mà làm cho những nét mặt hân hoan hơn. Chàng thanh niên dân tộc Mông Tráng A Tơ ở bản Nậm Nghiệp (xã Ngọc Chiến) tay trái giơ cao chiếc khèn bè để tránh va chạm, tay phải dắt vợ len lách giữa dòng người đang chảy về lễ hội, bảo: Từ bé đến giờ mới được thấy cái người đông vui, ăn mặc đẹp, nói cười hớn hở như tivi chiếu về Hồ Gươm ở Hà Nội ngày Quốc Khánh như thế này.

Cánh đồng Mường Chiến lúa đồng loạt chín vàng trong dịp Lễ hội Cơm Mới 2016.

Náo nức đợi chờ. Rồi các tiết mục thi thố cũng diễn ra. Bên này kéo co, bên kia giã cốm, giã bánh dày; ngoài suối nô nức xem bắt cá… Người trực tiếp tham gia cổ vũ các cuộc thi còn háo hức, nóng ruột hơn cả các diễn viên. Họ chạy xô bên này, hò hét động viên bên kia; vỗ tay, dậm chân, gào đến khản cả cổ.

Thế rồi Hội thi cũng kết thúc, phần thưởng đã được trao sau những đánh giá hết sức công bằng. Dây chão kéo co được người Nà Tâu mang về làm kỷ niệm. Những chiếc cối đá, chày giã bánh, nồi niêu, xoong chảo… tham gia giã bánh trong hội thi cũng được chất lên lưng ngựa, xe máy để chở về dưới những mái nhà sàn. Những gói cốm xanh trúng thưởng được chia thành từng phần nhỏ bán luôn ở lễ hội cho du khách làm quà. Trong phút chia tay ấy, dễ dàng cảm nhận được sự quyến luyến trong những cái bắt tay, những ánh mắt, lời hứa hẹn mùa sau gặp lại. Dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn, lại vang lên tiếng khèn bè réo rắt như gọi mời, như ước hẹn mùa sau. Những bước chân ra về như quyến luyến, như không muốn nỡ rời xa !

Xôn xao cuộc thi làm cốm giữa các bản tại Lễ hội.

Cầm trên tay gói cốm xanh mà Chủ tịch UBND huyện – Nguyễn Đức Thành trao tặng, còn nức hương thơm của hạt nếp tan, chợt thấy nao lòng. Xin dẫn ra đây câu nói của ông chủ tịch thay cho lời kết: Mường La không có câu hát giã bạn như Lễ hội Lim nhưng chúng tôi hy vọng buổi chia tay này sẽ mở ra những ước hẹn mới. Mong rằng du khách khắp nơi sẽ thường xuyên đến với Mường La, đi thăm Nhà máy Thủy điện Sơn La, bơi thuyền trên lòng hồ sông Đà, tắm nước suối nóng, ăn xôi nếp – cá nướng Mường Chiến và cũng nhau khắp những bài hát Thái, chung tay nhịp điệu xòe bên ngọn lửa vùng cao. Với sự quyết liệt trong công cuộc xây dựng Nông thôn mới, hy vọng Mường La sẽ sớm đổi thay, sẽ làm đắm say lòng du khách !

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/du-lich/muong-la-oi-hoi-da-tan-roi-721546.html