Muốn tăng ca để trốn… nỗi cô đơn

Công nhân chúng tôi muốn tăng ca không chỉ để tăng thêm thu nhập mà còn để trốn nỗi cô đơn vào mỗi buổi tối ở nhà trọ.

Bạn Nguyễn Thị Hảo.

Ngoài thời gian làm việc chính thức, tôi và đồng nghiệp muốn được tăng ca không chỉ để có thêm thu nhập, mà đối với những công nhân độc thân như tôi, đi làm nghĩa là được đến công ty, được gặp mặt bạn bè, chúng tôi sẽ vui vẻ, tinh thần thoải mái hơn rất nhiều mà không mệt mỏi khi cứ ở nhà thui thủi một mình.

Hiện tại lương cơ bản và trợ cấp của tôi được gần 4 triệu đồng/tháng. Với số tiền này, sống ở Hà Nội đắt đỏ nếu không chắt bóp chi tiêu thì khó lòng trụ được. Tiền nhà trọ, tiền điện, nước, ga… nếu tháng nào có phát sinh đau đầu, sổ mũi thì tiền chẳng có để mua được nồi lá xông.

Tôi cũng như nhiều chị em khác ở khu trọ này, ai cũng còn một gia đình ở phía sau để lo, với bản thân tôi, mỗi tháng dù làm ít hay nhiều vẫn phải để dành riêng ra 1 triệu đồng để gửi về quê cho bố mẹ. Tất nhiên, cũng có tháng, tôi chẳng để dành được đồng nào, những khi ấy, nghĩ đến bố mẹ, gia đình ở quê tôi lại buồn cho mình. Vì những lẽ đó, tôi càng muốn tăng ca.

Tăng ca tôi sẽ không có thời gian rảnh rỗi, tôi sẽ không tốn tiền vào những trò chơi giải trí hay đi mua sắm, đi uống nước với bạn bè… Có thể, nếu ở nhà, tôi thu mình vào phòng cũng sẽ tiết kiệm được từng ấy tiền nhưng như thế sẽ rất buồn cho nên tôi rất muốn được tăng ca là vậy, vừa có tiền, vừa gặp được bạn bè ở công ty.

Thế nhưng không phải mình cứ muốn tăng ca là được. Còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, quan trọng nhất là người quản lý của mình. Gặp quản lý tốt thì họ cho mình tăng ca, còn không tốt họ không cho tăng ca đâu. Ai được lòng quản lý thì sẽ được tăng ca nhiều hơn.

Bên cạnh đó, nếu nhân viên mới sẽ không được ưu tiên nhiều vì quản lý cho rằng tay nghề mình chưa tốt nên tăng ca sẽ không hiệu quả. Một lý do nữa, vốn là nhân viên mới, nên tay nghề đôi khi chưa thật sự xuất sắc, trong quá trình làm việc, mình gặp những lỗi nhỏ, đó cũng là lý do để quản lý gạt tên mình ra khỏi danh sách “công nhân được tăng ca”…

Chúng tôi hay nói đùa với nhau, áp lực công việc chúng tôi không sợ, điều đáng sợ nhất đối với công nhân chúng tôi là không được tăng ca! Lắm lúc bị gạt tên ra khỏi danh sách công nhân được tăng ca, tôi tủi thân và chỉ muốn khóc, giá như đồng lương công nhân cao hơn thì có lẽ chúng tôi sẽ vui vẻ háo hức rời khỏi nhà máy, thoải mái rủ bạn bè đi uống cốc nước mía bởi dẫu gì chúng tôi cũng đang ở tuổi 20!

Nguyễn Thị Hảo (CN KCN Bắc Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội)

Các bạn có thể gửi bài viết, hình ảnh về địa chỉ toichiase@laodong.com.vn hoặc inbox trên fanpage của chuyên mục Tôi chia sẻ - Báo Lao Động:

Quan điểm của Lao Động là trân trọng từng ý kiến bạn đọc và tôn trọng mọi quan điểm không nhất thiết trùng với quan điểm tòa soạn!

PHẠM LIÊN (GHI)

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/toi-chia-se/muon-tang-ca-de-tron-noi-co-don-610172.bld