Muôn hình vạn trạng của linh vật rồng 2024 ở các tỉnh

Cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn, 'cuộc đua' linh vật năm của các địa phương trên cả nước trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Nơi được khen thần thái, nơi khiến nhiều người 'dở khóc dở cười'.

Đón chào Xuân Giáp Thìn, khắp các tỉnh thành trên cả nước lại thay áo mới, trang trí, tạo hình theo con giáp của năm. Tuy nhiên, hình ảnh con rồng không dễ tạo kiểu, vì vậy đây là một chủ đề được rất nhiều người quan tâm và đón chờ những hình ảnh có đẹp mắt, có hài hước đến từ các tỉnh thành.

Cặp linh vật rồng uy dũng tại Huế

Sau nhiều ngày tạo hình và trang trí, cặp linh vật rồng khổng lồ ở Huế chính thức hoàn thành để phục vụ du khách đón Tết Nguyên đán và ngay lập tức nhận "mưa" lời khen.

Địa phương này đã tiến hành lắp đặt những linh vật rồng ở hai vị trí gồm khu vực phía trước trường THPT Chuyên Quốc học Huế và khu vực công viên đài phun nước trước UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Hai linh vật rồng này đối xứng nhau ở thế “rồng chầu mặt nguyệt”, tạo thành hình thái vòm tự nhiên, bao quanh bởi tạo hình bông sen Huế truyền thống. Đặc biệt, khi trời tối, cặp linh vật rồng được bật sáng làm tôn lên sự oai phong khiến nhiều người trầm trồ.

Theo Trung tâm Công viên cây xanh Huế, rồng linh vật được lựa chọn đặt tại Bia trước Trường Quốc Học Huế là rồng thời Nguyễn. Thiết kế được lấy cảm hứng từ linh vật trang trí rồng trên mái các công trình cung đình, lăng tẩm Huế. Hai linh vật rồng được sắp xếp đối xứng qua một trục chính với kết cấu nhịp điệu nhẹ nhàng, thanh mảnh, với dáng mềm mại, uốn khúc sinh động. Qua đó, vừa lột tả được đường nét uyển chuyển của thân rồng, lại vừa mang những nét đặc trưng của văn hóa cung đình Huế.

Linh vật rồng tại Huế nhận được "mưa" lời khen vì sự to lớn, tỉ mỉ và ý nghĩa. Ảnh VTCNews

Rồng ở Quảng Trị tiếp tục được chú ý

Tỉnh Quảng Trị 2 năm liên tiếp đều góp mặt trong danh sách các tỉnh thành có linh vật năm đẹp nhất Việt Nam với linh vật hổ và mèo từng gây sốt các năm trước do nghệ nhân Đinh Văn Tâm thực hiện. Năm nay cũng không ngoại lệ, cha đẻ của các linh vật này tiếp tục được UBND thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa) đặt làm linh vật rồng để trang trí Tết Giáp Thìn 2024.

Sau 3 tháng thi công, linh vật chính thức hoàn thành. Rồng cao khoảng 4,5 m; thân uốn lượn dài 7m; tổng trọng lượng khoảng 500kg. Dưới chân của bức tượng có một quả cầu màu vàng, tượng trưng tài lộc mà rồng đưa đến cho người dân.

Để hoàn thiện linh vật, nhóm thợ đã sử dụng nhựa làm vảy, các thanh sắt bao quanh bằng lưới làm thân, bụng được làm bằng thạch cao. Các bộ phận được thiết kế tỉ mỉ, màu vàng óng bắt mắt.

Cận cảnh linh vật rồng gây "bão mạng" của nghệ nhân Đinh Văn Tâm. Ảnh: Phương Tuyền

“Rồng mầm non” tại Bắc Giang

Linh vật Tết 2024 tại đây được chú ý bởi vẻ ngoài "dễ thương" như hoạt hình. Chú rồng được sơn màu cam chủ đạo và nét mặt tinh nghịch. Rồng đứng trên bệ đỡ hình đồng tiền, được cư dân mạng đặt cho cái tên "rồng mầm non". Tuy nhiên, chú rồng cũng nhận nhiều người ý kiến tranh cãi khi có hơi hướng "lai Tây" vì có đôi cánh nhỏ nên không phù hợp.

Chú rồng "mầm non" tại Bắc Giang. Ảnh: Văn Quân

Rồng Bình Định đầy uy nghi, dũng mãnh

Trình diện với du khách năm nay, linh vật rồng chính của Bình Định mang chủ đề “Tự hào truyền thống Cha Rồng - Mẹ Tiên”. Điểm độc đáo là toàn cảnh khu trưng bày nhìn từ trên cao tạo hình một đầu rồng lớn, có thể thay đổi màu sắc lung linh về đêm.

Trong trang phục oai phong, dũng mãnh thời Hùng Vương (trang phục Âu Lạc), có màu sắc vàng đồng làm chủ đạo, dài hơn 18m, cao hơn 7m, đầu quay về hướng Tây tượng trưng cho Cha Rồng trông non. Hai rồng phụ có phần đầu dài 16m, quay về hướng Đông tượng trưng Mẹ Tiên trông biển.

Linh vật mừng xuân Giáp Thìn 2024 của tỉnh Bình Định. Ảnh: VTCNews

Tạo hình rồng từ chiếc lu

Bên cạnh những hình ảnh được nhiều người khen hết lời, cũng có nhiều nơi khiến cư dân mạng "dở khóc dở cười" trước những hình ảnh hài hước, khó hiểu của linh vật năm nay.

Tại Bình Dương, hai linh vật rồng được làm bằng những chiếc lu chào đón Tết Nguyên đán 2024 với thiết kế bằng đất sét, nặn bằng tay rồi nung bằng lò củi nên trông rất khỏe khoắn. Thân rồng được làm bằng 36 chiếc lu in nổi hình rồng. Đây là những sản phẩm vốn có, nổi tiếng của địa phương.

Tuy nhiên, nhiều người đánh giá phần thân rồng có phần hơi hẹp và nối nhau như phần thân của con rết không ăn nhập với phần đầu uy nghiêm của linh vật.

Mô hình rồng làm từ những chiếc lu ở làng nghề Bình Dương. Ảnh: Báo Công Thương

Rồng "kỳ lạ" ở Thanh Hóa

Những ngày qua, mạng xã hội đang bàn tán xôn xao trước hình ảnh về bốn tượng rồng với hình dáng "kỳ lạ" tại khuôn viên một khu vui chơi ở xã Tiên Trang, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.

Nhiều ý kiến cho rằng, tượng rồng có phần còi cọc, thiếu sự uy nghi. Phần đuôi mỗi tượng rồng có hình thù khác nhau, có tượng giống đuôi con cá hố, có tượng thì trông gầy gò, ốm yếu.

Các tượng rồng này được đắp bằng xi măng, mỗi con có chiều dài hơn 20m, tổng thể công trình cao gần 6m, và hiện vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Đây là phần thi công trên khu đất khuôn viên của một doanh nghiệp đang được công nhân thi công, hoàn thiện, nhằm phục vụ người dân đến tham quan dịp Tết Giáp Thìn 2024.

Riêng chính quyền tại địa phương không tổ chức xây lắp tượng rồng chào đón năm mới nên không có bình luận về tượng rồng tại khuôn viên doanh nghiệp này.

Linh vật rồng có phần "mình hạc xương mai" tại Thanh Hóa. Ảnh: VTCNews

Thu Trang

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/muon-hinh-van-trang-cua-linh-vat-rong-2024-o-cac-tinh-post31605.html