'Mùa vàng' của những nhạc sĩ quân hàm xanh

Cuối tháng 12/2022, tại Hà Nội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức kỷ niệm 65 năm thành lập (1957-2022) và trao giải thưởng âm nhạc năm 2022. Trong 72 giải thưởng được trao, có 3 nhạc sĩ thuộc lực lượng BĐBP. Phóng viên Báo Biên phòng đã ghi lại cảm xúc của các nhạc sĩ khi vinh dự giành giải thưởng danh giá này.

Trung tá, nhạc sĩ Vũ Huyền Ngọc (thứ 3 từ phải sang) nhận giải Nhất với ca khúc “Tự hào là người lính”. Ảnh: Ngô Khiêm

Trung tá, nhạc sĩ Vũ Huyền Ngọc (Nhà Văn hóa BĐBP) - giải Nhất với ca khúc “Tự hào là người lính”: “Hãy cống hiến tuổi trẻ cho đất nước”

“Tự hào là người lính” là ca khúc tôi lấy ý tưởng và cảm xúc bằng chính câu chuyện đời lính của mình. Tôi yêu màu xanh áo lính ngay từ khi tôi còn là học sinh, có lẽ vì hằng ngày tôi được cảm nhận nhiệm vụ và tình yêu của những người lính chính trong gia đình của mình, như cha và chị gái của mình. Khi đó, tôi đã ước mơ sau này lớn lên được trở thành người lính như cha và chị gái tôi để được khoác trên mình màu xanh thân thương, được cống hiến cho Tổ quốc.

Rồi khi tôi tròn 18 tuổi, ước mơ ấy đã đưa tôi đến với Đoàn Văn công BĐBP và đời binh nghiệp của tôi xuất phát từ đó. Tuổi trẻ ai cũng đều có nhiều ước mơ nhưng tất cả đều có chung một tình yêu, đó là tình yêu đất nước. Với tôi, khi tròn 18 tuổi, tôi có rất nhiều ước mơ và hoài bão, dù biết phía trước rất nhiều gian nan và chông gai, dù biết bản thân mình là nữ và sẽ có rất nhiều khó khăn, nhưng điều đó không hề làm tôi nản chí. Tôi luôn cố gắng học tập, rèn luyện, học hỏi các thế hệ đi trước để thực hiện ước mơ của mình. Tôi luôn thấy tự hào khi mình được mang trên vai quân hàm màu xanh, được làm việc trong lực lượng BĐBP.

Ngoài câu chuyện đời lính của mình, tôi cũng được nghe những chia sẻ của các bạn lính trẻ trên mọi miền Tổ quốc về ước mơ, hoài bão của các bạn ấy. Qua những câu chuyện đó, tôi thấy tuổi trẻ dù thời chiến hay thời bình đều mang trong mình sự nhiệt huyết, ước mơ, khát khao, đam mê và tình yêu đất nước rất lớn, sẵn sàng dâng hiến tuổi thanh xuân của mình cho đất nước. Đó là những cảm xúc để tôi viết lên ca khúc này. Qua ca khúc “Tự hào là người lính”, tôi muốn gửi thông điệp đến tất cả những thế hệ trẻ hôm nay rằng, chúng ta hãy đam mê, khát khao và thực hiện những ước hoài bão của mình, hãy cống hiến tuổi trẻ bằng tình yêu và sự nhiệt huyết cho đất nước.

Khi được nhận giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam về tác phẩm này, tôi thấy rất vui và bất ngờ. Mỗi khi nhận giải thưởng về đề tài nào đó, tôi luôn nghĩ mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa, phải có trách nhiệm với các tác phẩm tiếp theo từ ca từ đến từng giai điệu, cấu trúc âm nhạc, để xứng đáng với những giải thưởng này. Tôi thấy biết ơn các thế hệ nhạc sĩ đi trước đã có những tác phẩm bất hủ đi cùng năm tháng, những tác phẩm đó là hành trang, là kinh nghiệm quý báu để tôi và các nhạc sĩ trẻ học tập và noi theo.

Đại úy, nhạc sĩ Lê Đức Trí (Đội trưởng Đội Tuyên truyền văn hóa, BĐBP Quảng Bình, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Quảng Bình) - giải Nhì với ca khúc “Lèn Hà, bản hùng ca bất tử” (phỏng thơ Ngô Văn Sơn): “Lan tỏa tinh thần quả cảm của những lính năm xưa”

Lần đầu tiên tham dự giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, tôi cảm thấy thật may mắn khi đã giành giải cao. Tôi luôn nhận thức được rằng, đề tài chiến tranh cách mạng là một đề tài khó và nếu không có sự đổi mới, sáng tạo thì người nhạc sĩ rất dễ đi vào lối mòn xưa cũ. Với tinh thần của người lính, tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm hơn với sự hy sinh của những người chiến sĩ trong cuộc chiến tranh ác liệt của dân tộc. Ca khúc ra đời vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/2022) khi tôi đến hang Lèn Hà (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Quảng Bình) và đọc được bài thơ của Trung tướng Ngô Văn Sơn, nguyên Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam.

Sự hy sinh của 13 chiến sĩ trẻ tuổi ở hang Lèn Hà năm đó có thể nhiều người còn chưa biết, vì thế, thông qua bài hát của mình, tôi muốn giới thiệu, lan tỏa tinh thần, sự chiến đấu ngoan cường, dũng cảm của họ đến với thế hệ trẻ hôm nay. Điều đặc biệt là bài hát này đã có nhiều ca sĩ thu thanh, nhưng bản thu ấn tượng nhất lại chính là giọng hát của một ca sĩ không chuyên đang công tác tại Binh chủng Thông tin liên lạc vì bạn ấy đã nắm rất rõ tinh thần của người chiến sĩ trong hang Lèn Hà năm ấy.

Trung tá, nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Hải Nam (Đội trưởng Đội Nhạc, Đoàn Văn công BĐBP) - giải Khuyến khích với ca khúc “Về xứ Nghệ yêu thương”: “Quê hương luôn hiện hữu trong tâm khảm mỗi người”

Lần thứ 2 liên tiếp được giải thưởng hằng năm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, tôi cảm thấy rất vui và xúc động. Vui vì những nỗ lực trong tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật của mình đã được các thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp và khán giả ghi nhận. Xúc động bởi đây là ca khúc viết về quê hương của mình, nơi mình sinh ra và lớn lên với biết bao kỉ niệm. Trong tâm khảm của tôi, lúc nào tôi cũng muốn viết về quê hương mình. Cảm xúc về quê hương luôn có sẵn trong người. Có những lúc nhớ quê, nhớ bạn bè, người thân và cứ tự nhiên như vậy, ca khúc được ra đời.

Ca khúc “Về xứ Nghệ yêu thương” nói về sự nhớ quê hương, gia đình, bạn bè…, nhớ những điều rất đỗi bình dị của quê hương như muốn được thỏa mình đắm say trong câu đò đưa ví giặm, nỗi nhớ của những người con sống xa quê hương. Cho dù ở vùng miền nào cũng vậy, ai cũng rất nhớ đến quê hương của mình khi phải đi xa. Thông qua bài hát, tôi muốn gửi gắm, cho dù cuộc sống phải đi xa quê, nhưng những con người ấy vẫn luôn hướng về quê hương, nơi có gia đình, có tình thân, tình yêu thương và có những điều thiêng liêng, đẹp đẽ nhất.

Ngô Khiêm (thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/mua-vang-cua-nhung-nhac-si-quan-ham-xanh-post458154.html