Mũi tiến công hướng Đông Nam trong chiến thắng 30/4 lịch sử

Hướng Đông Nam là một trong 5 hướng tiến công thuộc Chiến dịch Hồ Chí Minh, được sự phối hợp chiến đấu trực tiếp của lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân.

Vào những ngày cuối tháng 4/1975, trên mảnh đất Đồng Nai, hướng Đông Nam Sài Gòn đã chứng kiến giờ phút mở đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh và các trận tiến công mãnh liệt của quân và dân ta, đập tan các căn cứ phòng thủ vòng ngoài của địch, tạo điều kiện cho đòn tổng công kích vào nội đô Sài Gòn. Trải qua 46 năm, những hồi ức và giá trị to lớn về một mũi tiến công của quân dân ta trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn còn nguyên vẹn.

Thắng lợi của quân và dân

Hướng Đông Nam là một trong 5 hướng tiến công thuộc Chiến dịch Hồ Chí Minh, được sự phối hợp chiến đấu trực tiếp của lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân các huyện Long Thành, Nhơn Trạch. Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh quyết định giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 2 thực hành tác chiến. Vừa hành quân vượt quãng đường dài gần 1.000 km vào đến Đông Nam Bộ, chuẩn bị nhận nhiệm vụ trên hướng Đông Nam của Chiến dịch Hồ Chí Minh, sức mạnh tác chiến của Quân đoàn 2 không những không suy giảm, mà còn được tăng cường cả binh lực, hỏa lực, các phương tiện cơ động và kinh nghiệm tác chiến trong hành tiến.

Nhiều tướng lĩnh, sĩ quan lực lượng hướng Đông Nam gặp gỡ, ôn lại truyền thống về Chiến dịch Hồ Chí Minh

Là một trong những người tham gia chỉ huy mũi tiến công quan trọng của chiến dịch, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó Tư lệnh Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 nhớ lại: Sáng ngày 30/4/1975, cụm đột kích binh chủng hợp thành của Quân đoàn 2 ra tới xa lộ Biên Hòa – Sài Gòn, nhanh chóng vượt cầu Đồng Nai phát triển đánh về phía Thủ Đức. Lúc 11 giờ 30 ngày 30/4/1975, Quân đoàn 2 chiếm Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn và buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải đầu hàng vô điều kiện.

Đánh giá về vai trò quan trọng của lãnh đạo, nhân dân tỉnh Đồng Nai trong chiến dịch, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy cho rằng: Quân đoàn 2 là lực lượng ở xa, cách hàng ngàn cây số, chưa nắm rõ địa hình và lực lượng địch. Nhưng ngay từ đầu đã được lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đến tận nơi, phổ biến tình hình quân địch, hướng dẫn công tác chuẩn bị. Trong quá trình chiến đấu, nhân dân tỉnh Đồng Nai đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho lực lượng tiến công, đặc biệt là vào sáng ngày 30/4/1975, khi Sư đoàn 325 đánh chiếm cảng Cát Lái nhưng lại không có phương tiện vượt sông.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy cho biết: "Lực lượng ta đã đưa tàu thuyền của nhân dân ra giúp cho cả sư đoàn vượt sông, sang đánh chiếm căn cứ Cát Lái, vào Quận 9 và Quận 4. Tôi thấy rằng nếu không có sự kết hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, và đặc biệt là nhân dân địa phương thì lực lượng Quân đoàn 2 cũng gặp rất nhiều khó khăn".

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó Tư lệnh Sư đoàn 325, Quân đoàn 2

Chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh là tổng hợp sức mạnh của quân chủ lực, trong đó có sự đóng góp to lớn của lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Đồng Nai. Đại tá Vũ Văn Điền, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai cho biết: Ngày 26 và 27 tháng 4, du kích xã, biệt động thị xã Biên Hòa phát động quần chúng nổi dậy, cùng lực lượng vũ trang tước vũ khí hàng trăm tên phòng vệ dân sự, cùng với các tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 325 giải phóng 4 xã Phước Tân, Long Bình, Long Hưng, An Hòa thuộc thị xã Biên Hòa. Các đơn vị vũ trang đánh, chiếm giữ cầu Ghềnh, cầu Rạch Cát. Địch chống trả rất quyết liệt, các chiến sỹ đặc công giành giật từng tấc đất, bị nhiều thiệt hại nhưng đã hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm đường tiến công của bộ đội chủ lực.

Đại tá Vũ Văn Điền chia sẻ, quân chủ lực đánh tới đâu thì người dân, du kích và lực lượng địa phương phối hợp tới đó: "Đánh vào Sài Gòn ác liệt nhất là cầu Rạch Chiếc, anh em hy sinh rất nhiều. Trước đó một tuần lễ, giữ cho được cây cầu để cho Quân đoàn, xe tăng xuống. Một phần chiến thắng cũng nhờ đơn vị địa phương dẫn đường. Chúng tôi không tham gia trận cụ thể mà phối hợp với các đơn vị".

Tiếp nối thành quả cách mạng

Lực lượng chủ lực của ta trên hướng Đông Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhờ có sự đóng góp rất lớn của nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương. Thiếu tướng Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cho biết, khi Sư đoàn 304 của Quân đoàn 2 đánh vào căn cứ Nước Trong, có hơn 300 cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh. Khi đánh vào cầu Rạch Chiếc thì lực lượng biệt động và đặc công của ta hy sinh hơn 100 người để giữ được cầu, tạo điều kiện cho Quân đoàn 2 tiến công.

Chiến thắng đi vào lịch sử đã được ghi nhận và để lại nhiều giá trị to lớn cho các thế hệ tiếp nối. Theo Thiếu tướng Vũ Quang Đạo, vấn đề đặt ra trong thời bình là bảo vệ thành quả cách mạng và xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Thế hệ tiếp nối phải phát huy truyền thống, tranh thủ thời cơ, thuận lợi với tư cách một đất nước Việt Nam độc lập trong mắt bạn bè quốc tế để vươn tầm dân tộc, xứng đáng với truyền thống của cha ông.

Thiếu tướng Vũ Quang Đạo cho biết: "Từ sau năm 1975 đến nay, chúng ta đã khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định tình hình kinh tế xã hội. Trong quá trình đó, chúng ta vẫn luôn đặt lên hàng đầu tư duy đổi mới đầu tiên là tư duy kinh tế và làm kinh tế. Đây là vấn đề quan trọng mà từ Đại hội VI của Đảng đã chỉ rõ. Lớp thanh niên của chúng ta đã thực hiện đúng mong ước của Đảng và toàn dân, đó là làm đất nước ta ngày càng hùng cường hơn".

Hướng Đông Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh đã góp phần to lớn tạo nên thắng lợi chung của các mũi tiến công khác, tạo thành chiến thắng vĩ đại của cả dân tộc, kết thúc vẻ vang sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thắng lợi này cũng để lại nhiều bài học quý giá cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta về sự nghiệp cách mạng, trong đó có thế hệ thanh niên, để cùng tiếp tục gìn giữ và phát huy, xây dựng Tổ quốc trong thời đại mới./.

Duy Phương/VOV-TP HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/mui-tien-cong-huong-dong-nam-trong-chien-thang-304-lich-su-853831.vov