Mùa xuân năm ấy Bác về

Mùa xuân năm 1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với các đồng chí Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Thế An, Đặng Văn Cáp, Hoàng Văn Lộc vượt qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc ở khu vực mốc 108 để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. 80 mùa xuân đã qua, những thanh niên dân tộc Tày, Nùng năm ấy kề cận bên Bác đều đã chạm ngưỡng 'bách niên lão thực', vẫn rưng rưng khi nhắc lại chuyện xưa.

Bà Hoàng Thị Khìn, người chiến sĩ liên lạc của Bác Hồ ở căn cứ cách mạng Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Phạm Vân Anh

Đầu xuân, gió vùng biên Hà Quảng, Cao Bằng hây hẩy như sơn nữ e ấp dưới nếp sàn, những khóm tre xanh biếc tạc nên nền trời bồng bềnh mây trắng. Rồi mây lại in hình trên suối Lê Nin miên man lục thủy, rì rầm ôm lấy bao xóm làng bình dị trong thung lũng. Người bạn đi cùng chúng tôi đọc những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu viết về sự kiện năm ấy: “Ôi sáng xuân nay, Xuân 41/ Trắng rừng biên giới nở hoa mơ/ Bác về... Im lặng. Con chim hót/ Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ...” (Theo chân Bác).

Trong ngôi nhà sàn kiên cố nằm cách Khu di tích Pắc Bó chỉ vài trăm mét, bà Hoàng Thị Khìn, 95 tuổi, chỉ tay về phía Bắc, chậm rãi bảo, trên ấy là cột mốc 108 ngày xưa già Thu về nước, nhân dân Trường Hà chúng tôi luôn bảo vệ vẹn toàn. Trong câu chuyện của mình, bà Khìn lúc thì gọi Bác Hồ, lúc lại nhắc già Thu, khi thì gọi là ông Ké... Bởi ấn tượng đầu tiên của cô bé Khìn 12 tuổi năm xưa về Bác Hồ là một ông Ké người Nùng có vóc người thanh mảnh, giọng nói trầm ấm và đôi mắt sáng được pá mình (cha của bà Hoàng Thị Khìn, là cụ Hoàng Quốc Long) đón về từ bên kia biên giới.

Bà Khìn kể: “Mấy ngày giáp Tết, trời lạnh buốt, pá không ở nhà mà bảo chị em Khìn nắm cơm để cùng những người bạn tồng (anh em kết nghĩa - là các đồng chí Lê Quảng Ba, Hoàng Tô, Hoàng Sâm) lên đỉnh Trường Hà đón “thượng cấp” từ Trung Quốc trở về. Người “thượng cấp” ấy được bố trí ăn nghỉ trong hang sâu dưới chân núi Phja Tào, giáp với suối Giàng. Sau này, ngọn núi được Người đặt tên là núi Các Mác, còn suối Giàng thì được gọi là suối Lê Nin”.

Qua mấy ngày Tết, để quân Pháp không nghi ngờ, Khìn cùng chị Hoa thay pá đi đưa cơm cho già Thu. Thấy Khìn nhỏ xíu, già Thu hỏi: “Bé bằng này thì có dám đánh Nhật, đánh Tây được không?”. Cô bé khảng khái đáp lời: “Thưa già, đánh được ạ”. Già Thu tặng hai chị em cuốn sách “Việt Minh ngũ tự kinh” và dặn: “Các cháu nhớ học chữ để đọc hiểu cuốn sách này. Hiểu biết rộng để làm cách mạng, sau này đứng lên giành độc lập, tự do thì Bác mới trả được hết công lao các cháu”.

Về kể lại với pá, Khìn cùng chị Hoa được pá ủng hộ đi theo cách mạng nên vô cùng phấn chấn. Ban ngày, lúc lên nương, khi vào rừng kiếm củi, hai chị em vận động bà con tham gia các hội đoàn cứu quốc và đóng góp lương thực, củi, muối nuôi cán bộ. Buổi tối, hai chị em cùng dân làng đi học chữ và nghe già Thu giảng bài về con đường làm cách mạng, giải phóng dân tộc khỏi áp bức, bóc lột. Châu Hà Quảng và nhiều châu khác một lòng theo Việt Minh, bảo vệ cán bộ cách mạng, tránh được nhiều trận truy quét của địch.

Lớn hơn một chút, Hoàng Thị Khìn tham gia Hội Phụ nữ cứu quốc và làm liên lạc cho Bác Hồ. “Tôi thuộc tổ dân quân tự vệ tập 121 ở trên đồi Cò Giặt, cất giữ súng đạn xong rồi vận chuyển lương thực vào hang. Các điểm để súng đạn ở đâu là tôi biết hết. Địch vào thì tôi nói to “con lợn vào vườn, con lợn ăn rau” để già Thu và các chú lánh vào rừng. Và mỗi lần như thế, tôi sẽ chuyển cơm từ đây đi đến chỗ Cầu Mãng, Thủy Điệp để tránh tai mắt địch. Mãi cho tới tháng 5 năm 1945, già Thu về Tân Trào, tôi vẫn ở lại để hoạt động tại quê nhà” - cụ Khìn kể.

Từ Hà Quảng, chúng tôi xuôi Bắc Kạn về thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Đại tá Hoàng Long Xuyên, nguyên Đội trưởng Đội du kích Hòa An - Cao Bằng, nguyên Giám đốc Công an Khu tự trị Việt Bắc đón chúng tôi như người thân. Không gian dìu dặt tiếng chim câu như thể hòa chung nét thanh mộc, thiện lành của người cán bộ lão thành đã bước sang mùa xuân thứ 104 của cuộc đời. Sinh năm 1917 tại Cao Bằng, Đại tá Hoàng Long Xuyên tham gia cách mạng từ rất sớm.

Ông kể: Gia đình ông ngày xưa nghèo lắm, dân bản bị cường hào và thổ ty áp bức đến mức nhiều người phải bỏ lên rừng. Năm 17 tuổi, ông đi theo cách mạng và hoạt động tại vùng rừng Hòa An, Hà Quảng, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Hoàng Sâm. Tháng 1 năm 1941, ông được các chú cho biết là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về để trực tiếp lãnh đạo phong trào. Ai cũng háo hức mong được gặp Người. Và thật may mắn là khi đó, theo Chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, một số cán bộ, đảng viên được cử đi học tập quân sự ở Trường Quân sự Quảng Tây của chính quyền Tưởng Giới Thạch: Ông Hoàng Long Xuyên cùng các đồng chí Hoàng Văn Thái, Thanh Phong, Hoàng Minh Thảo, Đàm Quang Trung, Trương Văn Quyền... là những thanh niên ưu tú được lựa chọn đi học.

“Hôm hội quân tại hang Pắc Bó để được Bác Hồ giao nhiệm vụ và bác Giáp nói chuyện về tình hình cách mạng Trung Quốc, mọi người vừa tự hào, vừa lo lắng... Bác Hồ khi ấy rất gầy, mặc bộ áo nâu và khoác bên ngoài một chiếc áo bông đã sờn. Đang ngồi đọc sách bên bàn đá, thấy mấy người bước vào, Bác cười thật ấm áp rồi đứng dậy đón. Buổi sáng hôm ấy, cả đội thanh niên quây quần bên Bác, nghe Bác nói nhiều điều về chủ nghĩa cộng sản, về tinh thần vô sản thế giới liên hiệp lại. Rồi Bác dặn, các cháu phải học tập sử dụng thành thạo tất cả các loại vũ khí của quân đồng minh, của cả đối phương nữa... sẽ đến lúc mình phải sử dụng tới. Chúng tôi đã lên đường vượt biên giới, nỗ lực học tập suốt 3 năm trên đất bạn cùng với lời dặn dò của Bác” - Đại tá Hoàng Long Xuyên kể.

Bức phù điêu tái hiện hành trình Bác Hồ cùng các đồng chí cán bộ cách mạng về nước năm 1941. Ảnh: Phạm Vân Anh

Đứng bên mốc 108 đã rêu phong và có nhiều dấu vết thời gian xâm thực, lưng lửng con đường dẫn lên cột mốc phía Trung Quốc, điều khiến chúng tôi bất ngờ khi thấy một ngôi đình khá to đang được hoàn thiện có biển đề “Đình Hồ Chí Minh”. Sân đình có bức phù điêu đá được những người thợ lành nghề chế tác thành bức tranh mô tả hình ảnh ngày Bác Hồ cùng các đồng chí về nước. Dòng chữ bằng tiếng Việt đục ngay ngắn: “Năm 1911, Hồ Chí Minh rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Ngày 28 tháng 1 năm 1941, Hồ Chí Minh và những chiến hữu của Người từ cột mốc biên giới số 108 về nước”.

Thế mới biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ kiệt xuất, là người cha kính yêu của muôn triệu người dân Việt Nam, mà còn là danh nhân văn hóa được bạn bè năm châu kính ngưỡng. Hành trình mùa xuân năm ấy của Người trải qua muôn vàn khó khăn, nguy hiểm, nhưng mãi mãi trường tồn cùng non nước, mang lại hơn 80 mùa xuân no ấm, độc lập và tự chủ cho dân tộc.

Phạm Vân Anh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/mua-xuan-nam-ay-bac-ve-post437004.html