Mục đích và cách làm

Thanh Văn

(Cadn.com.vn) - Cuộc khủng hoảng Syria đang trở thành cái cớ để Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia vùng Vịnh, vốn do Saudi Arabia dẫn đầu, tiếp tục các hoạt động phối hợp nhằm mục đích “hất cẳng” Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Thủ đô Riyadh của Saudi Arabia gần đây chứng kiến cuộc họp quan trọng chính thức giữa Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ và các đối tác trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) để phối hợp lập trường và huy động hỗ trợ cho các đề nghị của Saudi Arabia và Qatar trình lên HĐBA LHQ nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng Syria. Cuộc họp diễn ra chỉ một vài ngày trước khi hội nghị quốc tế về Syria tổ chức tại Lausanne, Thụy Sĩ (diễn ra hôm 16-10) do Mỹ và Nga bảo trợ. Hội nghị này thu hút sự tham dự của ngoại trưởng các nước trong khu vực then chốt bao gồm Ai Cập, Iran và Iraq.

Kể từ khi bùng nổ chiến tranh hồi tháng 3-2011, cuộc khủng hoảng Syria cướp đi sinh mạng của khoảng 500.000 người và khiến hơn 10 triệu người phải di dời. Mặc dù tất cả các bên liên quan đến vấn đề Syria đều cho rằng cần có một giải pháp hòa bình và chính trị cho cuộc khủng hoảng đẫm máu kéo dài này nhưng cả Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia vùng Vịnh vẫn đặt ra nguyên tắc “bất di bất dịch” đối với sự hiện diện của Tổng thống Assad trong tương lai Syria.

Ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ và Vùng Vịnh là tương tự và gần như giống hệt nhau. Saudi Arabia cho rằng, “Tổng thống Assad không thể có chỗ đứng trong tương lai của Syria”, quan điểm vốn được Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia Vùng Vịnh khác ủng hộ. Trong khi cách tiếp cận của các quốc gia Vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ về cuộc xung đột Syria là quan tâm nhiều hơn đến việc ông Assad phải từ chức, Nga và các nước lớn khác trong khu vực như Ai Cập và Iran lại không đồng ý về điều này.

Nhưng mối quan hệ căng thẳng với Iran khiến các nước vùng Vịnh tiến gần hơn đến Thổ Nhĩ Kỳ. Ai Cập gần đây đưa ra 2 dự thảo nghị quyết lên bàn HĐBA LHQ về vấn đề cứu trợ cho Syria, đặc biệt là ở Aleppo, nhưng cả hai đã không được cơ quan quyền lực nhất thế giới này chấp thuận thông qua. Một dự thảo do Nga đề xuất không nhận đủ số phiếu cần thiết do Pháp-Tây Ban Nha phủ quyết. Vì vậy, có thể thấy, chừng nào chưa thể hóa giải khúc mắc về số phận Tổng thống Assad, tất cả các bên liên quan trong vấn đề Syria không thể tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng kéo dài này.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_156256_mu-c-di-ch-va-ca-ch-la-m.aspx