Một thời U oát

Khi tôi chuyển công tác về Báo Gia Lai (năm 1990) thì được biết chiếc xe ô tô con hiệu U oát cũng mới được cơ quan nhận về cuối năm trước, thay cho chiếc U oát cũ.

Ngày ấy, U oát do Liên Xô sản xuất là xe thuộc vào hàng chiến lược, hàng “đỉnh” đối với các cơ quan Đảng và Nhà nước ở tỉnh ta bởi tính hữu dụng của nó. Mạng lưới giao thông ở Gia Lai những năm 80, 90 của thế kỷ trước hãy còn nhiều khó khăn, mùa khô bụi mù trời còn mùa mưa thì bùn lầy trơn trượt. Đi công tác cơ sở chỉ có xe 2 cầu như U oát mới có thể len lỏi, vượt lầy lội xuống tận xã, tận các buôn làng.

Việc nhận xe cũng nhiều nhiêu khê. Sau khi được Tỉnh ủy phân bổ xe, lãnh đạo cơ quan điều tài xế là anh Phạm Minh Khôi và Trưởng phòng Hành chính là anh Nguyễn Tiến Dũng, rồi mấy ngày sau thêm anh Nguyễn Đức Thanh thay mặt Công đoàn ra Hà Đông (nay là Hà Nội) để nhận rồi cả 3 cùng đi xe về.

Ngày ấy, U oát do Liên Xô sản xuất là xe thuộc vào hàng chiến lược, hàng “đỉnh” đối với các cơ quan Đảng và Nhà nước ở tỉnh ta bởi tính hữu dụng của nó.

Chiếc xe được nâng niu chăm sóc đúng như câu “Yêu xe như con, quý xăng như máu”. Người nào đi xe bước vào sau cùng mà đóng cửa hơi mạnh là bị nhắc nhở ngay, nhất là Tổng Biên tập Trần Liễm. Tuy không nói nhưng ông cau cả hai chân mày, đằng hắng. Quý xe nên mỗi khi đi công tác về là tài xế lập tức đưa ngay xe vào sân cơ quan, xịt nước rửa, lau chùi cẩn thận.

Ngày ấy, cánh phóng viên chúng tôi muốn được đi công tác bằng xe U oát thì phải lập kế hoạch từ trước, ít nhất cũng 1 tuần để lãnh đạo duyệt. Nào là đi mấy người, xuống ít nhất cũng vài huyện, thực hiện những đề tài gì...

Thường thì chúng tôi chia làm 2 cánh, nếu là phía Đông thì đi một vệt các huyện An Khê (chưa lên thị xã), Kông Chro, Kbang; nếu là phía Đông Nam thì ghé bỏ quân ở Ayun Pa rồi xuống Krông Pa, cánh Tây thì Chư Prông, Đức Cơ, mỗi đợt đi ít nhất 4-5 người.

Trên xe U oát chỉ có 1 chiếc máy quạt nhỏ gắn trên bảng táp lô bên phải tài xế. Cánh phóng viên thường ngồi băng sau, nhiều hơn thì sử dụng đến ghế phụ. Thế nhưng, được đi công tác bằng xe U oát xuống cơ sở là trông oách lắm, hành trang không nhiều cũng chẳng nặng nề gì nhưng anh nào cũng khệ nệ túi xách, sổ tay, máy ảnh, máy ghi âm.

Là xe công nên trước khi đi công tác, Phòng Hành chính kiểm tra công-tơ-mét để khi về thanh toán tiền nhiên liệu (hoặc ứng trước). Đi công tác cơ sở, anh Khôi cũng khá “linh hoạt”, mỗi khi xuống mấy con dốc thấp thường cho xe về số O để tiết kiệm xăng. Tôi hay trêu: “Xe còn mới nên chạy êm quá, không nghe tiếng máy”.

Tôi nhớ mãi chuyến đi ra miền Bắc hồi cuối năm 1992. Sau khi dự hội thảo báo chí khu vực miền Trung-Tây Nguyên ở Nghệ An, đoàn Báo Gia Lai do Tổng Biên tập Trần Liễm dẫn đầu đã đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại một số tòa soạn ở các tỉnh như: Thanh Hóa, Ninh Bình, Hòa Bình, Hà Tây.

Trên xe phía trước là tài xế Khôi và Tổng Biên tập Trần Liễm, băng ghế sau 4 người gồm: chị Sao (vợ anh Trần Liễm), anh Đức Thanh-phóng viên ảnh ngồi sát cửa bên trái, tôi và anh Văn Thư. Anh Đức Thanh hay ngủ gật dựa đầu vào thành xe nên thi thoảng anh Khôi lại ngoặc nhẹ tay lái một chút cho đầu anh Thanh đập vào thanh gọng của tấm bạt, vậy mà anh ấy vẫn ngủ mê mệt…

Đã vậy, năm ấy đoạn đường từ Hà Tĩnh ra Thanh Hóa rất xấu, còn nhiều ổ gà, anh Trần Liễm nói vui, bảo chúng tôi xuống xe khiêng mấy hòn đá lớn bỏ phía sau cho xe bớt xóc…

Không thể quên những kỷ niệm gắn bó với chiếc xe U oát này. Bao nhiêu năm nó đã đưa phóng viên chúng tôi đi về các xã vùng xa, vùng sâu của tỉnh một cách an toàn. Còn nhớ hình như khoảng cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, chúng tôi có một chuyến xuống xã Ia Mlah, huyện Krông Pa. Đây là một trong các xã vùng xa, vùng khó khăn của Krông Pa những năm ấy.

Như đã nói, năm đó, đường xuống các xã không như bây giờ, chúng tôi đến tận nơi tìm hiểu và viết bài về những người thợ khoan đang khoan các mũi khoan thăm dò trên lòng suối Mlah để xây dựng hồ chứa nước Tân Túc. Đường đi khó nên một bên thành xe bị trầy xước mấy chỗ, về đến cơ quan bị Tổng Biên tập Đặng Thị Thu Hà xót xe “sạc” cho một mẻ: Tại sao các anh làm trầy xước xe như thế?

Vài năm sau, cơ quan được cấp thêm 1 chiếc xe Mazda nhưng chiếc U oát vẫn được dùng để anh em phóng viên đi công tác cơ sở. Mãi cho đến mấy năm sau này nữa, nghĩa là đã sang thế kỷ XXI và qua thêm 2 đời tổng biên tập nữa nó mới chịu vào nằm yên trong gara trước khi thanh lý, hoàn thành một đời cống hiến cho sự nghiệp báo chí tỉnh nhà.

Tài xế Phạm Minh Khôi, người gắn liền với chiếc xe này cũng đã nghỉ hưu chuyển ra Hà Nội sinh sống. Và với chúng tôi, những người thuộc thế hệ 5X, 6X của Báo Gia Lai mãi không quên hình dáng thân quen của chiếc U oát năm ấy, nhờ nó mà chúng tôi đã đi không biết bao nhiêu dặm đường.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/mot-thoi-u-oat-post267774.html