Một tiết tấu cho năm mới

Từ thuở xa xưa đồng dao - trò chơi dân gian vừa chơi vừa hát đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của trẻ thơ. Tất cả tạo nên nét sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc, nhất là diễn ra trong các dịp lễ tết, hội hè.

Hồn nhiên. Ảnh: Nguyễn Điện Ngọc

Tuổi thơ nhiều thế hệ người Việt gắn liền với những bài đồng dao, như xúc xắc xúc xỉa, thả đĩa ba ba, rồng rắn lên mây, nhảy lò cò, dung dăng dung dẻ, đúc cây dừa, tay có tay không, tập tầm vông, chi chi chành chành, nu na nu nống…

Trong đó, có một bài đồng dao mà ngày xưa cứ mỗi độ tết đến xuân về lại rộn ràng trong tiếng trống hội, tiếng hò reo vui mừng, đã đi vào vào tiềm thức tuổi thơ của biết bao thế hệ. Trò chơi dân gian này chứa đựng những nét đẹp văn hóa đậm đà giá trị truyền thống dân tộc. Đó là trò chơi đồng dao “Xúc xắc xúc xẻ” mang hơi thở tết đến rộn ràng.

Xúc xắc xúc xẻ
Năm mới năm mẻ
Nhà nào còn thức
Mở cửa cho chúng tôi
Bước lên thềm cao, thấy đôi rồng ấp
Bước xuống thềm thấp, thấy đôi rồng chầu
Bước ra đằng sau thấy nhà ngói lợp
Voi ông còn buộc, ngựa ông còn cầm
Ông sống một trăm linh năm tuổi lẻ
Vợ ông sinh đẻ đứa con tốt lành”.

Đáng tiếc, ngày nay phong tục mang ống tre đi mừng tuổi ngày tết đã biến mất, dù ở những làng quê xa xôi. Bài đồng dao xưa đã đến mọi nhà trong dịp năm mới với mong muốn về một cái tết tràn ngập niềm vui tươi.

Chính nhóm ca đồng dao của trẻ thơ đã gắn kết tình cảm xóm giềng với lời chúc nhà nhà một mùa xuân hưng thịnh, sung túc, an vui. Những bài đồng dao có nhịp điệu đơn giản, gieo vần tự do, có thể ngắn hay dài tùy theo tính chất của trò chơi hoặc lặp đi lặp lại không dứt, diễn ra như một bức tranh sinh động của cuộc sống.

Hầu hết trò chơi đồng dao không chỉ rèn luyện thể chất mà còn đậm tính giải trí lành mạnh, đạt tới trình độ nghệ thuật cao và có giá trị thẩm mỹ cao, khơi gợi trí thông minh, tài ứng đáp, phản xạ linh hoạt của trẻ, đồng thời nêu cao tính cộng đồng.

Những trò chơi dân gian này được lưu giữ trong ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ. Thông qua các trò chơi đồng dao, trẻ thơ cũng có thể hiểu hơn về cuộc sống, nếp sinh hoạt đang diễn ra trên vùng đất mình sinh sống.

Trẻ em ngày xưa cứ hồn nhiên lớn lên cùng những trò chơi dân dã rất có ý nghĩa trong quá trình vừa chơi vừa học, để dần dần hình thành nhân cách sống khi trưởng thành.

Chính vì thế, khôi phục trò chơi dân gian nói chung, đồng dao nói riêng là mong muốn của nhiều người. Hiện nay một số trường học tại nhiều tỉnh thành đã đưa trò chơi dân gian vừa chơi vừa hát đồng dao vào giờ học môn văn nghệ dân gian Việt Nam. Hình thức giáo dục này rất được lứa tuổi thiếu nhi, thiếu niên yêu thích.

Lại chuẩn bị bước sang năm mới, ngoài đường đâu đó thỉnh thoảng đã nghe giai điệu “Xúc xắc xúc xẻ” từ góc phố nào đó vang lên...

VĂN THU BÍCH

Nguồn Quảng Nam: https://baoquangnam.vn/van-hoa/mot-tiet-tau-cho-nam-moi-153580.html