Mùa xuân trong thơ Quảng Bình đương đại

Muân đến, xuân đi, xuân lại lại', nhưng xuân không bao giờ cũ! Trong trái tim của các nhà thơ, mùa xuân mãi mãi dạt dào, tươi mới. Cảnh sắc thiên nhiên là hình ảnh chủ đạo trong các bài thơ viết về mùa xuân nhưng tùy theo từng thời kỳ lịch sử, hoàn cảnh xã hội và cảm xúc cá nhân, mỗi tác giả gọi mùa bằng những gương mặt khác nhau.

Thời kỳ Thơ mới, mùa xuân trong tác phẩm các nhà thơ Quảng Bình mang vẻ đẹp đa chiều, đậm dấu ấn cảm xúc cá nhân. Xuân mộng ảo, siêu thực: “Lẵng xuân/Bờ giũ trái xuân sa/Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà/Nhài đàn rót nguyệt vú đôi thơm/Tỳ bà sương cũ đựng rừng xa…” (Buồn xưa-Nguyễn Xuân Sanh). Xuân đau đáu niềm nhớ: “Tôi nhớ me tôi thuở thiếu thời/Lúc người còn sống tôi lên mười/Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội/Áo đỏ người đưa trước giậu phơi” (Nắng mới-Lưu Trọng Lư).

Những năm kháng chiến chống Pháp, thơ vượt thoát cái tôi, mùa xuân hiện lên trong các tác phẩm thơ Quảng Bình cụ thể, rõ ràng bởi những tinh thần chiến đấu và những chiến công lừng lẫy: “Ngày nay, Troóc giặc tàn/Hà Lời, Cổ Giang giặc chạy/Cả hệ thống lũy đồn miền Tây tan một dãy/Dòng sông Son trở lại màu xanh/Bố Trạch sáng tươi trong chiến dịch mùa xuân/Tình giải phóng đẹp màu dâu, lúa biếc…” (Qua Bố Trạch-Xuân Hoàng).

Âm hưởng này tiếp tục được các nhà thơ Quảng Bình đưa vào tác phẩm thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đối mặt với bom đạn quân thù, giữa ngổn ngang đổ nát vẫn son sắt niềm tin về một ngày mai tươi xanh: “Giặc Mỹ dội bom xuống ngôi nhà của chị/Chỗ cây cau kê vại nước ngọt giờ thành hố bom/Nơi góc sân lũ trẻ chơi ô quan xoáy sâu một chùm rốc két/Một bức tường vỡ đôi nồng khét/ Một bức tường vỡ đôi/Mùa xuân đã lên xanh dây bầu dây bí/Từng vòi hoa níu chặt vôi tường…” (Một bức tường vỡ đôi-Trần Nhật Thu).

Hình ảnh quê hương Quảng Bình giữa mùa xuân đánh giặc đi vào thơ vừa yêu thương, vừa sống động bởi những người con gái thanh tân gan dạ: “Gió nhẹ đang về, nắng ấm vào xuân/Đường lại mở từng hàng tiêu rực trắng/Em gái quê hương áo màu xanh đậm/Ngày nắng đêm mưa giữa ngã ba đường” (Ngôi sao giữa ngã ba-Thúc Hoàng). Dũng cảm và can trường, niềm tin và hy vọng, bản lĩnh vượt qua mưa bom, bão đạn của quân thù, họ đã mang về những mùa xuân tươi xanh cho Tổ quốc.

Sau ngày đất nước thống nhất, thơ xuân là khúc tấu ca hào sảng và phơi phới những dự ước tương lai tươi đẹp. Nhà thơ Lưu Trọng Lư đồng hành cùng thơ ca Việt Nam từ phong trào Thơ mới, đi qua hai cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc hồ hởi cất lên những dòng thơ rộn rã tươi vui: “Em ơi vút lên một tiếng đàn/Kìa đàn đã so dây, cung đàn đã lựa phím/ Đất nước mình xôn xao mùa vui đang nở rộ, bình minh chiến thắng reo ca,/Xuân về non nước bao la, mầm sống ta ươm giữa đời/Tay anh bưng ngọn đèn/ em che ngọn gió/Anh nâng mầm trổ, em trút nắng vàng./Đường vui nay bước thênh thang,/Tâm hồn lộng gió em ơi/Xây đẹp mộng ước tương lai/Em ơi vút lên một tiếng đàn.” (Cung đàn mùa xuân-Lưu Trọng Lư).

Minh họa: M.V

Bài thơ đã được nhạc sĩ Cao Việt Bách phổ nhạc thành ca khúc cùng tên. Chỉ trong một thời gian ngắn, ca khúc được công chúng cả nước yêu thích bởi giai điệu và ca từ đầy lạc quan, yêu cuộc sống. Cho đến hôm nay, ca khúc này vẫn tạo cảm giác phấn khích cho chúng ta mỗi khi được nghe lại.

Đặc biệt, kể từ thời điểm đất nước bước sang thời kỳ đổi mới, dáng xuân, hồn xuân trong thơ Quảng Bình có những chuyển biến khác biệt. Mùa xuân được dệt nên bởi nhãn quan hiện đại hơn, phóng khoáng hơn. Nếu thơ xuân xưa nay sử dụng hình ảnh cỏ cây đâm chồi nảy lộc, muôn hoa khoe sắc, lễ hội tưng bừng làm mô típ chủ đạo, sau đó xen cài gửi gắm tâm trạng của tác giả, thì thơ xuân đương đại có hướng triển khai trực diện và tạo hiệu ứng cảm xúc mạnh mẽ với người đọc.

Cố nhà thơ Hải Kỳ với bài thơ “Mưa xuân” đã bày tỏ một góc nhìn mới về mùa xuân. Xuân hiện lên trong thơ không còn mang vẻ đẹp dịu mềm, khép nép thường thấy mà mãn nhãn phô bày, căng đầy sức sống: “Huyền ảo đang thì xuân phố núi/Chồi hoa vườn nhỏ búp căng đầy/Long lanh sợi mưa mềm như lụa/Tay trắng như ngà má đỏ hây/Ngẩn ngơ vườn xuân ta lạc bước/Mưa xuân giăng mắc lối đi về…” (Mưa xuân-Hải Kỳ).

Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật cũng không ngại ngần giải bày mê đắm trước mùa xuân, tự nguyện “bị” hồn xuân quyến rũ mãnh liệt theo một cách rất riêng, kỳ lạ kiểu như ông vẫn tự giả lơ để mình trôi đi theo một bóng hồng nào ấy trong đời: “Mùa xuân thật kỳ lạ/như thiếu nữ dậy thì/ngàn chồi non cánh mở/mang hồn tôi bay đi” (Cây bàng bình thản-Hoàng Vũ Thuật). Ngắn gọn, cô đọng mà nói lên được hấp lực quyến rũ của mùa, vừa gửi gắm trọn vẹn tiếng lòng tác giả.

Các nhà thơ Quảng Bình hiện nay đã tự tin vượt ra khỏi lối mòn sáng tạo truyền thống. Mỗi người một cá tính, một cảm xúc riêng khác nên không gian bức tranh xuân trở nên đa sắc, đa nghĩa và giàu thông điệp. Tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa khi đang xuân lắng sâu mà mãnh liệt: “Ta tìm về Nhật Lệ lối xuân em/Tìm môi thắm trong trúc đào đua nở/Tìm giọng nói trong thì thào tiếng gió/Tìm mắt cười trong sóng mắt lân tinh/Ta tìm về Nhật Lệ lối xuân anh/Nơi say đắm dại khờ hoa muống biển/Nơi sạt lở những khúc kè hoài niệm/Nơi bâng khuâng trầm mặc trường thành” (Về Nhật Lệ-Hoàng Bình Trọng)

. Nhà thơ Thái Hải lại có những xúc cảm khác khi bâng khuâng giữa mùa xuân quê hương. Chứng kiến Đồng Hới đi qua chiến tranh, đi qua những tháng ngày đơn độc hậu chiến và khi phố hồi sinh trên những nền đất cũ, Đồng Hới vẫn vẹn nguyên cốt cách “Hai mươi lăm năm/sáng xuân nay/Đồng Hới trong tôi vẹn nguyên trầm mặc/Đi trên nền phố cũ/Nghe bâng khuâng nhịp đập trái tim mình”.

Mùa xuân đến rồi đi, cũ và mới nhưng tồn tại vĩnh cửu trong vũ trụ này. Cũng như tình yêu hiện diện muôn đời trong nhân sinh này. Vậy nên trong thơ xuân có bóng của tình yêu. Lời gửi xuân là câu nhắn tình nhân: “Đêm dài lanh lảnh tiếng xuân/một ta với một tình nhân vô thường/nhặt bông hoa dại ven đường/nghe như có cả mùi hương dại khờ” (Tình nhân-Đỗ Thành Đồng); sức sống vĩnh cửu của mùa xuân chứng thực cho tình yêu muôn năm son sắt: “Mùa xuân đến không lá vàng ở lại/Em ấp thơ vào ngực trước nhành mai/Giếng nước trong chẳng cạn lòng con gái/Để suốt đời yêu dấu chẳng mờ phai” (Tôi vẫn tin-Nguyễn Thiên Sơn).

Thơ xuân đương đại của các nhà thơ Quảng Bình khát vọng và tin yêu, bung xõa và trải bày, nồng nàn và say đắm: “Ai hát bài ca trên nỗi nhớ dịu dàng/Mùa xuân quá hoang côi lặng thầm đi ngoài cửa Chiều chênh vênh đưa người ra cuối ngõ/Chia tay rồi mắt không dám nhìn nhau” (Thì thầm xuân-Lê Thị Mỹ Ý).

Xuân mộng mơ, xuân yêu kiều, xuân đắm say nhưng xuân cũng gợi nhiều trăn trở nhân tình thế thái. Nhà giáo, nhà thơ Phan Văn Chương nhìn ngắm mùa với nhiều suy tư. Ông xác thực mùa xuân của cuộc đời mình bằng những chiêm nghiệm sâu sắc về thời cuộc “Ma lực thặng dư mùa xuân sông ai mắt đuối/xanh vuốt bờ mi/người đời bon chen thặng dư kinh tế/tôi gạn lọc giá trị thặng dư mùa xuân/ai nghèo/ai giàu/tôi nhận ra giá trị thặng dư mùa xuân/những giờ lên lớp” (Thặng dư mùa xuân).

Mùa xuân trong thơ các tác giả Quảng Bình ở mỗi thời kỳ có một dấu ấn khác nhau nhưng tất cả đều đậm đà ý nghĩa nhân văn sâu sắc và giàu mỹ cảm. Hồn xuân-dáng xuân-sức xuân-tiếng xuân bước vào thơ là kết tinh tương hợp giữa nhân quần với thiên nhiên. Xuân trở nên lộng lẫy, hồn phách. Thơ xuân cũng trở nên đọng và thấm!

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202402/mua-xuan-trong-tho-quang-binh-duong-dai-2215838/