Một trong những nền kinh tế lớn nhất hành tinh tham gia 'phi đô la hóa'

Vừa có thêm thành viên mới tham gia chống lại sự thống trị của đồng đô la trong hệ thống tài chính và thương mại toàn cầu, hay còn gọi là 'phi đô la hóa'.

Indonesia được cho là đã tham gia quá trình phi đô la hóa, đây là nền kinh tế thứ 7 trên hành tinh và chắc chắn trong một hoặc hai thập kỷ nữa sẽ tăng hạng đáng kể. Ngoài ra Indonesia đứng thứ 4 trên thế giới về dân số với khoảng 280 triệu người.

Jakarta đã thành lập một "lực lượng đặc nhiệm quốc gia" để hỗ trợ các giao dịch tài chính bằng nội tệ (LCT), đó chính là đồng rupiah của nước này.

Người đứng đầu Ngân hàng trung ương Indonesia - ông Perry Warjiyo, nói rằng việc chuyển đổi sang tiền tệ quốc gia trong thanh toán và thương mại với các nước thân thiện sẽ không chỉ giúp củng cố thị trường tài chính Indonesia, mà còn ổn định tỷ giá đồng rupiah.

Một chủ ngân hàng hàng đầu của Indonesia giải thích: “Việc tăng cường giao dịch bằng đồng nội tệ sẽ hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư và giao dịch thanh toán xuyên biên giới, bao gồm cả QRIS (tiêu chuẩn thanh toán nội địa của Indonesia)”.

Indonesia đã trở thành “thế lực nặng ký” mới nhất trong cuộc đấu tranh chống lại sự thống trị của đồng đô la Mỹ trong hệ thống tài chính toàn cầu, những quốc gia đi trước bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Nga.

Bắc Kinh, New Delhi và Moskva đã đồng ý chuyển sang sử dụng tiền tệ quốc gia trong thanh toán chung. Ngoài ra Khối BRICS không từ bỏ kế hoạch giới thiệu, nếu không phải một loại tiền tệ chung của tổ chức thì ít nhất là một cơ chế thanh toán duy nhất.

Indonesia chưa gia nhập BRICS, nhưng Tổng thống Joko Widodo đã tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Nam Phi với tư cách khách mời. Phát biểu qua liên kết video, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh rằng phi đô la hóa là một quá trình không thể đảo ngược.

Bên cạnh đó, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cách đây không lâu đã kêu gọi chính quyền địa phương từ bỏ hệ thống thanh toán nước ngoài và chuyển sang sử dụng thẻ tín dụng do các ngân hàng địa phương phát hành.

Đúng vậy, ông ấy không nói nhiều về việc phi đô la hóa mà về khả năng cạnh tranh với những loại thẻ tín dụng phổ biến như Visa và Mastercard, theo gương những gì mà nước Nga đang triển khai.

Tại Mỹ, kế hoạch của Trung Quốc, Nga, Ấn Độ cùng với các nước đang phát triển khác nhằm tước bỏ quyền vị thế bá chủ không chính thức của đồng đô la trong vai trò tiền tệ thế giới đang thu hút nhiều sự quan tâm và lo ngại.

Mặc dù vậy, ít nhất là ở bề ngoài, với một thái độ bình tĩnh, các quan chức Mỹ đã cho rằng không gì có thể đe dọa đến “đồng bạc xanh” trong tương lai gần, có lẽ là trong vài thập kỷ tới.

Bên cạnh đó, gần đây xuất hiện thông tin cho rằng Zimbabwe đã trình bày mong muốn được gia nhập ngân hàng do các nước BRICS thành lập, làm dấy lên tin đồn lan truyền mạnh mẽ rằng quốc gia châu Phi này cũng muốn tham gia phi đô la hóa.

Tuy nhiên theo cựu bộ trưởng tài chính Zimbabwe, việc từ bỏ đồng đô la Mỹ có thể dễ dàng dẫn tới thảm họa kinh tế do chưa đồng nội tệ nào đủ sức thay thế nó.

Giao dịch quốc tế bằng đô la Mỹ vẫn chiếm tỷ lệ chủ đạo trên 90%, những đồng tiền khác bao gồm nhân dân tệ hay Euro giữ thị phần quá nhỏ nhoi.

Quan trọng hơn cả, kinh tế Mỹ là sự đảm bảo vững chắc nhất cho vị thế của đồng đô la, trong khi đó những quốc gia muốn thách thức vai trò mà USD đang nắm giữ còn quá yếu để có thể tạo ra sự thay đổi.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/mot-trong-nhung-nen-kinh-te-lon-nhat-hanh-tinh-tham-gia-phi-do-la-hoa-post552567.antd