Mưa bão có ai nhớ muối vừng…

(PL&XH) - Sớm nay nghe tin bão Haiyan không vào miền Trung như dự đoán mà quay đầu về phía Tây Tây Bắc. Điều đó có nghĩa là các vùng Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa sẽ nằm trong tâm bão.

Mưa mau, lúc tạnh, lúc nắng. Trong nắng thi thoảng vẫn có mưa. Đi từ nhà lên cơ quan mà phải dừng xe mặc áo mưa và cởi đến 3 lần. Thời tiết khó chịu, bầu không khí như đặc quánh lại, trên cao thì gió lộng, thò đầu ra cửa sổ tầng 9 gió thổi ù ù... đầu ong ong, Đó chính là những dấu hiệu báo bão.

Hồi bé, mình nhớ năm nào cũng vài trận bão vào miền Bắc. Cứ sau rằm tháng 7 là mùa bão. Có những trận bão kéo dài mấy ngày liền, mưa to gió lớn, cây đổ đầy đường. Những năm ấy chưa có báo mạng, chưa có FB cập nhật thường xuyên tình hình di chuyển của bão cũng như con số thương vong, chết chóc trong bão nhưng cứ nghe đài và tivi thông báo chuẩn bị có bão là dân tình cuống cuồng tích cóp lương thực, thực phẩm chống bão. Những năm ấy cứ bão là nhà điện hay cắt điện cho an toàn, giao thông ách tắc nên chợ búa không họp, chỗ nào họp chợ thì hàng hóa rau cỏ đắt gấp 3, 4 ngày thường.

Nghe báo bão, món thực phẩm đầu tiên mẹ chuẩn bị là nấu một nồi canh dưa to. Chỉ có dưa nấu với một ít mỡ và cà chua còn chẳng có thịt bò, sườn sụn như bây giờ. Cái nồi dưa ấy bây giờ mà nấu chắc nhà mình ăn một tuần cũng không hết. Món thứ hai là mua vừng, lạc làm muối vừng. Lạc rang trước tiên, đổ ra ủ vào một tờ báo. Khi lạc bắt đầu nguội cho ra rá và xoa nhẹ cho vỏ lạc bong ra, rồi sảy... vỏ lạc bay hết ra ngoài chỉ còn lại những hạt lạc béo tròn, vàng ươm. Ba đứa con ngồi xung quanh hau háu nhìn vào rá lạc rang. Mẹ bốc cho mỗi đứa một nắm. Chao ôi! Hạt lạc rang ngày ấy mới thơm, mới bùi làm sao. Trong lúc các con còn lúng búng nhai lạc thì mẹ rang vừng, rang muối rồi bắt đầu cho vào cối giã. Bọn con mắt đầy tiếc nuối nhìn những hạt lạc bị giã giập dần lẫn vào với vừng. Đứa nào cũng kì kèo giã thế được rồi mẹ. Bởi không ai thích mẹ giã nát hết cả lạc để sau này lúc ăn hay có trò lắc lắc cái lọ vừng cho những miếng lạc to lăn lên trên, dễ lấy.

Tiếng chày thì thụp, mùi vừng thơm nức cả căn nhà cổ, bếp củi lách tách...Vừng giã xong mẹ múc từ cối ra cho vào lọ và không quên để lại một ít trong cối. Nồi cơm chín tới, mẹ xúc mấy thìa to cho vào cối vừng. Thúc mấy chục chày, cơm nóng quyện chặt với vừng trong cối. Mẹ lấy chỗ cơm ấy cho vào khăn ẩm nắm lại thành những nắm cơm chim xinh xinh bỏ vào đĩa. Ba đứa con ăn nhồm nhoàm những nắm cơm chim nóng hổi, dẻo quánh, có vị đậm đà của muối, bùi của lạc và thơm mùi vừng. Trên bếp nồi canh dưa vẫn sôi lịch sịch..

Ngoài trời mưa to, gió giật nhưng vẫn không làm tắt được ngọn lửa trong căn bếp nhỏ. Chỉ nồi canh dưa và lọ muối vừng vậy mà thản nhiên đi qua bao mùa mưa bão.

Sớm nay, nghe báo bão mình cũng qua chợ mua ít đồ ăn dự trữ, cũng mua muối vừng nhưng là vừng làm sẵn, đóng túi. Và những đứa con mình sẽ chẳng bao giờ biết được mùi muối vừng thơm như thế nào cũng như vị ngon ngọt của những nắm cơm chim trong những ngày mưa bão.

Tự dưng lại nghĩ, phải chăng đầy đủ quá đôi khi làm người ta không biết là thực ra mình đang thiếu rất nhiều thứ.

Vĩnh Quyên

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/2013111210374259p1004c1032/mua-bao-co-ai-nho-muoi-vung.htm