Mưa Mường Nhé

Huyện cực Tây Mường Nhé những ngày đầu tháng 8, mưa nhạt nhòa trên những vạt núi, mưa như thể 'múc nước hắt xuống' những cung đường. Hệ quả đầu tiên là từng tuyến giao thông bị đóng lại, bởi đất núi 'no' nước, vỡ ra, đổ sập xuống, phủ lấp lối. Nhưng mưa rồi cũng phải tạnh, và sau cơn mưa trời lại sáng...

Lực lượng cảnh sát giao thông phân luồng, cảnh báo các phương tiện tham gia giao thông khi đến gần khu vực sạt lở.

Muộn Tết Mùa mưa vì... mưa

Người Hà Nhì ở Mường Nhé sinh sống tập trung tại 4 xã cuối quốc lộ 4H là Chung Chải, Leng Su Sìn, Sen Thượng và Sín Thầu. Hàng năm, vào ngày 24/6 âm lịch, đồng bào nơi đây tổ chức Tết Dế Khù Chà - Tết Mùa mưa. Ðây là ngày tết truyền thống của người Hà Nhì với các nghi lễ gọi linh hồn cho con người, vật nuôi và cây trồng, thể hiện đặc trưng tín ngưỡng thờ thần nông, thờ thần mưa, thần nước của cộng đồng người Hà Nhì, cầu mong cho mùa màng bội thu, con người khỏe mạnh, chăn nuôi phát triển, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ðây cũng là ngày để gia đình, làng xóm đoàn kết, tụ họp, ngày trở về cho những người con Hà Nhì xa quê.

Chúng tôi có mặt trên quốc lộ 4H (đoạn trung tâm huyện Mường Nhé - Chung Chải) sáng 9/8 (tức ngày 23/6 âm lịch), mưa vẫn táp ràn rạt xuống nền đường. Cứ khoảng hơn 1km lại có một điểm sạt lở, bùn đất tràn xuống quốc lộ. Ðối với những điểm ta luy dương thấp, không tiềm ẩn nguy hiểm, cả đơn vị đảm bảo giao thông (Công ty Cổ phần Ðường bộ I Ðiện Biên) và người dân chung tay san gạt, di chuyển cây cối đổ, thông tuyến. Tiếp tục di chuyển đến Km153, quốc lộ 4H, một tấm barie của lực lượng cảnh sát giao thông đã được dựng lên. Ra hiệu lệnh dừng xe, vừa gạt mưa trên kính mũ bảo hiểm, Trung tá Pờ Pờ San, Ðội trưởng Ðội Cảnh sát giao thông - Trật tự (Công an huyện Mường Nhé) nói lớn: “Phía trước sạt cả quả đồi xuống rồi, không đi được đâu. Ðể đảm bảo an toàn, đề nghị bà con dừng xe, không đến gần khu vực sạt lở, quay lại khu vực tránh trú, chờ thông tuyến”.

Dừng xe tại chốt trực của Ðội Cảnh sát giao thông - Trật tự Mường Nhé, sau khi xin phép các điều kiện tác nghiệp và tổ chức phỏng vấn, ghi hình, ảnh, cập nhật tình hình thiên tai trên tuyến xong, mưa đã ngớt đi phần nào. Ðồng nghiệp trong nhóm công tác chúng tôi tranh thủ chuyện trò với người quen là Trung tá Pờ Pờ San. “Mai là Tết Dế Khù Chà rồi, tình hình này chắc Ðội trưởng không kịp về đón tết đâu chứ?” - anh đồng nghiệp cất lời với sự chia sẻ. Trung tá San cười hiền lành, bảo: Không sạt, tắc đường thì cũng khó về đón tết được, vì các lực lượng đang trực chiến, ứng phó với mưa lũ. Chỉ mong diễn biến thời tiết đừng phức tạp thêm nữa, với khối lượng sụt sạt hiện tại, dự kiến 18 giờ tối nay tuyến sẽ thông. Sáng mai đường thông, an toàn, về với người Hà Nhì muộn chút cũng không sao. Lúc đó được làm “con đò” đưa người quê mình và du khách về đón tết cũng là vui lắm rồi!. Cũng qua câu chuyện của đồng nghiệp, tôi biết Trung tá Pờ Pờ San là con trai của ông Pờ Xì Tài - đảng viên ưu tú, thủ lĩnh từng “tay không đấm gục gấu hoang, bảo vệ bản” của người Hà Nhì ở Mường Nhé những năm 1970 - 1980... Ông Pờ Xì Tài mất năm 2013, để lại sự tiếc thương, tri ân của cả vùng cực Tây. Chiều 23/6 (âm lịch), tức 9/8 năm nay, dân các bản: Tả Kố Khừ, Tá Miếu, A Pa Chải (xã Sín Thầu) bắt đầu đi lấy cây “Mồ Pý Chùy Xò” trên rừng về buộc trước cửa và tổ chức các nghi thức cúng thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên, gọi mời linh hồn các thành viên gia đình về đón tết... trong đó có thủ lĩnh Pờ Xì Tài - cha của trung tá Pờ Pờ San!

Người dân và công nhân đơn vị đảm bảo giao thông thông tuyến tại những điểm sụt sạt thấp.

Chung tay trong mưa

Mưa liên tục cả tuần đã ảnh hưởng nghiêm trọng, các con suối dâng cao tiềm ẩn nguy cơ lũ ống, lũ quét... Cầm bản báo cáo cập nhật tình hình mưa lũ ngày 9/8 trên địa bàn huyện Mường Nhé, chúng tôi không khỏi lo lắng bởi các dòng suối lớn trên địa bàn như: Mo Phí, Nậm Ma, Nậm Nhé đều ở mức báo động cao, xuất hiện lũ cục bộ. Ðặc biệt, đến ngày 9/8, tại vị trí cầu Nậm Nhé II, Km135+800, quốc lộ 4H (thuộc địa bàn xã Mường Toong, huyện Mường Nhé), mực nước dòng chảy dâng cao, lưu tốc lớn đã làm nứt, hư hỏng mặt đường, ảnh hưởng lớn đến khả năng khai thác của cầu, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Ngay khi có báo cáo đánh giá hiện trạng của đơn vị chuyên môn, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải và huyện Mường Nhé đã có mặt tại 2 đầu cầu Nậm Nhé II. Lực lượng cảnh sát giao thông cũng kịp thời có mặt phân luồng, hạn chế người, phương tiện qua cầu. Ðồng thời, trước tình trạng cấp bách của vấn đề, xác định “huyện Mường Nhé không thể bị cô lập”, lãnh đạo huyện và các đơn vị: Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý dự án các công trình huyện... đã lập tức họp bàn, tìm giải pháp thông tuyến. Và ngay trong ngày, giải pháp đi vòng đường tránh từ lối rẽ đi xã Nậm Vì ra bản Ngã Ba, xã Mường Toong đã được đưa ra.

Có mặt tại điểm ngã ba bản Huổi Lúm, xã Nậm Vì - vị trí đầu tuyến đang thi công công trình đường Huổi Lúm - Mường Toong, đồng thời cũng là tuyến được lựa chọn làm đường tránh cầu Nậm Nhé II. Theo chúng tôi ghi nhận, mệnh lệnh tại hiện trường đã được lãnh đạo UBND huyện quán triệt: “Dù là gói thi công là của từng doanh nghiệp thực hiện, nhưng để thông tuyến đường tránh Nậm Vì - Mường Toong, đơn vị chuyên môn, chính quyền địa phương cần vận động các doanh nghiệp, Nhân dân chung tay hỗ trợ. Bước đầu, do khu vực này có nhiều điểm sạt lở, sẽ huy động nhân lực, máy móc khẩn trương san gạt đất đá và hoàn thành trước 18 giờ cùng ngày. Tuy nhiên, huyện cũng xác định tuyến đường tránh không đảm bảo lưu lượng cho toàn bộ xe và phương tiện qua lại mà chỉ dành cho xe thô sơ, xe máy và ô tô dưới 2,5 tấn”. Ðến 18 giờ ngày 9/8, mưa vẫn rả rích rơi, lệnh cấm toàn bộ người, phương tiện lưu thông qua cầu Nậm Nhé II được ban hành. Tuy nhiên, giải pháp tìm đường tránh cũng đã kịp thời triển khai.

Mưa và hi vọng...

Chiều muộn ngày 9/8, hàng sửa xe máy của anh Trần Văn Ninh tại trung tâm huyện Mường Nhé bận rộn hơn thường ngày, cơ bản khách đến rửa xe, tăng xích và sửa một số lỗi do nước mưa, bùn ngập... Ngồi đợi rửa chiếc xe máy bê bết bùn bám vào bánh, nhông xích, Tẩn A Chu, bản Mường Toong 1, xã Mường Toong (huyện Mường Nhé) như trút được gánh nặng, kể: “Em đi từ xã Leng Su Sìn về Mường Toong, vừa sang đến xã Chung Chải thì sạt ngay phía sau, đi được đoạn thì sạt phía trước. Vậy là chặn 2 đầu, đường thì vắng, không có nhà dân nào, núi cao, vực sâu. Ngồi lo ngay ngáy vì nếu tắc lâu, qua đêm, gói mì tôm chống đói cũng không có... May quá, sau hơn 2 tiếng chờ đợi đã có máy múc đến giải cứu. Về đến đây thấy nhẹ cả người!”. Tôi hỏi: Giờ lại cấm qua cầu Nậm Nhé II rồi, chắc tối nay ngủ tạm trung tâm huyện chứ? Chu bảo: Ðành thế thôi anh ạ. Nhà em ở gần cầu Nậm Nhé II, thời gian gần đây đã thấy có biểu hiện sụt lún, nứt gãy. Hi vọng các đơn vị chức năng sớm sửa chữa kiên cố, đi lại cho an tâm.

Trao đổi về tình hình đảm bảo giao thông trên địa bàn huyện, ông Ðàm Văn Cường, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mường Nhé cho biết: Nhằm đảm bảo cho việc đi lại của Nhân dân và lưu thông hàng hóa thiết yếu qua tuyến đường tránh Nậm Vì - Mường Toong, huyện đã huy động 5 máy xúc, 1 xe tải làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông. Bước đầu, cơ bản xe máy, xe ô tô gầm cao, xe tải nhỏ lưu thông được. Riêng xe khách, vì yếu tố an toàn con người, chúng tôi đề nghị không lưu thông qua tuyến tránh này. Về các tuyến giao thông do Sở Giao thông vận tải quản lý, cụ thể là sự cố tại cầu Nậm Nhé II - tuyến huyết mạch qua địa bàn, chính quyền huyện đã phối hợp chặt chẽ với Sở trong các công tác như: Mở và đảm bảo giao thông tuyến tránh; vận động người dân nhường đất để làm cầu tạm (sẽ hoàn trả đất sau khi cầu Nậm Nhé II hoàn thành sửa chữa); tăng cường ứng trực ở các điểm nút quan trọng khi trời vẫn tiếp tục mưa...

Suy nghĩ về những cơn mưa ở Mường Nhé, bất chợt tôi nhớ đến lời anh Sùng A Hả, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nậm Vì khi đi kiểm tra cây trồng: “Mưa nhiều thì cũng lo thật, đường sá sạt lở, rồi nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất... Nhưng nếu có cây giống để trồng thì mưa lại rất tốt!”. Chả là đợt này xã Nậm Vì đang triển khai rất sôi nổi các chương trình trồng rừng sản xuất, hiện đã trồng được 5ha dổi găng (loại cây lâu năm lấy gỗ); 42,9ha quế (Nhà nước hỗ trợ 32,9ha, người dân tự trồng thêm 10ha). Theo ông Hả, sau hơn 1 tháng trồng, do mưa nhiều nên cây sinh trưởng phát triển tốt, tỉ lệ sống đạt trên 90%. Hi vọng “đầu xuôi đuôi lọt”, tới đây sẽ có những cánh rừng xanh tốt mọc lên, vừa đảm bảo môi trường vừa mang lại hiệu quả kinh tế. “Có mưa là rừng sẽ tốt và có rừng rồi thì mưa không gây hại nữa đâu!” - Chủ tịch Hội Nông dân Sùng A Hả đúc kết.

Rời Mường Nhé qua tuyến tránh Nậm Vì - Mường Toong với sự “hộ tống”, sẵn sàng hỗ trợ của 3 máy xúc. Ra đến quốc lộ 4H, hướng đến địa bàn huyện Nậm Pồ, đi ngược chiều chúng tôi là những chiếc xe tải trọng lớn, chở khung, sườn, bộ phận lắp ghép cầu tạm thay thế cầu Nậm Nhé II đang sửa chữa... Ngoảnh lại phía cực Tây, trời đã hửng.

Nguyệt Lãm

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/208343/mua-muong-nhe