Bỏ rác... chạy lấy người

Đó là trường hợp khoảng 8.000 container phế liệu gồm nhựa, giấy, máy móc thiết bị… nhập về cảng Cát Lái (TPHCM) đang bị tồn đọng, trong đó có đến 1/3 số container đã được nhập về hơn 90 ngày nhưng chưa có doanh nghiệp (DN) nào đến nhận hay làm thủ tục thông quan.

Cảng Cát Lái. Ảnh: Vnexpress.net.

Theo cơ quan chức năng, hầu hết những container phế liệu này về Việt Nam theo dạng tạm nhập tái xuất sang Trung Quốc. Song do gần đây Trung Quốc dừng nhập khẩu và thậm chí cấm nhập khẩu một số loại phế liệu, khiến cho hàng nghìn container rác này tồn đọng ở cảng Cát Lái của Việt Nam.

Xuất đi không xong, còn làm thủ tục thông quan thì khả năng 5/5 (có thể được và không được vì một số loại phế liệu bị cấm nhập, hoặc container chứa hàng cấm), cho nên nhiều DN nhập khẩu đã khai man về người nhận, hoặc thay đổi người nhận để “thoát xác”. Bởi nếu “chường mặt” ra, doanh nghiệp nhập về không chỉ phải chịu phí lưu kho, phí vận chuyển tới bãi lưu khác theo quy định, thậm chí đối với nhiều loại phế liệu còn phải tiêu hủy với chi phí còn lớn hơn giá trị lô phế liệu nhập khẩu rất nhiều lần. Chính vì thế, trong tình cảnh này, “tẩu vi thượng sách” là chiêu các DN nhập khẩu này áp dụng, dưới nhiều cách khác nhau.

Hành vi “bỏ rác chạy lấy người” không phải lần đầu tiên được những doanh nghiệp này sử dụng, mà nhiều năm qua thỉnh thoảng cũng đã từng xảy ra ở một số cảng biển. Đơn cử như vụ nhập hơn 5.400 container rác thải vào cảng Hải Phòng năm 2015. Thế nhưng vì chưa có vụ nhập rác thải nào bị điều tra xử lý trách nhiệm đến nơi đến chốn, vì vậy một số doanh nghiệp chuyên làm việc này không e sợ, vẫn tìm đủ mọi cách để “thoát xác” phủi trách nhiệm.

Tuy nhiên, nếu các cơ quan chức năng không phối hợp điều tra xử lý tới nơi tới chốn và xử lý thật nghiêm để răn đe, thì tình trạng nhập rác thải về rồi bỏ chạy lại sẽ tiếp tục diễn ra. Hiện nay, hành lang pháp lý chế tài về hành vi này đã được quy định đầy đủ. Cái thiếu chính là sự phối hợp giữa doanh nghiệp cảng với các cơ quan chức năng, để lần ra manh mối những doanh nghiệp thực sự nhập rác phế thải về Việt Nam và bỏ mặc tại cảng để thoát thân. Nếu không truy tìm ra được những đối tượng này để chịu trách nhiệm về chi phí tài chính và môi trường, thì phía phải gánh chịu những trách nhiệm ấy chính là các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp cảng.

THẨM HỒNG THỤY

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cau-chuyen-quan-ly/bo-rac-chay-lay-nguoi-614425.ldo