Mục tiêu cho chặng đường dài

“Luôn luôn ở ngôi đầu bao giờ cũng là điều lý tưởng. Nhưng đôi lúc cũng phải có khoảng dừng để tính mục tiêu cho chặng đường dài” - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao Hà Nội) Nguyễn Văn Nhật chia sẻ như vậy khi nói về hành trình của Đội bóng đá nữ Hà Nội tại Giải Bóng đá nữ vô địch quốc gia - Cúp Thái Sơn Bắc năm 2017.

Các cầu thủ Hà Nội (áo đỏ) thi đấu tại Giải Bóng đá nữ vô địch quốc gia năm 2017.

Sau lượt đi, Giải Bóng đá nữ vô địch quốc gia - Cúp Thái Sơn Bắc năm 2017, Đội bóng đá nữ Hà Nội 1 xếp ở vị trí thứ tư với 14 điểm sau 7 trận đấu, sau nhà đương kim vô địch TP Hồ Chí Minh (xếp thứ nhất với 18 điểm), Phong Phú Hà Nam (thứ nhì, 16 điểm), Than khoáng sản Việt Nam (14 điểm). Đấy không phải là vị trí quen thuộc đối với một đội bóng giàu truyền thống như Hà Nội 1. Nhưng với người trong cuộc, vị trí đó không hẳn là bất ngờ bởi đội bóng đang ở trong giai đoạn chuyển giao lực lượng và các trụ cột của đội liên tiếp gặp chấn thương.

Trước giải năm nay, tiền đạo trụ cột Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Quả bóng vàng nữ Việt Nam năm 2015 đã chia tay sân cỏ. Không dễ thay thế vị trí của Nguyễn Thị Minh Nguyệt bởi tài năng và tầm ảnh hưởng của cô quá lớn. Thực tế, trong suốt giai đoạn lượt đi của mùa giải năm nay, Đội Hà Nội 1 chưa thể tìm ra người thay thế hoàn hảo đối với vị trí của Minh Nguyệt. Rồi ngay khi đội bóng vào TP Hồ Chí Minh để chuẩn bị cho lượt đi Giải Bóng đá nữ vô địch quốc gia - Cúp Thái Sơn Bắc năm 2017, hậu vệ trụ cột Nguyễn Thị Hòa (từng nhiều năm khoác áo đội tuyển quốc gia) bị đau dây chằng và buộc phải phẫu thuật.

Đến hai trận đấu cuối cùng của lượt đi - gặp Đội TP Hồ Chí Minh (thua 1-2) và Đội Than khoáng sản Việt Nam (hòa 0-0), hai trụ cột khác là Nguyễn Thị Muôn và Nguyễn Thị Xuyến cùng bị đau, do vậy ban huấn luyện không dám mạo hiểm sử dụng, một phần cũng vì không muốn cả hai lỡ cơ hội tham dự SEA Games 29 năm 2017 - cũng có thể là kỳ SEA Games cuối trong sự nghiệp thi đấu đỉnh cao của họ.

Đây có lẽ là mùa giải đầu tiên trong nhiều năm mà Hà Nội 1 sử dụng nhiều cầu thủ trẻ đến vậy. Lứa cầu thủ sinh năm 1995-1996 được sử dụng nhiều hơn hẳn mùa trước để tích lũy kinh nghiệm nhằm chuẩn bị cho các mục tiêu lâu dài như giành chức vô địch Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc năm 2018 (tại Hà Nội) cũng như các giải vô địch quốc gia kể từ năm 2019 trở đi.

Năm 2016, cũng vì “khát” chức vô địch nên Hà Nội 1 đã dựa vào rất nhiều cầu thủ giàu kinh nghiệm trong khi lớp trẻ (từng vô địch Giải U19 nữ quốc gia) ít có cơ hội vào sân. Cuối cùng, mục tiêu vô địch không đạt được mà lứa cầu thủ trẻ cũng không tích lũy được đủ kinh nghiệm thi đấu để có thể trưởng thành nhanh hơn về chuyên môn trong mùa giải sau.

Đó là bài học lớn, nên ở mùa giải này ban huấn luyện đã sử dụng nhiều cầu thủ trẻ hơn. Cũng có sự hẫng hụt nhất định ở lứa trẻ khi thi đấu ở Giải vô địch quốc gia, thành tích không cao nhưng những người có trách nhiệm chấp nhận và coi đó là “học phí” để có thêm những “sàng khôn”. Họ nói thẳng rằng, hiện tại lực lượng của Đội Hà Nội 1 không đồng đều, không mạnh bằng đội đương kim vô địch quốc gia là TP Hồ Chí Minh, nhưng chỉ cần được cọ xát nhiều hơn, lứa trẻ của Hà Nội sẽ bắt kịp và sớm lấy lại ngôi đầu quen thuộc.

Một trong những lý do khiến Đội Hà Nội 1 mạnh dạn sử dụng cầu thủ trẻ là Điều lệ Giải vô địch quốc gia không tính ngôi thứ thông qua thi đấu vòng tròn, mà sẽ lấy 4 đội đứng đầu sau vòng loại để đấu chéo, tranh vé vào chung kết. Năm 2016, Đội TP Hồ Chí Minh từng xếp ở vị trí thứ ba vòng loại nhưng sau đó đã giành chức vô địch. Vì vậy, vị trí thứ tư hiện nay của Hà Nội 1 không phải là vấn đề nghiêm trọng. Quan trọng là những người có trách nhiệm kiên định với cách làm của mình để hướng tới mục tiêu lâu dài.

Minh An

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/V-League/871910/muc-tieu-cho-chang-duong-dai