Mùa ước hẹn ở Khuổi Trang

"Anh ngắt chiếc lá đặt lên môi/ Lá kêu tiếng thật hay/Em mới nhẹ bước tới đây/ Em mới nhẹ bước tới nơi này...". Bên triền núi những cành cây khẳng khiu, vươn mình thức dậy, nhú ra những mầm xanh non mơn mởn. Báo hiệu một mùa xuân nữa lại về...! Bước theo những tiếng tỏ tình của đôi trai gái chúng tôi đến với mảnh đất Khuổi Trang, xã Xuân Lập (Lâm Bình) trong mùa ước hẹn, mùa yêu thương!

Theo truyền thuyết xưa của người Mông, khi trai gái yêu nhau mà cùng được uống nước suối trong bản Khuổi Trang thì họ sẽ bên nhau suốt đời, không thể rời nhau được. Truyền thuyết da diết ấy ở nơi hoang sơ, nguồn cội cứ hút người xa đến, lại khiến người đi xa nhớ mà biết quay về.

Toàn cảnh bản làng Khuổi Trang, xã Xuân Lập (Lâm Bình).

Có một điều đặc biệt vào dịp Tết, vào mùng 1 đích thân người chồng trong gia đình phải dậy sớm ra suối thắp hương, làm lễ xin nước, sau đó tự về nhà thổi nồi cơm đầu năm mới phục vụ gia đình, không được phép đánh thức vợ mình. Người vợ dậy sẽ có nồi nước ấm rửa mặt. Anh Thào Seo Vàng, người già trong bản chia sẻ, từ trong sâu thẳm tâm linh của mỗi người, tất cả đều hướng về mạch nguồn con suối, nơi đã ban cho dân bản một cuộc sống có ngô lúa tươi xanh, hoa trái đầy cành. Dường như đất trời cũng cảm nhận được tấm lòng tri ân của bà con nên suốt bao năm qua, cánh đồng Khuổi Trang 4 mùa đầy ăm ắp nước.

Cánh đồng lúa Khuổi Trang luôn tốt tươi được mùa mang lại sự ấm no bản làng.

Ông Thào Seo Hâừ, Trưởng thôn Khuổi Trang, xã Xuân Lập cho biết, thôn có 78 hộ, đa số là người Mông. Đặt chân đến đây, ấn tượng đầu tiên đó là sự gọn gàng ngăn nắp của người dân nơi đây. Những căn nhà trình tường xen lẫn căn nhà gỗ xinh xắn cách nhau vài trăm mét. Đa số nhà nào cũng có khuôn viên vườn tược trồng rau sạch ăn quanh năm.

Người Mông thường sống trong những ngôi nhà trình tường hoặc nhà gỗ.

Những ngày này già trẻ trai gái trong bản xúng xính bộ quần áo mới đi hội, đến nhà nhau chúc Tết râm ran. Cả bản cùng tham gia ra các trò chơi dân gian như đánh cù, đánh pam, đánh yến… Đây chính là nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Mông, được lưu truyền từ ngàn đời nay.

Các chàng trai cô gái vui xuân, chơi những trò chơi dân gian.

Theo tập quán của người Mông ở nơi đây, trong ngày mùng 1 Tết thì phụ nữ không được đi vào cửa nhà người khác. Ngày mùng 2 Tết, con trai đến các gia đình chúc Tết với một chai rượu, một miếng thịt lợn và 4 cái bánh dày (theo người Mông ở đây bánh dày còn được gọi là bánh mặt trời và bánh mặt trăng). Đó chính là lời nguyện cầu, mong muốn nhà nhà luôn no ấm đủ đầy trong năm mới.

Tiếng khèn vang vọng khắp bản làng ngày đầu xuân.

Ông Thào Seo Vàng là nghệ nhân thổi khèn của bản. Ông chia sẻ, với người Mông, mùa Xuân về không thể thiếu tiếng khèn. Ở đâu có sự sống, ở đó có tiếng khèn và ở đâu có tiếng khèn cũng sẽ có cuộc sống vui tươi, thanh bình. Tiếng khèn mang lại sức mạnh thể chất và tinh thần của người đàn ông dân tộc Mông. Vì thế, ngay từ khi còn trẻ, các chàng trai Mông đã bắt đầu lắng nghe và đi theo tiếng gọi của khèn.

Tiếng khèn đầu xuân gửi gắm những mong cầu một năm mới ấm no, bình an.

Trong hội Xuân của người Mông ở Khuổi Trang, từng tốp trai gái với váy áo tinh tươm, sặc sỡ rủ nhau đi hội. Trên tay các chàng trai không thể thiếu chiếc khèn. Em Hoàng Thị Hương cho biết: “Hội Xuân năm nào em cũng tham gia, hy vọng tìm cho mình một chàng trai thổi khèn hay, múa đẹp. Năm nay, em đã tìm được hạnh phúc cho mình rồi”.

Đôi lứa ước hẹn ngày đầu xuân.

Tết năm nay, gia đình bà Vàng Thị Yến có thêm cô con dâu mới. Khép lại một năm với bao bộn bề công việc, giờ đây bà thảnh thơi hơn. Vừa rót chén nước mời khách bà vừa thủng thẳng câu chuyện, thế là lo xong việc trọng đại cho con cái cả rồi. Con bà giờ đứa nào cũng có công việc riêng cả. Anh con trai lớn thì mở cửa hàng sửa chữa xe máy còn anh thứ hai thì mở tiệm cắt tóc ngay tại thôn. Đó điều bà thấy hạnh phúc và vui mừng nhất.

Phụ nữ thôn Khuổi Trang vẽ hoa văn lên váy áo bằng sáp ong.

Bên bếp củi đang đỏ lửa, những viên than hồng như xua đi cái không khí se lạnh nơi miền sơn cước. Anh Giàng Mí Cú cùng mấy cháu nhỏ đang ngồi xem tivi. Anh bảo, xem thấy nhiều nơi không khí Tết tấp nập mà lòng mình cũng rộn ràng. Năm ngoái gia đình đầu tư vào mua con trâu phục vụ cày kéo nên Tết này phải bớt chi tiêu. Vả lại người Mông vốn ăn Tết đơn giản và tiết kiệm lắm! Đang ngồi gói bánh sừng trâu ngoài sân, chị vợ anh góp chuyện, ăn Tết đơn giản nhưng không thể thiếu bánh dày, sừng trâu, bánh nẳng. Đó là những loại bánh kết hợp giữa hai nguyên liệu chính là lá rừng và gạo nếp. Hương vị bản làng như muốn gắn kết thêm tình đất, tình người nơi đây.

Những món bánh truyền thống của người Mông trong dịp Tết Nguyên đán.

Ở nơi bản làng xa xôi này thì việc thị trường ngoài kia tăng giá thịt lợn thì chẳng ảnh hưởng nhiều. Bởi ngay từ đầu năm, hầu như nhà nào cũng nuôi một con lợn để ăn Tết. Vào dịp này cứ 2,3 hộ chung nhau một con lợn. Mà người Mông thường gọi là “đụng thịt”, đây là tập tục thể hiện sự gắn bó, bền chặt trong tình làng nghĩa xóm.

Những em bé Mông váy áo rực rỡ đón xuân.

Theo lời của Trưởng thôn Thào Seo Hâừ, trước đây số hộ nghèo chiếm đa số, nhưng những năm gần đây được cán bộ hướng dẫn phát triển mô hình kinh tế, cách trồng rừng “phủ xanh đất trống đồi trọc”. Cả thôn có 78 hộ thì hầu như hộ nào cũng trồng rừng với hơn 50 ha.

Hộ anh Thào Seo Hồ trồng 10 ha cây keo, hộ anh Thào Seo Hâừ trồng 6 ha rừng, Vàng Seo Kênh có 6 ha keo, mỡ… Ngoài ra có hộ Vàng Seo Nhiu trồng 3 ha cam. Nguồn thu nhập từ rừng mang lại cho nhiều hộ sự khấm khá rõ nét từ 100 đến 200 triệu đồng/năm.

Mùa xuân về trên khắp nẻo đường Khuổi Trang.

Tết đến Xuân về, Khuổi Trang như chìm trong câu hát. Những lời yêu thương mà các chàng trai, cô gái trao gửi cho nhau ngân lên giữa ngày Xuân ngọt ngào, sâu lắng, lay động cả cây rừng: “Em ơi, ngày Xuân còn dài, đường về không xa, sao em đành vội. Hãy ở lại với anh, đừng về. Em về, để lại dấu chân nơi đây, làm sao anh không buồn, không nhớ. Mùa Xuân hoa nở, anh gặp được em, xin em ở lại đừng về... Anh ơi, ngày xuân đi qua, năm tháng còn dài, em không ở lại, vì cha mẹ mong. Con đường có xa, đèo cao, dốc đá, theo dấu chân em, anh sẽ tìm được em. Hẹn anh lần sau, bên cây đào này, bên cây mơ này, em lại hát cùng anh, trao anh lời thương, lời nhớ, em về...”.

Câu hát trao duyên ngọt ngào, ánh mắt, nụ cười e ấp, tất cả đều chứa chan tình yêu thiên nhiên, tình yêu con người và khát vọng vươn lên của người dân miền sơn cước.

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/hyper-text/e-magazine/mua-uoc-hen-o-khuoi-trang-187807.html