Muôn kiểu kỳ công săn đặc sản Tết của dân Hà thành

Nuôi lợn rừng online, lên núi 'săn dê', thịt khô gác bếp... là những các săn đặc sản Tết khá độc của dân Hà thành.

Ở chung cư cao tầng vẫn nuôi được lợn rừng ăn Tết: Dịp Tết năm nay, nhiều gia đình bỏ ra 6-7 triệu đồng để nuôi lợn rừng online, thay vì phải băng rừng vượt suối săn mua như trước. Người nuôi chỉ việc ngồi tại nhà, bật camera là có thể theo dõi toàn bộ quá trình ăn uống, tắm rửa của lợn cho đến khi chúng lớn thì đến bắt về thịt. Ảnh: Vietnamnet.

Chia sẻ trên Vietnamnet, anh Nguyễn Huy Du, chủ một trang trại nuôi lợn rừng online ở Thạch Thất (Hà Nội), cho hay, anh mới mở dịch vụ nuôi lợn rừng online được nửa năm nay, nhưng số lượng đặt nuôi rất nhiều, nhất là nuôi cho kịp Tết tới. Ảnh: Vietnamnet.

Anh Du cho hay, dịch vụ nuôi lợn rừng khá đơn giản, khách có nhu cầu chỉ cần gọi điện đặt nuôi. Lợn sẽ được đánh mã số để người mua có thể theo dõi suốt quá trình nuôi. Khách hàng chỉ việc nộp tiền thức ăn cho lợn theo tháng hoặc quý. Tính ra, trong vòng 4-5 tháng, tổng số tiền bỏ ra khoảng 6-7 triệu đồng/con và thu về được một chú lợn nặng từ 25-30kg. Ảnh: Zing.

Thức ăn của lợn rừng chủ yếu là rau xanh, thân cây chuối, củ khoai, cỏ và bổ sung cây thuốc nam (lá chè khổng lồ, cây ngọc hoàng, cây hoa tím, cây thần đen, cây khổ sâm và cây nhọ nồi). Trung bình lợn tăng khoảng 3 kg/tháng, khi cho thu hoạch nặng 25-35kg lợn hơi, khi mổ tỷ lệ thịt đạt 70-80%. Ảnh: Zing.

Lên bản “săn” đặc sản dê núi ăn Tết: Dù còn 1 tháng nữa mới đến Tết dương lịch và 2 tháng nữa Tết âm lịch mới tới nhưng nhiều nhà giàu ở Ninh Bình đã không tiếc công tìm về các khu rừng để săn tìm đặc sản Tết dê núi sạch. Ảnh: Dân Việt.

Theo báo Dân Việt, trang trại chăn nuôi dê, hươu bán hoang dã của “vua dê” đất cố đô Trịnh Văn Đàm (ở thôn 8, xã Đông Sơn, TP.Tam Điệp, Ninh Bình), nằm sâu trong thung lũng núi đá tai mèo hiểm trở, cứ vào giáp Tết lại đắt khách. Ảnh: Dân Việt.

Anh Đàm cho biết, anh đang nuôi gần 200 con, gồm cả dê giống và thương phẩm, chủ yếu là dê cỏ truyền thống và dê lai, Bách Thảo. “Đến nay, đã có nhiều khách trong và ngoài thành phố, cả những người có "máu mặt" tìm vào đặt hàng nhiều dê để liên hoan cuối năm và làm đặc sản Tết”, “vua dê” tiết lộ. Ảnh: Dân Việt.

Tương tự, thời điểm này cũng nhiều người dân lặn lội tìm tới các bản làng của người đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở hai huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) để săn dê về ăn Tết. Dê nuôi ở bản làng theo lối chăn thả tự nhiên. Mỗi con dê tơ 20kg có giá trên 2 triệu đồng sẽ trở thành đặc sản đãi khách quý dịp Tết đến xuân về. Ảnh: Dân Việt.

Thịt trâu gác bếp - món ăn truyền thống của người dân tộc vùng cao Tây Bắc đang được giới sành ăn Hà thành đánh giá rất cao và sẵn sàng chi tiền săn lùng mỗi dịp Tết. Ảnh: Internet.

Dù ở Hà Nội có nhiều cửa hàng chuyên bán đặc sản vùng miền nhưng nhiều người sành ăn ở thành phố lại thích trực tiếp lên các tỉnh vùng cao Tây Bắc "săn" đặc sản chứ không tin tưởng vào việc mua hàng trên mạng. Ảnh: Khoevadep.

Thịt khô gác bếp của người vùng cao khác hoàn toàn với các món thịt khô của người xuôi. Thịt sau khi được lọc thái miếng to khoảng bằng cổ tay để sau khi khô sẽ bị héo đi là vừa, ướp các gia vị tùy theo từng loại thịt như muối, ớt bột, gừng... tuyệt nhiên không thể thiếu mắc khén hay hạt dổi. Ảnh: Dân Trí.

Nghe công đoạn thì có vẻ như chỉ cần đủ gia vị, đủ nguyên liệu là ai cũng có thể làm được, nhưng thực ra món thịt khô Tây Bắc này đòi hỏi sự khéo léo khi tẩm ướp, khi canh lửa hong khô để thành phẩm ra được ngon, để được lâu. Ảnh: Khoevadep.

Săn lợn giun quế ăn Tết: Theo Vietnamnet, trước Tết khoảng 3 tháng, nhiều gia đình ở Hà Nội đã bắt đầu lùng mua lợn giun quế bởi loại lợn này được nuôi bằng giun quế và thảo dược. Ảnh: Vietnamnet.

Giun quế được nuôi và cho ăn phân bò, sau một tháng đem nghiền nát trộng với cám ngô, bã bia, rau,... đun lên làm thức ăn cho lợn. Đây chính là bí quyết của người nuôi để lợn giun quế có vị thơm ngon, ngọt, được nhiều người ưa thích. Ảnh: Vietnamnet.

Bà Nguyễn Thị Liên, chủ một trại nuôi lợn giun quế ở Sóc Sơn (Hà Nội) thừa nhận, cứ gần Tết, nhiều gia đình ở nội thành Hà Nội lại về trang trại của bà đặt mua lợn giun quế khá nhiều. Do ít người nuôi nên nguồn cung loại thịt lợn này còn rất hạn chế, hàng đều phải đặt trước. Ảnh: Vietnamnet.

Thảo Nguyên (tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/muon-kieu-ky-cong-san-dac-san-tet-cua-dan-ha-thanh-788683.html