Mừng thọ đầu năm: Phong tục đẹp ở làng quê Bắc Bộ

Trong tâm thức người Việt, người có tuổi thọ và gia đình có người cao tuổi là có được cái phúc lớn sống lâu, con cháu đề huề. Việc tổ chức mừng thọ nhân lên nét đẹp văn hóa 'kính già, trọng lão'. Ngày nay, các nét đẹp của tục mừng thọ truyền thống vẫn được gìn giữ, trân trọng từ các làng xã, huyện thị ngoại thành cho đến thành phố.

Với người Việt, khi trong gia đình có người được tuổi tròn, (thường là từ 70 trở lên), đầu xuân, con cháu làm mâm cơm dâng cúng tổ tiên, mừng cho ông bà cha mẹ mình được hưởng tuổi trời. Theo đó, 70 tuổi gọi là chúc thọ, 80 tuổi là thượng thọ, 90 tuổi là thượng thượng thọ và 100 tuổi là bách tuế.

Lễ mừng thọ đầu năm từ lâu đã trở thành một nét đẹp văn hóa của người Việt trong mỗi dịp tết đến, xuân về, thể hiện sự kính trọng, tấm lòng hiếu thảo của con, cháu đối với ông bà, cha mẹ.

Mừng thọ đầu năm là phong tục đẹp của người Việt

Và mỗi độ xuân về, những nhà có người cao tuổi vui mừng tổ chức lễ mừng thọ, tôn vinh, tri ân người cao tuổi. Nhà có người cao tuổi được coi là đại hồng phúc, nên ngoài con cháu, chính quyền đoàn thể cũng trân trọng tổ chức mừng thọ cho các cụ già.

Việc mừng thọ thường được các xã, phường và gia đình tổ chức từ sau Tết Nguyên đán đến qua Rằm tháng Giêng. Truyền thống tốt đẹp này mang ý nghĩa thiết thực và tính nhân văn sâu sắc, góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ về cách đối nhân xử thế, đồng thời phát huy vai trò “cây cao bóng cả”, cống hiến trí tuệ, truyền kinh nghiệm sống cho thế hệ đi sau của người cao tuổi.

Đến thôn Đông Thôn, xã Yên Dương, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa vào ngày mồng 4 Tết Canh Tý. Mặc dù đã qua 3 ngày Tết nhưng không khí xuân vẫn còn nhộn nhịp khắp các ngả đường ngõ xóm, bởi vào ngày này, Hội Người cao tuổi tổ chức “Lễ mừng thọ” cho các cụ tuổi tròn trong thôn. Đúng 7 giờ sáng, các cụ đã có mặt đông đủ tại nhà văn hóa của làng.

Tại lễ mừng thọ, đại diện chính quyền chúc mừng các cụ năm mới bình an, mạnh khỏe và tặng quà mừng thọ. Tranh mừng thọ không thể thiếu trong lễ mừng thọ, với ý nghĩa cầu mong cho ông bà năm mới mạnh khỏe, nhiều niềm vui, sống lâu trăm tuổi.

Mừng thọ đầu năm làm phong phú thêm nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.(Ảnh:K.T)

Không chỉ tham gia chúc thọ tại nhà văn hóa, các gia đình còn thường tổ chức mừng thọ ấm cúng cho ông bà, cha mẹ mình tại nhà. Ở cái tuổi an dưỡng nghỉ ngơi thì những buổi sum vầy thấy con cháu đông đủ, hòa thuận, hiếu thảo như vậy là món quà quý giá nhất đối với những người cao tuổi.

Không chỉ có ở thôn Đông Thôn, mà ở nhiều địa phương khác ở làng quê Bắc Bộ, người dân làng Bùng (xã Phùng Xá, Hoài Đức, Hà Nội) cũng có tục lệ mừng thọ đầu năm mới.

Bà Nguyễn Thị Thái (Hoài Đức) mừng thọ 85 tuổi, rưng rưng niềm hạnh phúc cho biết: Từng này tuổi rồi vẫn được địa phương quan tâm, động viên, tôi cảm thấy rất vinh dự. Ðặc biệt, các con, các cháu ở xa cũng về đông đủ, tôi vui lắm. Các cháu còn thuê thợ đến chụp ảnh đại gia đình, hiếm có dịp nào cả gia đình được đông vui như thế.

Ngày nay, khi kinh tế phát triển, cuộc sống vật chất đầy đủ, sự nghèo khó đã lùi xa thì giá trị tinh thần lại càng có ý nghĩa. Truyền thống tốt đẹp của làng Đông Thôn, làng Bùng cũng như nhiều nơi trên đất nước Việt Nam đã và đang nhân lên những giá trị tinh thần quý báu, là một nét văn hóa làm phong phú thêm nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.

Lễ mừng thọ mang lại cho các cụ tình cảm ấm áp gia đình của thế hệ cháu con, của phố phường, làng xã để không cảm thấy cô đơn khi tuổi già, sức yếu lúc cuối đời. Bên cạnh đó, người cao tuổi cũng cảm thấy ấm lòng bởi được con cháu săn sóc. Đây là món quà quý giá nhất, hạnh phúc nhất cho các cụ độ tuổi xế chiều.

P.V

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/mung-tho-dau-nam-phong-tuc-dep-o-lang-que-bac-bo-102674.html