'Muốn phút giây gặp Bác cứ kéo dài mãi…'

Đó là mong ước của ông Huỳnh Xuân Thanh và các bạn của ông trong lần được gặp Bác Hồ cách đây hơn 50 năm.

Ông Huỳnh Xuân Thanh. Ảnh: VGP/Minh Trang

Với ông Huỳnh Xuân Thanh, một cựu học sinh miền Nam được ra Bắc học tập, ký ức về lần gặp gỡ Bác Hồ và những lời căn dặn của Người vẫn luôn được ông xem là một trong những kỷ niệm đẹp nhất trong cuộc đời mình…

Là người con của vùng đất Quảng Nam noi gương lớp cha anh, ông Huỳnh Xuân Thanh (sinh 1952) sớm giác ngộ cách mạng, tham gia làm giao liên cho Thành ủy, Biệt động thành Đà Nẵng và Huyện ủy Điện Bàn, Đại Lộc.

Năm 1964, ông được đưa ra miền Bắc học văn hóa. Rồi vào một ngày tháng 8/1964, tại Hà Nội, ông cùng các bạn học sinh miền Nam có dịp được gặp Bác Hồ.

Ông kể: Vào lúc 17h ngày 30/8/1964, sau khi ăn cơm chiều về thì có lệnh tập trung. Bác Hữu, người phụ trách chung, đọc danh sách một số người ở lại và thông báo: “Các cháu chuẩn bị tư trang, sau 20 phút tập trung lên xe và đi gặp Bác Hồ!”.

Nghe vậy các anh em có tên trong danh sách vội vàng chạy về phòng thay áo quần, quàng khăn đỏ, chải đầu tóc gọn gàng rồi xuống địa điểm tập trung. Cả đoàn có 16 anh em theo anh Hanh phụ trách lên 4 chiếc xe đi qua các phố Hoàng Hoa Thám, Hùng Vương rồi dừng lại.

Gần đến nhà khách, chúng tôi thấy xuất hiện ông già mặc bộ đồ khaki màu xám với đôi dép cao su đen đang từ từ đi ra nở nụ cười phúc hậu. Anh Hanh và tất cả chúng tôi reo lên: “Bác Hồ!” rồi ai nấy thi nhau chạy đến ôm chầm lấy Bác, tranh nhau ôm chặt Bác, còn Bác thì xoa đầu chúng tôi rồi dẫn chúng tôi cùng đi vào nhà, lên tầng 2. Chúng tôi ríu rít như đàn chim tụ về tổ ấm. Vào phòng họp, chúng tôi ngồi vào ghế quây quần xung quanh chiếc bàn lớn với Bác.

Câu đầu tiên Bác hỏi: “Dân chố gộ (cháo gạo, ý nói vui người dân Quảng Nam-Đà Nẵng - PV) có mặt đây không?”. Bạn Dung ngồi gần thúc vào tôi cười và nói: “Có ạ”. Bác hỏi tiếp: “Dân dưa cửa mắm cứa (dưa cải mắm cáy, ý nói người Quảng Ngãi - PV) có không?”. Tất cả chỉ về phía Ba Đen và nói “Có ạ”. Bác lại nói: “Dân đào gấu (đầu gối, ý nói người quê Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận - PV) có không?”. Tất cả lại cười vang và chỉ về phía bạn Hòa. Rồi Bác nói tiếp: “Các cháu ăn mích chính ích ích (mít chín ít ít, ý nói người quê Nam Bộ - PV) thôi nghen”. Tất cả lại cười vang một lần nữa…

Rồi Bác nói: “Hôm nay là ngày vui, Bác cháu chúng ta gặp nhau như vậy thì hãy hát bài Kết đoàn”. Nói rồi, Bác vẫy tay bắt nhịp cùng chúng tôi, hội trường lúc này càng náo nhiệt với lời ca vang “Kết đoàn chúng ta là sức mạnh, kết đoàn chúng ta là sắt gang…”.

Trên bàn có rất nhiều bánh kẹo và nước ngọt mà Bác cho bày sẵn, Bác nói: “Mời các cháu cùng ăn với các bác cho vui”. Nói xong, Bác giới thiệu với chúng tôi: “Bác là Hồ Chí Minh, còn đây là bác Phạm Văn Đồng, ‘người dưa cải’ đấy! Đây là bác Trường Chinh, bác Võ Nguyên Giáp, bác Lê Thanh Nghị, các bác ở Bộ Chính trị hôm nay cũng có mặt với các cháu”. Bác đang nói thì thấy một người đi vào, miệng cười, vừa đi vừa vỗ tay, Bác Hồ giới thiệu luôn: “Đây là bác Tôn Đức Thắng của các cháu”. Cả phòng lại vỗ tay chào đón Bác Tôn.

Bác đi đến từng người trong chúng tôi và ôm hôn mỗi người một cái. Đến lượt tôi được Bác hôn vào trán, ngay lập tức tôi nhổm dậy ôm tay Bác và hôn vào cằm, vào râu của Bác. Lúc này, tôi rất muốn nói về tình cảm của gia đình, quê hương tôi với Bác nhưng bỗng nghẹn ngào, nước mắt trào dâng, tôi thấy Bác gần gũi như người nhà của tôi vậy.

Bác nói: “Bây giờ có cháu nào đứng lên hát cho các chú và các bác ở đây nghe một bài nào?”. Lúc này các bạn nhìn lẫn nhau vì đột ngột quá và thấy mắc cỡ không ai chuẩn bị kịp. Sau đó, anh Hanh chỉ bạn Dung hát một bài, bạn Dung hát: “Ngày con mới ra miền Bắc con còn bé xíu như là cái hạt tiêu…”. Hát xong Dung nhận được một tràng vỗ tay khích lệ. Đến bạn Hòa mạnh dạn đứng lên hát bài: “Vui họp mặt. Từ ngàn phương về đây cùng nhau đoàn kết cùng đi tới tương lai…”, lại một tràng vỗ tay khích lệ nữa vang lên.

Sau đó Bác nói: “Bác đại diện các chú ở đây căn dặn các cháu mấy điều. Bác biết các cháu ngồi đây là ở khắp các địa phương của miền Nam, Bác muốn gặp tất cả các cháu cũng như gia đình của các cháu và toàn thể đồng bào miền Nam song điều kiện chưa cho phép, đất nước đang bị chia cắt nhưng các cháu tin tưởng một ngày không xa, Tổ quốc ta được thống nhất, gia đình chúng ta được sum họp, Bác sẽ có điều kiện đi thăm hỏi. Các cháu viết thư hoặc nhắn tin cho gia đình là Bác và các chú ở đây gửi lời thăm gia đình và bạn bè các cháu ở miền Nam”. Một tràng pháo tay nữa lại vang lên trong không khí vô cùng ấm cúng.

Bác Hồ nói tiếp: “Các cháu đã ra đến miền Bắc xã hội chủ nghĩa rồi. Bác mong các cháu ngoan, học giỏi để xứng đáng là cháu ngoan của Bác. Các cháu là những hạt giống đỏ của đồng bào miền Nam gửi ra đây học tập cho nên phải cố gắng xứng đáng với lòng mong mỏi đó. Bác chúc các cháu ngoan, khỏe, vui và học tập thật giỏi”.

Căn dặn xong, Bác Hồ dẫn chúng tôi xuống xem phim ở tầng 1. Các bạn tôi, người thì đi bên cạnh bác Tôn, người thì bên cạnh bác Đồng, bác Duẩn, bác Chinh, bác Giáp, bác Nghị…

Vào phòng chiếu phim ở tầng 1, Bác chiêu đãi chúng tôi bộ phim hoạt hình thiếu nhi miền Nam đánh Mỹ. Xem phim mà tôi thấy vinh dự đến lạ kỳ cùng niềm vui khó tả vì đây là lần đầu tôi được xem phim cùng với Bác Hồ.

Xem phim xong, Bác cùng các bác trong Bộ Chính trị tiễn chúng tôi ra xe về. Bác hỏi: “Ở nhà còn bao nhiêu bạn không đi kịp, Bác gửi cho các cháu bánh và kẹo, mỗi cháu một gói”. Một lần nữa chúng tôi lại vây quanh các bác, do xúc động, nhiều bạn cũng như tôi đã khóc và muốn giây phút thiêng liêng này cứ kéo dài mãi…

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ học tập tại miền Bắc, ông Huỳnh Xuân Thanh trở về quê hương Quảng Nam-Đà Nẵng và đóng góp sức mình cho công cuộc xây dựng đời sống kinh tế-xã hội ở quê nhà Đại Lộc, Quảng Nam.

“Bây giờ tất cả những anh em được gặp Bác Hồ hơn 50 năm trước đây của chúng tôi đều đã trưởng thành trong các lĩnh vực công tác khác nhau và đã có những đóng góp nhất định cho trong công cuộc xây dựng kinh tế của địa phương, của đất nước.

Nghĩ lại, chúng tôi càng thấy rất thấm thía lời Bác Hồ đã dạy: “Các cháu là những hạt giống đỏ của đồng bào miền Nam gửi ra đây học tập cho nên phải cố gắng xứng đáng với lòng mong mỏi đó”. Lời Bác dạy đã tạo động lực để thế hệ chúng tôi ra sức học tập và cống hiến sức mình cho quê hương”, ông Thanh tâm sự.

Minh Trang (ghi)

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/muon-phut-giay-gap-bac-cu-keo-dai-mai/306494.vgp