Mũi Né là điểm đến độc đáo, bất ngờ và mang đến trải nghiệm đẳng cấp thế giới

Ứng dụng du lịch Booking.com có trụ sở tại Hà Lan vừa công bố danh sách các điểm đến độc đáo, gây bất ngờ, mang đến những trải nghiệm đẳng cấp thế giới trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Bãi biển Mũi Né luôn thu hút được đông đảo du khách.

Trong đó, Mũi Né (Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) của Việt Nam cùng với Ella (Sri Lanka), Jozankei (Nhật Bản), Krabi (Thái Lan) và Don Det (Lào) lọt vào top 5 của danh sách này.

Từ dải bờ biển hoang sơ với đồi cát hồng chập trùng như sa mạc, nằm xa đường giao thông, dân cư chỉ lác đác vài xóm chài nghèo, giờ đây Mũi Né mọc lên cả trăm resort cao cấp và Mũi Né trở thành một địa chỉ du lịch sinh thái biển thơ mộng, hấp dẫn nhất của Bình Thuận.

Điều thật thú vị ở Mũi Né là mảnh đất cát nhô ra biển đã tạo cho Mũi Né có hai dải bờ biển uốn cong như hai vịnh tuyệt đẹp, người dân địa phương gọi là bãi trước và bãi sau. Những ngày sóng to, gió lớn tàu thuyền xuôi ngược trên biển qua khu vực này đều phải ghé vào đất mũi để né tránh thiên tai, trốn giông bão. Vì thế, từ xa xưa mảnh đất này có tên Mũi Né là vậy.

Mũi Né có nhiều dịch vụ giúp du khách trải nghiệm du lịch độc đáo.

Bãi sau (vịnh hòn Rơm) khá yên tĩnh, sóng vỗ nhẹ, nước trong xanh và không có đá ngầm nên phù hợp với các hoạt động vui chơi nhẹ, tắm biển, dạo bộ, chơi thể thao lướt ván buồm và đốt lửa trại ban đêm. Từ sau khi có sự kiện "nhật thực toàn phần", du khách kéo đến đông đảo, bãi sau Mũi Né mới được đánh thức, lột xác hoàn toàn, đường giao thông ven biển mở ra các nhà đầu tư du lịch đến khai thác vẻ đẹp vịnh hòn Rơm.

Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né đã hướng tới trở thành điểm đến hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo nội dung Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né, diện tích lập quy hoạch là 14.760 ha gồm khu vực TP. Phan Thiết khoảng 6.625 ha, khu vực huyện Bắc Bình là 7.165 ha và khu vực huyện Tuy Phong khoảng 970 ha… Việc quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né cũng hướng đến chức năng hình thành trung tâm du lịch gắn với phát triển đô thị tại khu vực với động lực phát triển chính là du lịch.

Suối Tiên là điểm đến không thể bỏ qua khi đến Phan Thiết.

Đối với định hướng phát triển các khu chức năng trong ranh giới quy hoạch, có 4 phân khu, trong đó Khu đô thị du lịch Phú Hài - Hàm Tiến (quy mô diện tích hơn 1.900 ha) với tính chất là trung tâm dịch vụ thương mại, tài chính, chăm sóc sức khỏe, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao biển quốc gia, đẳng cấp quốc tế. Vì vậy phân khu này sẽ hướng đến khai thác lợi thế phát triển các khu đô thị gắn với dịch vụ du lịch, thể thao, vui chơi giải trí, tài chính, ngân hàng... Trong khi Khu đô thị du lịch Mũi Né - Du lịch nghỉ dưỡng ven biển Nam Hồng Phong (diện tích gần 5.300 ha) được định hướng với tính chất là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao biển quốc gia, đẳng cấp quốc tế.

Với Khu trung tâm đô thị Hòa Thắng (khoảng hơn 6.125 ha) có chức năng là khu vực bảo vệ và phát huy giá trị danh thắng Bàu Trắng và các khu vực có cảnh quan tự nhiên đặc trưng “đồi cát”, sa mạc giữa lòng đô thị. Đây cũng là khu vực được định hướng phát triển đô thị du lịch mới, tập trung phát triển những tổ hợp khu đô thị du lịch đa năng gắn với sản phẩm du lịch cao cấp, độc đáo mà đặc biệt là nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí…

Còn Khu đô thị dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng ven biển Phan Rí Cửa (diện tích quy hoạch khoảng hơn 1.430 ha) có tính chất như khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng, là khu vực phát triển mới của thị trấn Phan Rí Cửa và ưu tiên hình thành các viện nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, phục vụ du khách lưu trú dài hạn. Nơi đây được định hướng trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, công nghiệp khai thác chế biến thủy hải sản, dịch vụ, du lịch có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Bắc Bình Thuận.

Khu du lịch quốc gia Mũi Né sở hữu 16 tài nguyên văn hóa vật thể, trong đó có 3 di tích, danh thắng quốc gia (mộ Nguyễn Thông, di tích tháp Pô Sah Inư, Bàu Trắng); 4 di tích danh thắng cấp tỉnh (Suối Tiên, di tích lịch sử - văn hóa đình làng Khánh Thiện, di tích lịch sử - văn hóa vạn Thạch Long, Đồi cát bay Mũi Né); 9 cơ sở tín ngưỡng tôn giáo chưa được xếp hạng di tích (vạn Phú Bình, chùa Bửu Sơn, chùa Tứ Bang, chùa Khánh An, chùa Hải Quang, vạn Bình An, chùa Linh Lang, chùa Giác Hải, đình làng Thiện Khánh).

Ngoài 7 tài nguyên văn hóa vật thể đã được xếp hạng quốc gia và cấp tỉnh, địa phương đã đưa thêm 7 tài nguyên văn hóa phi vật thể đưa vào phục vụ du lịch trong Khu du lịch quốc gia Mũi Né là: Lễ hội Ka-tê tại tháp Pô Sah Inư; Lễ Tế xuân, Tế thu ở các đình làng; Lễ Cầu ngư ở các lăng, vạn; chèo Bả trạo ở các lăng, vạn; Lễ Phật đản, Vu lan ở các chùa.

Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện dấu tích văn hóa Sa Huỳnh tại Mũi Né. Cụ thể, ngày 27/2/2024, Bảo tàng tỉnh Bình Thuận nhận được thông tin báo của người dân ở khu vực động cát thuộc khu phố Suối Nước, phường Mũi Né (TP. Phan Thiết) trong lúc làm vườn tình cờ phát hiện một số dấu tích có mảnh gốm, công cụ đá nghi đó là đồ xưa.

Bàu Trắng là điểm du lịch nổi tiếng của Phan Thiết.

Qua kiểm tra xác nhận có nhiều mảnh gốm thô, mịn vỡ ra từ những vật dụng như: hũ, mộ nồi, bát bồng; có cả bàn mài, cùng với nhiều vỏ sò ốc hóa vôi xưa trong tầng văn hóa; phạm vi ảnh hưởng trong bán kính 500m2, có nhiều cồn cát nguyên sơ.

Bước đầu xác định đây là dấu tích thuộc văn hóa Sa Huỳnh, có niên đại cách ngày nay 2.500 – 3.000 năm, tầng văn hóa tương đối dày, có khả năng đào thăm dò khảo cổ để nghiên cứu và tiến tới khai quật khảo cổ học. Việc phát hiện này đánh dấu khu vực Mũi Né lần đầu tiên phát hiện dấu tích văn hóa Sa Huỳnh.

Như Ngọc

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/du-khao/mui-ne-la-diem-den-doc-dao-bat-ngo-va-mang-den-trai-nghiem-dang-cap-the-gioi-c14a71512.html