Mưa lũ gây ngập lụt nặng nề tại Phú Yên

Do mưa to trong các ngày từ 1-3/11, nhiều địa bàn thuộc tỉnh Phú Yên bị ngập lụt nặng nề. Hiện chính quyền địa phương và nhân dân đang nỗ lực ứng phó, tập trung vào việc di dời người dân ở vùng nguy hiểm đến nới an toàn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế (bên trái) kiểm tra tình hình xả lũ tại hồ thủy điện Sông Ba Hạ. Ảnh: Báo Phú Yên

Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, từ ngày 1-3/11, trên địa bàn tỉnh có mưa vừa và mưa to, lượng mưa phổ biến từ khoảng 104,7-624,5 mm khiến mực nước sông dâng cao. Bên cạnh đó, từ 6 giờ ngày 3/11, hồ thủy điện sông Ba Hạ xả lũ với lưu lượng 4.500 m3/s và lưu lượng chạy máy là 400 m3/s; hồ thủy điện Krông H’Năng xả lũ với lưu lượng 1.500 m3/s; hồ thủy điện La Hiêng 2 xả lũ và vận hành máy với lưu lượng 370 m3/s. Đến 13 giờ cùng ngày, hồ thủy điện sông Ba Hạ xả lũ với tổng lưu lượng là 10.400 m3/s đã gây ngập lụt nghiêm trọng.

Mưa lũ làm toàn bộ huyện Đồng Xuân, một số xã của huyện Tuy An, tuyến QL 29 lên huyện Sông Hinh bị nước lũ chia cắt.

Để phòng tránh lũ, ngập lụt, UBND tỉnh đã phát công điện yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, thực hiện phương châm “ 4 tại chỗ”. Bố trí lực lượng tại các khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết để bảo vệ dân cư; nghiêm cấm người dân đi lại trong vùng ngập sâu, nước chảy xiết, vớt củi trên các sông suối, không được chủ quan khi đi lại trong vùng ngập lụt.

Lực lượng bộ đội biên phòng đã huy động cán bộ chiến sĩ trực tiếp đến các khu vực xung yếu để ứng cứu khi có tình huống; phối hợp chính quyền địa phương kiểm tra và có phương án di dời người, tài sản khi ngập úng.

Tại huyện Tuy Hòa, do mưa lớn kéo dài, cộng với thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ, từ 13 giờ ngày 3/11, nước sông Ba lên cao đã tràn vào nhiều khu vực thuộc nội thành Tuy Hòa, gây ngập nhiều tuyến đường, có nơi bị ngập từ 0,5-1 m, nơi ngập sâu trên 1,5 m, ảnh hưởng đến giao thông và sinh hoạt của người dân.

TP. Tuy Hòa đã sẵn sàng di dời khoảng 1.000 hộ dân đến các trụ sở, trường học hoặc nhà dân ở vị trí an toàn.

Khoảng 13 giờ 30 cùng ngày, tại cửa biển Đà Diễn, một tàu cá thuộc phường 6, TP. Tuy Hòa cùng 3 lao động trong lúc kéo neo để di chuyển thì bị dây neo quấn chân vịt, sóng đánh chìm trôi ra biển. Dù lực lượng chức năng huy động nhân lực và phương tiện ứng cứu, nhưng do sóng to, gió lớn nên không thể tiếp cận được bốn người bị nạn.

Tại huyện Đồng Xuân, ngày 3/11, lực lượng tìm kiếm cứu hộ cứu nạn của huyện đã tiếp cận được ông Nguyễn Thanh Tân (41 tuổi), chủ Doanh nghiệp Danh Tân, ở thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân sau hơn 10 giờ đu bám trên cây để tránh lũ.

Đến 19 giờ ngày 3/11, nước lũ đang chia cắt nhiều xã và tuyến đường của huyện, trong đó, tuyến đường từ huyện Tuy An đi Đồng Xuân bị ngập hơn 10 km. Toàn huyện có 2 ngôi nhà sập, hơn 2.000 ngôi nhà ngập nước, các xã di dời hơn 10.000 người đến nơi an toàn.

Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thị xã Sông Cầu, trên địa bàn thị xã có một người mất tích do đi đánh lưới ghẹ. Trên địa bàn đã có 2 ngôi nhà sập, nhiều nhà dân bị ngập nước, nhiều diện tích lúa, rau màu và ao đìa nuôi thủy sản bị ngập nước.

Còn tại huyện Tuy An, đến chiều 3/11, toàn bộ các vùng trũng thấp thuộc hạ lưu sông Kỳ Lộ đã bị ngập, giao thông bị chia cắt ở một số tuyến đường.

Tại cửa biển Lễ Thịnh, tàu cá PY31054TS công suất 33VC bị sóng đánh chìm khi neo đậu tại đây. Cùng ngày, bà Trần Thị Vinh (SN 1992), trú thôn Long Uyên, xã An Dân bị nước cuốn trôi, tử vong. Còn tại xã An Ninh Tây, 1 nam thanh niên bị nước cuốn trôi, mất tích.

Ở huyện Phú Hòa trong ngày 3/11, gần 100 chiến sĩ công an, quân sự huyện và lực lượng cứu hộ đã sơ tán 50 hộ vùng bị ngập nước tại xã Hòa Định Tây, xã Hòa Hội đến nơi tránh trú an toàn. Nếu nước sông Ba tiếp tục lên thì huyện sẽ tiếp tục di dời 100 hộ dân ở 2 xã trên và một số khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập nặng đến trú tại trụ sở UBND xã và HTX.

Hàng trăm nhà dân, trường học ở xã An Định (huyện Tuy An) bị ngập trong nước. Ảnh: Báo Phú Yên

Ngày 3/11, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên có công điện chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; thủ trưởng các sở, ban, ngành; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Đài Khí tượng thủy văn Phú Yên; các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện về việc chủ động để phòng, tránh với lũ, ngập lụt.

UBND tỉnh yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của thiên tai; chủ động tổ chức việc phòng ngừa (chằng chống nhà cửa, phương án cứu hộ, cứu nạn, dự trữ lương thực, thực phẩm ...), thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, những khu vực thường xảy ra thiên tai, vùng trọng điểm, xung yếu, sạt lở đất, triều cường, vùng ven sông, biển, vùng có khả năng bị ngập sâu, các công trình thủy lợi, giao thông.

Bên cạnh đó, bố trí lực lượng ở vùng ngập sâu, nước chảy xiết để bảo vệ dân cư; nghiêm cấm đi lại trong vùng ngập sâu, nước chảy xiết, vớt củi trên các sông suối; không được chủ quan khi đi lại trong vùng ngập lụt; chủ động cho học sinh nghỉ học và có kế hoạch học bù đảm bảo chương trình học bù khi lũ rút.

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Phú Yên yêu cầu các địa phương thực hiện các phương án phòng tránh lũ, ngập lụt; kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở các vùng ven sông, suối, vùng trũng thấp để có kế hoạch di dời, sơ tán dân và thông báo cho nhân dân biết để phòng tránh. Các đơn vị quản lý hồ chứa nước cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ chứa để phối hợp vận hành điều tiết, đảm bảo an toàn công trình và hạn chế mức độ ngập lụt hạ du.

Cũng trong ngày 3/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng cùng lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh đã đi kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác khắc phục lũ lụt tại các địa phương phía bắc của tỉnh và tại hồ thủy điện sông Ba Hạ.

Thanh Xuân

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/mua-lu-gay-ngap-lut-nang-ne-tai-phu-yen/290743.vgp