Một vị tướng tài năng, mẫu mực của QĐND Việt Nam

Thượng tướng Song Hào (1917-2004), tên thật là Nguyễn Văn Khương, quê ở xã Hào Kiệt (nay là xã Liên Minh), huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Không chỉ là một vị tướng tài năng chính trị, quân sự song toàn, Thượng tướng Song Hào còn là một cán bộ mẫu mực, cần kiệm, liêm chính, ham học hỏi.

Thượng tướng Song Hào. Ảnh: Tư liệu

Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, lớn lên khi đất nước bị thực dân xâm lược, đồng chí Song Hào đã sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1936, khi mới 19 tuổi, đồng chí đã tích cực hoạt động cách mạng tại quê hương. Năm 1939, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Kể từ đây, đồng chí tích cực hoạt động cách mạng và trở thành người cộng sản kiên trung, mẫu mực.

Đến đầu năm 1940, đồng chí Song Hào bị thực dân Pháp bắt tại quê nhà Nam Định và bị kết án 7 năm tù giam. Trong thời gian này, đồng chí Song Hào bị lưu đày qua các nhà tù như: Nam Định, Hà Nội, Sơn La, Hòa Bình, Chợ Chu. Bằng tấm lòng kiên trung với Đảng và ý chí đấu tranh kiên cường, dũng cảm trong nhà tù thực dân, năm 1943, đồng chí được tổ chức chỉ định làm Bí thư Chi bộ nhà tù Chợ Chu. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ nhà tù, mà trực tiếp là Bí thư Song Hào, các tù nhân đã đoàn kết, sát cánh đấu tranh đòi quyền dân chủ và bảo vệ lẫn nhau, tìm thời cơ trở về để hoạt động.

Tháng 10-1944, đồng chí Song Hào cùng 11 đồng chí khác đã vượt ngục, trở về hoạt động cách mạng ở Tuyên Quang, Thái Nguyên. Tháng 12-1944, đồng chí được chỉ định làm Bí thư Phân khu ủy Phân khu Nguyễn Huệ. Trong thời gian này, đồng chí cùng Phân khu ủy đã bàn bạc, quyết định nhiều chủ trương đúng đắn, lãnh đạo nhân dân đứng lên đấu tranh, duy trì và phát triển phong trào ngày càng rộng khắp, chủ động xây dựng lực lượng, đợi thời cơ chín muồi vùng lên cướp chính quyền. Ngay từ tháng 3-1945, đồng chí cùng Phân Khu ủy đã lãnh đạo các đội Cứu quốc quân và nhân dân cướp chính quyền từ tay thực dân ở một số địa phương và xây dựng chính quyền cách mạng.

Đến cuối tháng 7, đầu tháng 8-1945, thực lực cách mạng Việt Nam đã phát triển hùng hậu, tình hình quốc tế chuyển biến có lợi cho ta. Chớp thời cơ lịch sử, từ ngày 13 đến 15-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào khẳng định, cơ hội tốt cho ta giành độc lập dân tộc đã tới và quyết định chuyển khởi nghĩa từng phần lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngay trong đêm 15-8, đồng chí được Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc giao nhiệm vụ quay trở về Tuyên Quang phụ trách công cuộc khởi nghĩa của các tỉnh phía Tây Bắc, như: Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, Hà Giang...

Lĩnh hội tinh thần của Hội nghị, đồng chí Song Hào đã cùng với các đồng chí trong Tỉnh ủy Tuyên Quang họp để thành lập Ủy ban Khởi nghĩa của tỉnh, trực tiếp lãnh đạo nhân dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Bằng sự thông minh, nhạy bén, đồng chí Song Hào đã có nhiều đóng góp quan trọng để xây dựng kế hoạch khởi nghĩa theo phương châm: Đánh địch bằng quân sự kết hợp với chính trị và địch vận. Đồng chí Song Hào trực tiếp phụ trách các lực lượng: Giải phóng quân, dân quân tự vệ và nhân dân cướp chính quyền tại 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang giành thắng lợi, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Thượng tướng Song Hào đã được giao nhiều trọng trách quan trọng như: Chính trị ủy viên Liên khu 10, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thương binh - Xã hội, Chủ tịch lâm thời Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Trên cương vị là Chính trị ủy viên Liên khu 10, Thượng tướng Song Hào đã tham gia chỉ huy giành thắng lợi trong các chiến dịch: Nghĩa Lộ, Yên Bình xã 1, Yên Bình xã 2, Lê Hồng Phong 1. Đặc biệt, với trọng trách là Chính trị ủy viên Liên khu 10, đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng trong xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang tại các tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Tuyên Quang. Khi được giao trọng trách làm Chính ủy Đại đoàn 308 - Đại đoàn quân tiên phong, Thượng tướng Song Hào tiếp tục thể hiện tài năng quân sự và chính trị, vừa làm tốt công tác chính trị tư tưởng, xây dựng ý chí quyết tâm cho bộ đội; vừa cùng với Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Đại đoàn lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị giành thắng lợi trong các chiến dịch: Hòa Bình (1951-1952), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953), Điện Biên Phủ (1954), sau đó chỉ huy Đại đoàn tiến về tiếp quản Thủ đô Hà Nội.

Thượng tướng Song Hào đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao vàng; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Quân công (hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba); Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Thượng tướng Song Hào đã cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quân đội vững mạnh về mọi mặt, đặc biệt vững mạnh về chính trị, nâng cao sức mạnh chiến đấu, cùng toàn dân chiến đấu giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thượng tướng Song Hào luôn thấm nhuần quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; đề xuất tham mưu với Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng trong xây dựng và phát huy sức mạnh tổng hợp của nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, góp phần đưa cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi.

Trong quá trình hoạt động cách mạng và công tác sau này, Thượng tướng Song Hào luôn lấy sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội đặt lên hàng đầu. Có nhiều đóng góp quan trọng trong giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, trong đổi mới và hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội và phát triển cơ chế chính ủy, chính trị viên trong quân đội qua các thời kỳ.

Thượng tướng Song Hào còn thường xuyên coi trọng công tác xây dựng Đảng ủy, cơ quan chính trị, chi bộ cơ sở. Theo cơ chế lãnh đạo của Đảng, các cấp ủy Đảng phải quyết định những vấn đề quan trọng trên mọi lĩnh vực, đặc biệt về công tác cán bộ, xây dựng lực lượng và kế hoạch tác chiến.

Hà Phương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/mot-vi-tuong-tai-nang-mau-muc-cua-qdnd-viet-nam/