Múa sư tử mèo - từ nghệ nhân tới truyền nhân

Khi những bông hoa đào đầu tiên nở trên mảnh đất xứ Lạng là lúc đồng bào các dân tộc Tày, Nùng ở một số huyện vùng cao như Cao Lộc, Lộc Bình, Văn Lãng, Văn Quan, Bình Gia và Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn lại háo hức chuẩn bị cho điệu múa sư tử mèo. Đây là loại hình biểu diễn văn hóa đặc sắc riêng có của người Tày, Nùng xứ Lạng, thường được biểu diễn vào dịp Tết Nguyên đán và một số dịp đặc biệt khác, với ý nghĩa khơi dạy tinh thần thượng võ của đồng bào miền núi; cầu mong sự may mắn, hạnh phúc cho bản làng, gia đình.

Tết Nguyên đán, nghệ nhân Hoàng Choóng (người dân tộc Tày), huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn lại tất bật với những phiên chợ quê. Mặt hàng mà ông bày bán cũng rất đặc biệt - những chiếc mặt nạ sư tử mèo do chính tay ông chế tác, phục vụ. Và ông cũng là một trong những nghệ nhân của mảnh đất xứ Lạng đang nắm giữ kỹ thuật chế tác mặt nạ sư tư Mèo.

Từ một loại hình di sản văn hóa tưởng chừng bị lãng quên, múa sư tử mèo xứ Lạng đã được những nghệ nhân như ông Choóng tìm kiếm và khôi phục lại, nâng tầm điệu múa này thành một di sản văn hóa đặc sắc của quốc gia. Tỉnh Lạng Sơn hiện có trên 600 nghệ nhân có thể thực hành các điệu múa, trò diễn; trên 200 nghệ nhân có khả năng truyền dạy, chế tác đầu sư tử và các đạo cụ liên quan. Những câu lạc bộ múa sư tử mèo xuất hiện ngày càng nhiều và tuổi của các thành viên câu lạc bộ cũng ngày càng trẻ. Một sự nối tiếp thế hệ đã cho thấy sức sống bền vững, lâu dài của di sản.

Khi những bông hoa đào bung sắc, tiếng các loại nhạc cụ như trống, chiêng, chũm chọe của điệu múa sư tử mèo vang lên khắp nơi, báo hiệu Tết đã về, xuân đã sang. Đồng bào Tày, Nùng trên khắp xứ Lạng lại cùng nhau dự lễ múa sư tử mèo với tâm thế phấn khởi và hảo sảng; cùng gửi gắm những ước vọng cho một năm mới xóm làng hòa thuận, người tốt với người, mùa màng bội thu, người người hạnh phúc./.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Anh Thư - Hông Dũng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/mua-su-tu-meo-tu-nghe-nhan-toi-truyen-nhan-210818.htm