Mưa đầu mùa đã xuất hiện, vẫn chưa giải được hạn ở Tây Nguyên

Mặc dù đã xuất hiện những trận mưa đầu mùa, nhưng những vườn cây chịu ảnh hưởng nặng nề trong đợt nắng hạn lịch sử vừa qua vẫn chưa hồi phục trở lại. Phía trước là chồng chất những khó khăn cho chính quyền địa phương và nhân dân các tỉnh Tây Nguyên.

Bộ trưởng Cao Đức Phát kiểm tra tình hình hạn hán ở xã Ia B'lứ, huyện Chư Pưh, Gia Lai

Mới đây, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Bộ trưởng Cao Đức Phát dẫn đầu đã đi kiểm tra tình hình hạn hán tại huyện Chư Jút, Đắk Mil và làm việc với UBND tỉnh Đăk Nông.

Tại đây, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đã trực tiếp đến kiểm tra một số công trình thủy lợi của tỉnh như Buôn Buôr (xã Tâm Thắng), hồ Đăk D'rông (xã Đăk D'rông, Chư Jút).

Bộ trưởng cũng đi kiểm tra nhiều diện tích cây trồng đã bị ảnh hưởng do hạn hán ở Chư Jút, Đăk Mil... Lãnh đạo các địa phương này đã báo cáo nhanh và cụ thể với Bộ trưởng về tình hình thiệt hại do hạn hán gây ra. Bộ trưởng cũng đã động viên, chia sẻ với những nông dân bị thiệt hại ở đây.

Theo báo cáo của UBND tỉnh tại buổi làm việc cho biết: Trong vụ ĐX, hầu hết các công trình thủy lợi, ao, hồ trên địa bàn toàn tỉnh đã bị cạn kiệt nguồn nước làm cho 210 ha đất sản xuất lúa phải ngưng sản xuất, 20.891 ha cà phê, hồ tiêu giảm năng suất từ 30-70% và 1.767 ha mất trên 70% năng suất, 274 ha lúa nước giảm năng suất, mất trắng và 123 ha rau màu bị ảnh hưởng. Ước tính thiệt hại do hạn hán gây ra khoảng 1.020 tỷ đồng.

Về nước sinh hoạt, toàn tỉnh đã có 7.726 hộ dân với 36.000 nhân khẩu đã và đang thiếu nước. Cùng với đó, những tháng đầu năm nay, lốc xoáy và mưa đá cũng đã gây ra nhiều thiệt hại về nhà ở dân cư, cây trồng, công trình công cộng với ước tính thiệt hại khoảng 2,9 tỷ đồng. Đây là đợt nắng nóng nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây mà Đăk Nông phải hứng chịu.

Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đánh giá cao những nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến xã, thôn, bon đã nỗ lực chống hạn hán, giảm bớt thiệt hại. Tuy nhiên nhìn chung, đợt hạn hán vừa qua cũng đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của người dân, đặt ra nhiều vấn đề có tính lâu dài để chống thiên tai.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng đề nghị tỉnh sớm rà soát lại quy hoạch sản xuất nông nghiệp gắn với quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, cân đối lại các yếu tố nhằm đạt hiệu quả nhất trong từng khu vực, địa phương gắn với các công trình thủy lợi.

Trên cơ sở quy hoạch đó, tỉnh cần chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cây trồng nhằm nâng cao tính an toàn, nâng thu nhập trong điều kiện biến đổi khí hậu. Cùng với chủ trương về nâng cấp, đầu tư công trình thủy lợi thì tỉnh phải chú trọng đẩy mạnh việc đưa các mô hình tưới tiết kiệm nước, trồng và bảo vệ rừng.

Đối với những đề nghị của tỉnh về hỗ trợ chống hạn trước mắt, Bộ trưởng đề nghị địa phương tiếp tục thống kê, hỗ trợ đúng theo các quy định hiện hành.

Ảnh: Trần Đăng Lâm

Tại tỉnh Đăk Lăk, đợt nắng nóng vừa qua cũng đã làm cho trên 50 ngàn ha cây trồng bị ảnh hưởng, trong đó có gần chục ngàn ha bị mất trắng (chủ yếu là cây cà phê và lúa nước). Thiệt hại ước tính gần 1.400 tỷ đồng.

Không những cây trồng không có nước tưới mà người dân nhiều nơi cũng không có nước để sinh hoạt. Trong cơn đại hạn, cả tỉnh có gần 30 ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.

Tại tỉnh Gia Lai, Bộ trưởng đến kiểm tra huyện Chư Pưh - huyện chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt nắng nóng vừa qua. Tại xã Ia B'lứ, Bộ trưởng đến thăm vườn cà phê của nông dân Nguyễn Đức Toàn ở thôn Thiên An.

Ông Toàn cho biết, vườn cà phê nhà ông trồng từ năm 1995 với diện tích 5,5 ha. "Chưa năm nào như năm nay, nắng hạn kéo dài, giếng cạn nước, ao hồ gần xa cũng cạn. Nhìn vườn cây ngày càng héo úa mà vợ chồng tôi muốn héo lòng theo", ông toàn than vãn.

Tuy đã có những trận mưa đầu mùa, và phần nào cũng vực dậy được chút ít thiệt hại, song nhìn vườn cà phê của ông Toàn vẫn rất thảm hại: Vài chiếc lá xanh vừa được nhú lên sau mấy trận mưa không che nổi những cành cây khô giòn, đưa tay bẻ gãy kê răng rắc, bụi bay mù mịt. Vườn cà phê xác xơ đến mức đứng đầu vườn nhìn thấu tận cuối vườn.

Ông Toàn cho biết: Bây giờ tiếp tục bón phân, chăm sóc thì có thể cũng còn cứu được vườn cây, nhưng cây vẫn bị ảnh hưởng đến vài năm sau, cụ thể là vự tới sẽ không thu hoạch được bao nhiêu. "Cái khó nhất là bây giờ không có tiền để tiếp thục đầu tư cho vườn cây. Mọi việc chỉ biết trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước thôi", ông Toàn nói.

Tiếp tục chuyến công tác tại các tỉnh Tây Nguyên, ngày 19/5, Bộ trưởng Cao Đức Phát cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra thực tế tình hình hạn hán và làm việc với lãnh đạo tỉnh Kon Tum về phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Tình hình nắng nóng, khô hạn, thiếu nước đã và đang diễn ra trên diện rộng tại tỉnh Kon Tum, dự báo có thể kéo dài đến tháng 6.

Cây trồng chết khô vì thiếu nước

Thống kê của tỉnh này cho biết: Tính đến nay toàn tỉnh có trên 3.800 ha cây trồng bị khô hạn, thiếu nước, trong đó hơn 2.000 ha cây công nghiệp, còn lại là lúa nước và rau màu. Cùng với thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp đã lên tới 157 tỷ đồng, khô hạn cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của người dân. Hiện toàn tỉnh có 41 công trình nước sinh hoạt, gần 7.700 giếng đào bị cạn kiệt.

Trên cơ sở kiểm tra thực tế tại địa bàn thành phố Kon Tum, huyện Sa Thầy và báo cáo của UBND tỉnh Kon Tum về thiệt hại do hạn hán gây ra, Bộ trưởng Cao Đức Phát đánh giá cao nỗ lực của chính quyền địa phương trong ứng phó với thiên tai hạn hán, chuyển đổi kịp thời mùa vụ, thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân, không để hộ dân nào vì hạn phải chịu cảnh thiếu đói và không để dịch bệnh bùng phát ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân; ghi nhận đề xuất của địa phương hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả hạn hán; sửa chữa, nâng cấp một số công trình thủy lợi; ưu tiên xem xét đầu tư dự án cấp nước sinh hoạt cho người dân huyện Sa Thầy và thành phố Kon Tum.

Về những giải pháp trước mắt để ổn định sản xuất, tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Bây giờ mùa mưa bắt đầu đến, cần lập tức hướng dẫn và hỗ trợ nhân dân khôi phục lại sản xuất, đặc biệt là đối với các vườn cây công nghiệp.

Ngay trong tuần tới, Bộ NN-PTNT phối hợp với tỉnh tổ chức những cuộc họp, diễn đàn để phổ biến cho nhân dân các giải pháp kỹ thuật phù hợp, nhằm khôi phục lại những vườn cà phê, hồ tiêu đã bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau bởi hạn hán để duy trì sản xuất.

Chúng ta phải rà soát lại cơ cấu sản xuất ở từng vùng cụ thể để có được những cây trồng phù hợp, ổn định và hiệu quả. Tiếp tục rà soát quy hoạch và huy động các nguồn lực xây dựng công trình thủy lợi để sản xuất với năng suất hiệu quả cao hơn và bền vững hơn”.

Làm việc với các tỉnh Tây Nguyên, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương triển khai thực hiện tốt Quyết định 68 của Chính phủ, sớm giải ngân vốn để hỗ trợ nông dân mua sắm công cụ, hỗ trợ máy bơm.

Các tỉnh cần rà soát quỹ đất, kiểm tra cơ cấu cây trồng. Loại cây nào không phù hợp với vùng đất nơi đó thì phải loại bỏ ngay, thay thế loại cây khác cho phù hợp với khí hậu, thời tiết và thổ nhưỡng...

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/mua-dau-mua-da-xuat-hien-van-chua-giai-duoc-han-o-tay-nguyen-post164825.html