Mua nhà theo quảng cáo truyền hình cũng cần cân nhắc

(PL&XH) - Quảng cáo trên truyền hình là hình thức được nhiều doanh nghiệp (DN) có tiềm lực tài chính lựa chọn, do tính hiệu quả trong quảng bá cũng như khuếch trương thương hiệu và sản phẩm.

Giờ đây, hình thức này đang dần được không chỉ DN mà một số cá nhân chọn lựa nhằm quảng bá hình ảnh cho chính ngôi nhà, căn hộ của mình.

Người tiêu dùng có nhiều kênh lựa chọn

Quảng cáo là một trong những yếu tố cần thiết và không thể thiếu được đối với các DN, đặc biệt là những DN kinh doanh bất động sản (BĐS). Các kênh quảng cáo truyền thống như truyền miệng, các tạp chí, chuyên san liên quan đến BĐS hoặc thông qua sàn giao dịch BĐS là hình thức được không chỉ DN mà cả NTD ưa chuộng. Nhiều giao dịch mua bán, sang nhượng đã được thực hiện thông qua đây.

Song, khi kinh tế suy thoái, các DN BĐS gặp nhiều khó khăn về vốn cũng như “đầu ra” cho sản phẩm hàng hóa thì người dân không còn quan tâm hay tin nhiều vào những hình thức quảng bá trên bởi nó không “mắt thấy tai nghe”.

Chính điều này đã khiến cho hình thức quảng bá nhà, căn hộ “nở rộ” với việc thông qua các kênh truyền hình. NTD sẽ được xem và nghe những “lời giới thiệu” về sản phẩm hàng hóa đó, đáp ứng nhu cầu giao dịch trao đổi một cách rõ ràng hơn.

Theo anh Tiến Dũng, một người môi giới BĐS ở khu vực phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, trước đây NTD chỉ biết thông tin chủ yếu qua việc truyền miệng, báo chí và chuyên san nhưng kể từ năm 2011 đến nay, khi thị trường BĐS gần như đóng băng thì một số DN hoặc những nhà đầu tư đã lựa chọn hình thức quảng cáo thông tin về nhà, căn hộ thông qua các kênh truyền hình. Tại đây, NTD sẽ được nhìn và nghe những thông tin cơ bản về dự án cũng như căn hộ của mình, để từ đó có hướng lựa chọn những ngôi nhà, căn hộ vừa đảm bảo chất lượng, vừa phù hợp với chi phí bỏ ra.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Đực, PGĐ Cty địa ốc Đất Lành cho biết, thị trường BĐS đóng băng chủ yếu là do lượng hàng “tồn kho” ở phân khúc căn hộ có diện tích lớn hơn 70m2, được bán với giá trên 1 tỷ đồng. Các chủ đầu tư khi ấy thường tập trung vào phân khúc nhà giá cao mà không hề quan tâm hay có định hướng chiến lược rõ ràng để đáp ứng nhu cầu NTD. Thị trường BĐS phát triển theo chiều hướng “ảo” là chính, chứ không hề phục vụ nhu cầu của đại đa số NTD. Điều đó khiến hàng loạt căn hộ cao cấp bị “ế ẩm”, không thể “thanh khoản” được.

Hầu như các chủ đầu tư đều “điêu đứng” khi lượng hàng tồn căn hộ quá nhiều. Họ vừa phải chạy khắp nơi để thu xếp vốn, vừa phải giải quyết các vấn đề mâu thuẫn cũng như tranh chấp với khách hàng mua nhà. Đến giữa năm 2013, giao dịch trên thị trường BĐS mới dần chuyển đổi, tìm lại thị trường nhà ở dành cho những người có nhu cầu thực.

Hàng loạt băng-rôn, banner được chăng, treo trên khắp các đường phố như: Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển, Chùa Bộc Thái Hà… Thậm chí nhiều thông tin mua bán còn được dán, gắn ở những cột điện, hộp cáp hay trên tường nhà, ngay cả trong nhà vệ sinh công cộng ở một số quán ăn.

Nhìn chung, mọi hình thức quảng báo đều được các DN áp dụng, không “nề hà” việc đánh giá vị trí dự án cao cấp hay thấp cấp. Đáng nói, phần lớn nội dung thông tin được đăng đều không có sự kiểm duyệt, rà soát về tính chính xác của dự án. Hàng loạt đơn vị quảng bá chủ yếu chỉ chịu “trách nhiệm” về việc đăng thông tin chứ không chịu trách nhiệm về yếu tố “thật”, đảm bảo sự hoàn thiện hay dang dở của dự án.

Điều đó khiến cho thông tin trên thị trường đã “nhiễu” lại càng “mập mờ” hơn, việc trục lợi trong quảng bá khó có thể tránh khỏi. Các nhà đầu tư cũng như người có nhu cầu “thực” về nhà ở chưa được “giáp ngộ” trực tiếp với nhau, khiến chặng đường “phá băng” BĐS càng trở nên khó khăn.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho một số kênh truyền hình liên quan đến kinh tế, BĐS như Invest TV, Info TV, VOV,... nở rộ dịch vụ quảng bá nhà ở, căn hộ. Nó giúp cho NTD có cái nhìn tổng quan về dự án cũng như ngôi nhà, căn hộ định mua. Đồng thời, họ được nhìn thấy chi tiết những tiện ích thực tế của nhà ở và căn hộ. Đây là điểm mới cần được phát huy trong lĩnh vực quảng bá về thị trường BĐS.

Thị trường BĐS sẽ được khơi thông một phần nhờ quảng cáo trên truyền hình. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Hiệu quả trong quảng bá?

Đứng ở góc độ nhà đầu tư, người bán, việc rao bán sản phẩm địa ốc của mình thông qua truyền hình đạt hiệu quả khá cao, thu hút được nhiều sự quan tâm của khách hàng. Ông Nguyễn Thế Nam, ở phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, cho biết, ông từng rao bán một căn hộ với diện tích 68m2 ở khu vực hồ Đền Lừ. Ông đăng trên nhiều phương tiện truyền thông nhưng vẫn chưa bán được, mà chỉ đến khi thông qua kênh truyền hình Info TV, ông mới giao dịch bán nhà cho một khách hàng quê ở tỉnh Nam Định.

“Tôi thấy rao bán nhà qua truyền hình khá hiệu quả bởi khách hàng được nhìn thấy hình ảnh thực của căn hộ mà mình rao bán cũng như giá giao dịch mình đưa ra. Những người gọi cho mình đa phần đều có nhu cầu thực về nhà ở cũng như họ ước chừng được phần kinh tế phải bỏ ra khi mua nhà”, ông Nam nhận định.

Tất nhiên, với mỗi lần phát sóng quảng cáo như vậy thì chi phí bỏ ra không hề rẻ, khoảng vài chục triệu đồng. Nó được áp dụng theo từng kỳ phát sóng cũng như theo từng “cung giờ” cụ thể. Nhưng cũng không thể phủ nhận được tính hiệu quả của nó, khi mà lượng khách hàng hỏi mua chủ yếu là những người có nhu cầu thực chứ không phải “cò” mua bán. Điều này giúp giảm bớt thời gian giao dịch cũng như “loại bỏ” được những khách hàng kiểu “trời ơi đất hỡi”, mang lại hiệu quả cho người có nhu cầu bán nhà hoặc căn hộ.

Nói là vậy nhưng không phải hình thức quảng cáo này không có những nhược điểm, khiến người bán vấp phải. Đó chính là vai trò cũng như trách nhiệm của các đơn vị quảng cáo, hay nói cách khác là các kênh truyền hình. Nếu như họ làm theo kiểu “ào ào”, cố kiếm lợi nhuận, nên đăng những thông tin thiếu chính xác hoặc chưa minh bạch thì có thể dẫn đến giao dịch của khách hàng gặp nhiều “bất lợi”. Người mua nhà dễ “dính” các “bẫy” về hình ảnh mà đơn vị quảng cáo đưa ra.

Lý giải về vấn đề này, luật sư Mạnh Thắng, Đoàn luật sư TP Hà Nội phân tích, khi chủ nhân của ngôi nhà, căn hộ lựa chọn hình thức quảng cáo qua truyền hình thì đa phần họ đều là những người có điều kiện và có nhu cầu cao về giao dịch nhà ở. Trong khi đó, khách hàng lại có nhiều thông tin chi tiết cũng như hình ảnh rõ nét về căn hộ rao bán mà không phải thông qua “cò” dẫn đi. Khách hàng gần như tin tưởng hoàn toàn khi mua những ngôi nhà, căn hộ thông qua quảng cáo trên truyền hình.

Có thể thấy, xu hướng quảng cáo về BĐS đang lan rộng và phát triển qua một số kênh truyền hình chuyên ngành. Nó là “cầu nối” giúp cho nhu cầu giữa người mua và người bán gần nhau hơn, loại bỏ gần như toàn bộ sự phiền phức cũng như vai trò của “môi giới” hay còn gọi là “cò đất”. Và để điều này phát triển bền vững có lẽ các đơn vị quảng cáo cần tạo dựng uy tín và thương hiệu của mình bằng những việc làm “thực”, tránh “ăn xổi” để kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn.

Ông Lê Anh Sơn, GĐ Cty Đại Cát nhận định, hình thức bán BĐS thông qua việc quảng bá trên các kênh truyền hình không phải là hình thức mới, nhưng ở Việt Nam thì nó đang được coi là bước “đột phá” giúp khai thông một phần thị trường BĐS vốn đang bị “đóng băng” bấy lâu nay.
“Chúng ta nên phát triển hình thức quảng bá này để người dân được thuận lợi hơn trong việc mua bán. Nhưng cũng cần có sự quản lý và kiểm soát sát sao của cơ quan quản lý Nhà nước, cần gắn trách nhiệm liên đới của đơn vị quảng cáo đối với nội dung quảng cáo theo đúng quy định của Luật Quảng cáo”, ông Sơn phân tích thêm.

Nguyễn Tuấn

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20131228103316295p1005c1024/mua-nha-theo-quang-cao-truyen-hinh-cung-can-can-nhac.htm