Múa rồng ngày tết - nét đẹp văn hóa truyền thống

Một trong những món ăn tinh thần không thể thiếu của người Việt mỗi dịp tết đến xuân về là thưởng thức các màn trình diễn lân sư rồng sôi động, đẹp mắt. Tiếng trống vang lên, người già, trẻ nhỏ lại háo hức dõi theo.

Các tiết mục múa rồng trong Liên hoan Lân chào xuân tỉnh Tây Ninh.

Theo quan niệm của người Á Đông, long - lân - quy - phụng là bốn loài thú linh thiêng, mang đến những điều tốt lành. Trong đó, con rồng gắn liền với nhiều huyền thoại, biểu hiện cho uy quyền và sức mạnh phi thường. Đối với dân tộc Việt Nam, con rồng còn mang ý nghĩa cội nguồn nòi giống, từ truyền thuyết Lạc Long Quân kết duyên cùng Âu Cơ.

Là một con vật không có thật, nhưng người xưa cho rằng, rồng là loài rắn có chân, vảy ngũ sắc, đầu lạc đà, sừng nai, mắt quỷ, tai bò, cổ rắn, chân cọp, móng chim ưng, bụng cá sấu. Theo truyền thuyết dân gian, sau khi bị thương vì một con rết cắn dưới vảy, con rồng đã nhờ tới một thầy thuốc giúp đỡ. Để trả ơn vị lương y này, nó thể hiện một điệu múa cầu mưa thuận gió hòa. Từ đó, vào những dịp lễ hội hay ngày đầu năm mới, người ta thường biểu diễn múa rồng để cầu mong sự may mắn, an khang thịnh vượng.

Thông thường, con rồng được chia thành nhiều khúc và số khớp xương của rồng được quy định là số lẻ. Tại vị trí các khớp xương, có xỏ cán dài khoảng 1-2m cho người biểu diễn cầm, trên đầu mỗi cán gắn vào 2 chiếc rổ nhựa chuyên dụng. Một con rồng có thể 5 khúc, 7 khúc, 9 khúc, 11 khúc, hay thậm chí là 29 khúc, tùy theo nhu cầu. Rồng có kích thước càng lớn thì càng nặng và khó múa, khâu trang trí cũng vất vả hơn. Ngày nay, con rồng mà chúng ta thấy phổ biến nhất là rồng 9 khúc (9 người múa), với mỗi khúc dài khoảng 2m.

Rồng 9 khúc dùng biểu diễn thường có thân được làm bằng vải, đường kính khoảng 32-35cm. Phía trong thân rồng có thể lắp thêm xương bằng các vòng nhựa dẻo hoặc thép để tạo độ đầy đặn, tròn đều. Phần vây rồng được làm bằng vải bọc mút xốp. Đầu rồng dài khoảng 70-75cm, được làm chủ yếu bằng mây, tre, vải và giấy. Đuôi rồng được làm từ chất liệu tương tự, dài khoảng 65-70cm. Đuôi rồng hiện đại ngắn hơn đôi chút so với các mẫu rồng thời xưa, vì khi phục vụ múa chuyên nghiệp, chiếc đuôi quá dài và rườm rà sẽ dễ bị mắc vào thân, gây vướng víu cho người múa hoặc quệt xuống đất trong lúc rồng thực hiện những động tác uốn lượn.

Rồng ngày nay rất đa dạng, có nhiều màu sắc như vàng, bạc, đỏ, cam, xanh… với ý nghĩa khác nhau. Cũng có những con rồng được vẽ và in bằng mực dạ quang để phát sáng trong bóng tối, tạo hiệu ứng lung linh. Bên cạnh đó, lớp vảy trên thân rồng có thể được in 3D cho nổi bật hơn. Dĩ nhiên, con rồng có thiết kế càng cầu kỳ, tinh xảo thì giá thành của nó càng đắt. Tùy vào công nghệ trang trí, nước sơn, tính thẩm mỹ cũng như độ bền chắc, một con rồng hoàn chỉnh, mới toanh dao động từ mười mấy triệu đến vài chục triệu đồng (chưa tính trang phục người múa). Chi phí đầu tư cao, do đó, mỗi đoàn thường chỉ có khoảng 1-2 con rồng.

Múa rồng là một loại hình nghệ thuật đặc biệt, là phong tục, hình thức sinh hoạt truyền thống trong văn hóa phương Đông. Nếu như múa lân hay sư tử chỉ cần 2 người thì múa rồng lại cần nhiều người hơn, dựa trên kích cỡ của rồng. Với đặc thù đó, các tiết mục múa rồng đòi hỏi sự khổ luyện của cả một tập thể và bí quyết không gì khác là sự đồng đều, thống nhất.

Vậy nên, các thành viên trong đội phải có tinh thần đoàn kết, tính kỷ luật, nhất là việc phối hợp động tác sao cho nhịp nhàng, khớp với tiếng trống. Bài múa rồng đầy đủ phải có nhiều đoạn khác nhau, được sắp xếp theo ý tưởng, kịch bản và có những đoạn tạo cao trào. Múa rồng thường gồm nhiều động tác như: cuộn, chào, phóng lên, lộn qua đuôi, chạy vòng quanh, thu vào, chẻ ra, lật thân, xếp hình… Theo những người có nhiều kinh nghiệm, khó nhất vẫn là động tác cuộn hình số 8, bởi nếu không có sự ăn ý, chuẩn xác, rồng sẽ bị xoắn.

Múa rồng cũng có sự kết hợp các thế võ. Các động tác được sử dụng trong múa lân, sư, rồng đều mang đậm nét đặc trưng của võ cổ truyền Việt Nam. Chính vì vậy, người múa phải nhanh nhẹn, linh hoạt, khéo léo nhưng cũng thật mạnh mẽ, dứt khoát. Muốn tham gia bộ môn này, các vận động viên bắt buộc phải kiên trì rèn luyện để có sức khỏe tốt, sự dẻo dai, đặc biệt là người điều khiển đầu và đuôi rồng, vì hai phần này rất cồng kềnh và nặng.

Ngoài ra, còn có một người đóng vai trò như dũng sĩ đi trước đầu rồng với quả ngọc và cây gậy thần. Được xem như người chỉ huy, có nhiệm vụ dẫn đường cho rồng, người này phải nhớ bài tốt để dẫn dắt cả bài múa, cũng như cần có võ nghệ cao cường để bay nhảy, lật qua thân rồng, rồi song phi tung mình vung gậy qua đầu rồng… Trang phục của người cầm ngọc có thể rực rỡ hơn các thành viên khác, nhằm thể hiện sự khỏe mạnh của một võ tướng.

Trong các hội thi, một tiết mục múa rồng kéo dài khoảng 8-12 phút, thường có những phần: bàn long (rồng chạy vòng tròn), chữ “chi” (rồng chạy hình chữ S), thủy ba (thân rồng dập dềnh như sóng nước), phong đằng (rồng nhảy lên cao, quay ngược lại), phong chuyển (rồng như gặp gió xoay), phi long (rồng như đang bay), chồng tháp (những người múa rồng đứng chồng lên nhau có hình dạng tháp cao), dao bãi (rồng dang rộng ra)…

Vì là một môn nghệ thuật mang tính sáng tạo nên múa rồng ngày nay có sự biến hóa rất phong phú, tài hoa. Những tiết mục đoạt giải phải có sự mới lạ, độ khó cao, kỹ năng chuyên nghiệp, gây ấn tượng bởi nghệ thuật sắp đặt, nội dung ý nghĩa.

Trong múa lân, sư, rồng, âm thanh là yếu tố cực kỳ quan trọng, quyết định sự hấp dẫn của một bài múa. Không những tạo nên không khí vui tươi, rộn rã, âm thanh hòa quyện với từng chuyển động của các linh thú khiến bài biểu diễn sống động, thu hút khán giả. Trống đánh phải có bài bản, phù hợp với các bộ pháp, lúc khoan, lúc nhặt, lúc dồn dập liên hồi như trống trận, nhờ đó mới có thể diễn tả được hết hùng khí, oai phong của lân, sư, rồng.

Riêng với múa rồng, ngoài âm điệu giao hòa của tiếng trống, tiếng thanh la, chập chõa “tùng cheng, cắc cắc, tùng cheng...” như múa lân thì còn có thêm những đoạn nhạc ngắn và nhiều loại nhạc cụ khác. Những khúc nhạc mang âm sắc huyền ảo, du dương sẽ làm tăng tính nghệ thuật cho tiết mục, tạo nên khung cảnh tráng lệ, tựa như chú rồng đang bay lượn giữa thiên cung rộng lớn.

Anh Lý Thành Trung- Trưởng Đoàn lân sư rồng Trung Anh Đường chia sẻ: “Để dàn dựng, luyện tập một tiết mục múa rồng thường phải mất ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm. Múa rồng không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật cá nhân như múa lân, nhưng khó ở chỗ là cả đội phải phối hợp nhịp nhàng. Chính vì vậy, trong các buổi tập, công tác huy động lực lượng khá gian nan, chỉ cần thiếu một người thôi là rối đội hình liền. Hơn nữa, chúng tôi cũng phải thường xuyên cập nhật những kỹ thuật mới, thay đổi một số động tác trong bài, tránh sự nhàm chán cho người xem”.

Những ngày tết, các đội múa lân sư rồng luôn bận rộn với lịch diễn của mình. Trong các sự kiện như xông đất, khai trương hay các lễ hội, rồng cũng có thể múa chung với lân. Tùy theo quy mô chương trình và thời lượng biểu diễn, tiết mục múa rồng có thể mang về từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Một số người có thể thấy số tiền đó quá cao, nhưng thực tế, chi phí mà các đoàn lân sư rồng đầu tư cho trang phục, dụng cụ là không hề nhỏ. Chưa kể phải bỏ công sức tập luyện, dàn dựng kỳ công cả năm trời mới có thể cho ra đời những tác phẩm vừa hoành tráng, oai hùng, lại vừa duyên dáng, uyển chuyển theo nhịp phách.

Giữ gìn và phát triển bộ môn múa rồng nói riêng và lân sư rồng nói chung là một việc vô cùng tốn kém, công phu. Những ai theo đuổi nó phải có niềm đam mê cực lớn, cộng với khả năng sáng tạo, cảm thụ âm nhạc và thể lực bền bỉ thì mới có thể đạt đến thành công. Một bài múa lân, sư, rồng sẽ trở nên khô cứng, vô hồn nếu người biểu diễn không biết thả hồn vào chính những con lân, con rồng mà mình khoác trên người.

Anh Thư

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/mua-rong-ngay-tet-net-dep-van-hoa-truyen-thong-a168459.html