Mùa Thu trong thơ thời Lý Trần

Thơ viết về mùa Thu thời Trung đại không chỉ là hiện tượng tự nhiên mà còn gửi gắm nhiều suy ngẫm thời cuộc cùng triết lý nhân sinh sâu sắc.

Ảnh minh họa.

1.

Viết về bốn mùa là một mảng đề tài quan trọng trong thơ Trung đại, trong đó mùa Thu chiếm một số lượng tác phẩm nhiều hơn cả.

Thơ viết về mùa Thu thời Trung đại không chỉ là hiện tượng tự nhiên mà còn gửi gắm nhiều suy ngẫm thời cuộc cùng triết lý nhân sinh sâu sắc.

Tìm hiểu thơ viết về mùa Thu thời Trung đại không chỉ giúp người đọc thấy được những nét thi pháp quen thuộc của các nhà thơ mà còn giúp chúng ta nhận ra những quan niệm về vũ trụ, nhân sinh thời đại.

Trong khuôn khổ bài viết nhỏ này chúng tôi xin điểm lại thơ thu thời Lý Trần của các nhà thơ đã được đưa vào giảng dạy trong các cấp học nhằm bổ sung cho giáo viên, học sinh và các bạn yêu thơ một số tư liệu hữu ích.

2.

Mùa Thu trong thơ thời Lý

Dưới thời nhà Lý, Phật giáo phát triển rất mạnh do đó thơ Thiền thời Lý cũng phát triển mạnh mẽ, đội ngũ sáng tác chủ yếu là các thiền sư và các cư sĩ.

Cảm thức mùa Thu trong thơ Thiền giai đoạn này gắn liền với những suy ngẫm của hệ tư tưởng triết học Phật giáo. Từ sự cảm nhận các quy luật của tự nhiên mà các nhà thơ thường gửi gắm vào đó ít nhiều triết lý nhân sinh hoặc thể hiện sự giác ngộ của mình.

Thiền sư Vạn Hạnh (938 - 1018) là người có đóng góp tích cực với vua Lê Đại Hành trong việc giữ nước va có vai trò quan trọng trong việc lên ngôi của Lý Công Uẩn cũng như hình thành vương triều Lý.

Trước khi mất, Vạn Hạnh cũng để lại bài kệ dặn các đệ tử của mình, bài kệ cũng từ quy luật tự nhiên: Mùa Xuân cây cỏ tốt tươi đến mùa Thu lại héo úa để nói đến sự giác ngộ của mình, khi đã giác ngộ con người có thể vượt lên nỗi sợ hãi thông thường:

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô.

Nhậm vận thịnh suy vô bố úy,

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

Dịch thơ:

Thân như bóng chớp chiều thu,

Cỏ xuân tươi tốt, thu qua rụng rời.

Sá chi suy thịnh cuộc đời,

Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành.

Thiền sư Từ Đạo Hạnh (1072 - 1116) là một thiền sư nổi tiếng thời Lý với nhiều phép thần thông quảng đại, gắn với sự đầu thai thành vua Lý Thần Tông.

Từ Đạo Hạnh cũng để lại bài kệ dặn đệ tử của mình trước khi mất và cũng mượn những quy luật của tự nhiên để nói sự giác ngộ của mình:

Sắp mất bảo mọi người:

Thu lai bất báo nhạn lai quy,

Lãnh tiếu nhân gian động phát bi.

Vị báo môn nhân lưu luyến trước

Cổ sư kỷ độ tác kim si (sư)

Dịch thơ:

Thu về chẳng báo nhạn theo bay

Cười nhạt người đời uổng xót vay

Thôi hỡi môn đồ đừng quyến luyến

Thầy xưa mấy lượt hóa thầy nay.

(Ngô Tất Tố dịch)

Nhìn chung thơ thời Lý chịu nhiều ảnh hưởng của triết lý Phật giáo và chủ yếu là thơ kệ, các thiền sư thường nhắc tới mùa Thu để thể hiện quy luật vận động tuần hoàn của vũ trụ từ đó mà nói đến sự giác ngộ của mình.

3.

Thơ thu thời Trần qua một số tác giả tiêu biểu

Sang thời Trần, Văn học đã có sự phát triển vượt bậc, bên cạnh các tác giả là thiền sư còn đông đảo đội ngũ các tác giả là tôn thất nhà Trần cùng các trí thức Nho học.

Mặc dù vẫn có sự hiện diện của Tam giáo (Nho, Phật, Đạo) nhưng Phật giáo không còn chi phối nhiều trong sáng tác của các thiền sư như thời Lý.

Sự phát triển của kinh tế, văn hóa, xã hội nhất là sau ba cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông khiến diện mạo văn học thời Trần đã rất phong phú, đa dạng với những thành tựu vượt bậc.

Về đội ngũ sáng tác nhà Trần có thể kể đến: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Quốc Tuấn, Chu An, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Huyền Quang, Mạc Đĩnh Chi, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn…

Các sáng tác thời Trần cũng rất đa dạng về thể loại nhưng thơ vẫn chiếm ưu thế hơn cả, nhiều bài thơ mang cảm hứng thẩm mỹ rõ rệt vượt xa thơ kệ thời Lý. Về thơ thu thời Trần có rất nhiều tác giả, tác phẩm nhưng tiêu biểu là Trần Nhân Tông, Huyền Quang, Trương Hán Siêu.

3.1. Trần Nhân Tông (1258 - 1308, tên khai sinh Trần Khâm) là vị vua thứ ba triều Trần, người có công lao lớn trong lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, là một nhà thơ có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nền văn học thời Trần đồng thời còn là một thiền sư sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử mang đậm màu sắc Đại Việt.

Sự nghiệp sáng tác của Trần Nhân Tông gồm cả chữ Hán và chữ Nôm, ngoài những sáng tác chứa đựng tư tưởng Thiền còn có nhiều bài thơ trữ tình gần gũi với đời sống của một tâm hồn thơ đích thực nhất là những bài viết về mùa Xuân và mùa Thu.

Thơ thu của Trần Nhân Tông mặc dù còn mang bút pháp của thơ thu truyền thống nhưng đồng thời có những nét riêng về cảnh vật và tâm trạng gắn với tư tưởng Thiền tông.

Năm 1293, Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con rồi lên làm Thái thượng hoàng và sau đó đi tu, khoảng thời gian đó cũng giúp tác giả có điều kiện đi thăm thú cảnh đẹp nhiều nơi và có những bài thơ về mùa Thu ở đó.

Trong một lần về thăm lại hành cung nhà Trần ở Vũ Lâm (Hoa Lư - Ninh Bình), trước vẻ đẹp bức tranh mùa Thu nơi đây, Trần Nhân Tông sáng tác bài thơ Vũ Lâm thu vãn, cảnh vật độ cuối thu mang vẻ mơ màng, hư ảo, tịch lặng rất gần với những bức tranh thủy mặc. Ẩn sau bức tranh ấy là nhân vật trữ tình với tâm thế an nhiên, tự tại, không vướng bận nhiều đến thế sự:

Vũ Lâm thu vãn

Họa kiều đảo ảnh trám khê hoành,

Nhất mạt tà dương thủy ngoại minh.

Tịch tịch thiên sơn hồng diệp lạc,

Thấp vân hòa lộ tống chung thanh.

Dịch thơ:

Lòng khe in ngược bóng cầu hoa,

Hắt sáng bờ khe, vệt nắng tà.

Lặng lẽ nghìn non, rơi lá đỏ,

Mây giăng như mộng tiếng chuông xa.

(Trần Thị Băng Thanh dịch)

Bài thơ Lạng Châu vãn cảnh, cảnh chiều vùng biên ải Lạng Châu (Lạng Sơn) cũng trong sự thanh vắng, sương khói bao trùm cảnh vật, lá cây rơi rụng khiến lòng người lữ thứ không khỏi ngậm ngùi, ái ngại, trào dâng bao cảm xúc:

Lạng Châu vãn cảnh

Cổ tự thê lương thu ái ngoại,

Ngư thuyền tiêu sắt mộ chung sơ.

Thủy minh sơn tĩnh bạch âu quá,

Phong định vân nhàn hồng thụ sơ.

Dịch thơ:

Chiều xưa lạnh lẽo khói thu mờ,

Chiều quạnh thuyền câu, chuông vẳng đưa.

Núi lặng, nước quang, âu trắng lượn,

Tạnh mây, im gió, đỏ cây thưa.

(Trần Lê Văn dịch)

Ảnh minh họa.

3.2. Huyền Quang (1254 - 1334, tên thật là Lý Tái Đạo) là vị tổ thứ ba của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử nhưng đồng thời cũng nhà thơ lớn thời Trần.

Nhà bác học Lê Quý Đôn từng cho rằng thơ ông không có khẩu khí nhà chùa, còn học giả Phan Huy Chú trong tác phẩm Lịch triều hiến chương loại chí cũng nhận xét tác phẩm Ngọc tiên tập của Huyền Quang là: “Văn thơ bay bướm phóng khoáng”.

Chúng ta chỉ cần đọc hai câu thơ sau cũng phần nào hiểu tâm hồn của Thiền sư - thi sĩ Huyền Quang: Tay cầm dùi mõ, tay nâng sáo/ Thiên hạ cười ta cứ mặc tình. Đó là một buổi sớm thu không khí dịu nhẹ, thanh sơ, thi nhân thả hồn mình cùng phong cảnh thơ mộng đó mà quên bẵng việc chùa:

Tảo thu

Dạ khí phân lương nhập họa bình,

Tiêu tiêu đình thụ báo thu thanh.

Trúc đường vong thích hương sơ tẫn,

Nhất nhất tùng chi võng nguyệt minh.

Sớm thu

Hơi mát đêm thâu lọt tới mành,

Cây sân xào xạc báo thu thanh.

Bên lều quên bẵng hương vừa tắt,

Lưới bủa vầng trăng, mấy khóm cành.

(Nguyễn Đổng Chi dịch)

Đó là căn phòng trên núi trong tiết trời thu gió thổi ngoài hiên nhè nhẹ, những dây leo bò lan trên mái nhà, người theo Thiền lòng đã tịch lặng mà ngoài kia tiếng dế vẫn nỉ non. Có khi lại gặp một ngư ông dong thuyền thưởng ngoạn cảnh nước trời thu một sắc và thả hồn theo tiếng sáo, ánh trăng.

Đọc thơ Huyền Quang mới thấy nhiều bài thơ Thiền không cao đàm, khoát luận mà gần gũi, hài hòa với cuộc sống tự nhiên:

Sơn vũ

Thu phong ngọ dạ phất thiềm nha,

Sơn vũ tiêu nhiên chẩm lục la.

Dĩ hỹ thành thiền tâm nhất phiến,

Cung thanh tức tức vị thùy đa.

Nhà núi

Gió thu khuya khoắt thoảng hiên ngoài,

Quạch quê nhà non lấp ruổi gai.

Thôi đã theo thiền lòng lặng tắt,

Nỉ non tiếng dễ vẫn vì ai?

(Huệ Chi dịch)

Phiếm chu

Tiểu đĩnh thừa phong phiếm diểu mang,

Sơn thanh thủy lục hựu thu quang.

Sổ thanh ngư địch lô hoa ngoại,

Nguyệt lạc ba tâm giang mãn sương.

Chơi thuyền

Cưỡi thuyền lướt gió sóng mênh mông,

Non nước trời thu một sắc trong.

Tiếng sáo thuyền câu ngoài bến sậy,

Trăng rơi đáy nước móc đầy sông...

(Đinh Văn Chấp dịch)

Thiền sư, thi sĩ Huyền Quang cũng dành nhiều ưu ái với loài hoa đặc trưng của mùa Thu với chùm thơ Cúc hoa (6 bài), mỗi bài mang một nét thu riêng cùng tâm cảnh Thiền tịch lặng và gửi gắm vào đó sự giác ngộ của một bậc thức giả như bông cúc đông ly vẫn đượm màu trong lúc muôn hoa đều tàn, chúng ta cùng đọc lại hai bài tiêu biểu:

Cúc hoa - kỳ 3

Vong thân, vong thế, dĩ đô vong,

Tọa cửu tiêu nhiên nhất tháp lương.

Tuế vãn sơn trung vô lịch nhật,

Cúc hoa khai xứ tức trùng dương.

Dịch thơ:

Quên mình, quên hết cuộc tang thương,

Ngồi lặng đìu hiu, mát cả giường.

Năm cuối trong rừng không có lịch,

Thấy hoa cúc nở biết trùng dương.

( Phan Võ dịch)

Cúc hoa - kỳ 6

Xuân lai hoàng bạch các phương phi,

Ái diễm liên hương diệc tự thì.

Biến giới phồn hoa toàn trụy địa,

Hậu điêu nhan sắc thuộc đông ly.

Dịch thơ:

Xuân đến trăm hoa đua sắc thắm,

Một thời hương sắc kém chi nhau.

Vườn thu tàn tạ ngàn hoa rụng,

Riêng cúc đông ly vẫn được màu.

(Trần Thị Băng Thanh dịch)

3.3. Trương Hán Siêu (? - 1354) là một vị quan trải dưới bốn đời vua Trần, từng giữ các chức: Hàn lâm học sĩ, Hành khiển, Hữu ty lang trung, Tả ty lang trung, Thượng thư; khi mất ông được 2 vua truy tặng chức Thái bảo rồi Thái phó.

Ông là một danh nhân văn hóa lớn đời Trần, ngoài kiệt tác văn chương Bạch Đằng giang phú (Phú sông Bạch Đằng) với cảnh sắc mùa Thu nơi sông nước Bạch Đằng: Bát ngát sóng kình muôn dặm/ Thướt tha đuôi trĩ một màu/ Nước trời một sắc/ Phong cảnh ba thu.

Bên cạnh đó, Trương Hán Siêu còn để lại nhiều bài thơ thu viết bằng chữ Hán mà tiêu biểu nhất là chùm Cúc hoa bách vịnh. Nhìn chung chùm thơ vịnh cúc của Trương Hán Siêu ngoài việc vịnh vẻ đẹp của loài hoa đặc trưng mùa Thu thi nhân còn gửi gắm trong đó bao nỗi niềm tâm sự, đó là nỗi niềm cô đơn, lo lắng, u ẩn của một Nho sĩ ở cuối thời Trần khi những dấu hiệu khủng hoảng, suy vi ngày càng nhiều.

Nỗi niềm ấy được gửi gắm kín đáo qua chùm thơ vịnh cúc, chúng ta cùng đọc lại hai bài tiêu biểu để hiểu thêm nỗi lòng thi nhân:

Cúc hoa bách vịnh - kỳ 2

Nhất thu đa vũ hựu đa phong,

Khởi ý thu hoa thượng mãn tùng.

Ưng thị thiên công liên lãnh lạc,

Cố lưu hàn nhị bạn suy ông.

Dịch thơ:

Trời thu lắm gió lại nhiều mưa,

Khóm trĩu hoa thu thật chẳng ngờ.

Tạo hóa, phải chăng

thường quanh vẳng,

Dành bông hoa lạnh bạn già nua.

(Đào Phương Bình dịch)

Cúc hoa bách vịnh - kỳ 4

Khứ niên kim nhật hữu hoa đa,

Ðối khách sầu vô tửu khả xa.

Thế sự tương vi mỗi như thử,

Kim triêu hữu tửu khước vô hoa.

Dịch thơ:

Ngày này năm ngoái hoa đương rộ,

Không rượu, ngồi suông khách với ta.

Trái ngược, việc đời thường vẫn thế,

Hôm nay có rượu lại không hoa.

(Bản dịch của nhóm Lê Quý Đôn)

4.

Có thể nói thơ thu thời Lý - Trần là một thành tựu đáng ghi nhận và có đóng góp đáng kể trong kho tàng thơ thu của Văn học dân tộc. Mặc dù có nhiều ảnh hưởng của tư tưởng Thiền nhưng thơ thu thời Lý - Trần mang lại cho người đọc nhiều cảm xúc rất chân thực, tự nhiên, gần gũi với con người.

Tìm hiểu thơ thu thời Lý - Trần còn giúp người đọc thấy được sự vận động của thơ thu trong suốt chiều dài lịch sử.

ThS Nguyễn Quỳnh Anh (Trường THPT Kim Sơn A - Ninh Bình)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/mua-thu-trong-tho-thoi-ly-tran-post655293.html