Một sự hâm mộ đến mức... không hề nhẹ

Như đã kể từ kỳ trước, ông 'Chồ Chồ' sau khi nhận ra tôi là nhà văn đồng tác giả bộ phim 'Cảnh sát hình sự' thì lấy làm thích thú và sau khi chúc tôi mấy li rượu thì đòi ôm tôi lâu lâu để về nhà cho vợ lấy hơi tôi. Sáng hôm sau, bọn tôi ăn sáng xong, chuẩn bị rời đi thì 'Chồ Chồ' đi xe máy xịn chở vợ trẻ xinh đến gặp.

"Chồ" bảo, tối qua, em về kể chuyện, vợ em bật băng xem lại mấy tập phim, rồi lục sách báo tìm đọc văn thơ của bác. Sáng nay cứ quyết bắt em chở đến đây để xem mặt bác. Mời bác đi ăn sáng cùng vợ chồng em. Tôi bảo ăn rồi thì vợ chồng "Chồ" nài nỉ đi uống cà phê bằng được.

Ngồi cà phê, ngắm kỹ, càng thấy vợ "Chồ" trẻ và xinh thật. Da trắng bóc, tóc xanh rì, môi đỏ, mắt long lanh, khuôn mặt thanh tú. Thấy cô ấy cứ nhìn như dán vào mình, tôi hỏi: Hôm qua chồng em ôm anh lâu, bảo về sẽ ôm em, cho em biết mùi tác giả phim hình sự. Có thật không? Có thấy mùi anh không? Có thích không? Cô bé bẽn lẽn: “Dạ thật ạ. Em có thấy chút mùi tác giả. Thích lắm ạ”.

Nhà văn Nguyễn Thành phong - đồng tác giả kịch bản Phim “Cảnh sát Hình sự” - Tác giả bài viết 4 kỳ về Những chuyện vui vui của Phim “Cảnh sát Hình sự”.

Tôi cười cười: Ôm kiểu gián tiếp thế thì ít mùi lắm. Có thích thì lại ôm trực tiếp anh này, cho nó nhiều mùi nào. Cô bé đứng lên, dợm chân bước về phía tôi. "Chồ" vội nắm tay vợ, mặt đau khổ: Ô chồ, không không! Ít mùi mà thích là được rồi. Không cần nhiều đâu, mình ơi. Tôi đành bước lại gần, bảo: Thôi, chồng không cho ôm, thì bắt tay anh vậy. Tôi đưa tay ra, em ấy hai tay nắm lấy rất chặt, nóng ấm và mắt sáng ngời ngời lên...

Tôi lên xe đi rồi, nhìn qua gương chiếu hậu, bên đường, thấy "Chồ" ôm vai vợ, trong khi cô bé vẫn nhìn mãi theo phía xe tôi chạy xa dần...

Có một bận, khi ấy phim "Cảnh sát hình sự" đang chiếu trên tivi, chả biết lần thứ mấy, tôi đi xe máy trên đường Hà Nội. Mải nghĩ, không chú ý nhìn biển báo, vừa thoáng biết là biển cấm rẽ, thì đã rẽ xe vào, nên tôi cứ phóng đi tiếp. Được một đoạn, bỗng nghe tiếng còi choét choét ngân dài lên. Nhìn sang bên đường thấy mấy Cảnh sát giao thông cùng hai xe máy đặc dụng đang làm nhiệm vụ...

Tôi xi nhan, vượt qua chút rồi dừng xe lại bên hè phố. Xuống xe, quay lại nhìn ông Cảnh sát giao thông vừa thổi còi ra hiệu lệnh dừng xe mà mình vừa vượt qua. Ông Cảnh sát đứng bên đường, dáng trễ nải, cầm gậy chỉ huy giao thông ngoắc ngoắc. Tôi đã khó chịu vì động tác đó, vì nó không chính quy. Lại gần, thấy đó là một Thượng úy, quân hàm đeo vai đã bạc, cảnh phục đã cũ, mặt hơi già già, nghĩ, ông này chắc đã quá niên hạn mà chưa được thăng hàm, là típ sĩ quan có tí công thần pha bất mãn ngầm. Anh Thượng úy nhìn tôi, hất hất mặt, hỏi, anh đi kiểu gì đấy? Tôi bỗng thấy cau cáu, xẵng giọng: Đồng chí đã chào tôi chưa mà hỏi lỗi tôi, hả? Anh này ngạc nhiên, chắc chưa bao giờ thấy người vi phạm nào hỏi anh ta như thế, miệng hơi ơ ơ, rồi lắp bắp: Anh đã đi, đi sai rồi, cần... phải, phải chào à? Tôi cáu tiết hẳn, nói to: Điều lệnh quy định thế nào? Trước hết, anh phải chào tôi đã, rồi mới được xử lý, nhé. Và tôi bỗng gắt lên: Nào! Đứng nghiêm! Chào đúng điều lệnh đi!

Không hiểu giọng tôi lúc ấy sao đó mà anh Thượng úy rập ngay gót chân, giơ tay lên chào. Tôi ngó lom lom, thấy động tác chào của anh này vẫn chả ra làm sao cả, chiếc gậy giao thông treo lủng lẳng trên tay, bàn tay thì khum khum, cong cong. Tôi chợt nhớ lời nhận xét của vị lãnh đạo Công an khi có mấy ý kiến phê bình phim "Cảnh sát hình sự" diễn cảnh chào đáp sai điều lệnh hồi mới ra mắt, liền nhắc lại y nguyên: Chào gì mà cứ cù rà cù rù như gà rù thế hả? Rồi tôi mỉm cười, nói: Bây giờ, đồng chí hãy chuyển cái gậy sang tay trái. Tôi sẽ hô và đồng chí chào lại cho thật chuẩn xem sao, được không?. Thượng úy bỗng như cái máy, làm theo. Tôi hô khẩu lệnh: "Nghiêm!... Đằng trước, thẳng!". Thượng úy rập gót, thẳng người, ngực ưỡn ra. Tôi hô: "Chào!". Thượng úy liền giơ tay chào.

Tôi nhìn, thấy ông này chào mà bàn tay vẫn khum khum, cẳng tay thì không thẳng, liền khẽ lắc đầu, nói: Chào thế này là không đúng điều lệnh. Tôi nhắc lại cho đồng chí quy định của điều lệnh về động tác chào nhé: Tay phải đưa lên theo đường gần nhất, đầu ngón tay giữa đặt sát và ngang đuôi lông mày bên phải, năm ngón tay khép lại duỗi thẳng, lòng bàn tay úp xuống, hơi chếch về trước, bàn tay và cánh tay dưới thành một đường thẳng, cánh tay trên nâng lên ngang vai, đầu ngay, mắt nhìn thẳng vào người mình chào!

Vừa nói, tôi vừa thị phạm, không để ý lúc ấy, có một Cảnh sát đã đến đứng gần, lặng lẽ quan sát. Khi tôi sửa xong cho anh Thượng úy, người này nói: “Thủ trưởng” sửa điều lệnh cho anh em tôi chuẩn quá! Tôi nhìn sang, thấy đó là một Đại úy, quân hàm mới tinh, chắc mới được thăng và là người phụ trách nhóm này.

Tôi vui vẻ nói với cả hai: Quân phong, quân kỷ là bộ mặt Lực lượng vũ trang. Các anh phải làm đúng và chuẩn thì mới có uy, có sức thuyết phục mà xử lý cái sai của người khác, chứ tôi chưa nói đến chuyện xả thân chiến đấu vì sự bình yên của cuộc sống đâu nhé.

Dàn diễn viên phim: "Cảnh sát hình sự" đời đầu.

Anh Đại úy tươi cười: Dạ, "thủ trưởng" nói đúng lắm ạ. Xin lỗi "thủ trưởng" vì anh em làm chưa chuẩn ạ. Tôi tươi cười đáp lại: Giờ làm đúng rồi thì xử lý mình đi. Mình đã sai gì? Đại úy liền hỏi: Chắc "thủ trưởng" làm ở Tổng cục hay Cục nào trên Bộ ạ? Tôi rút ví, móc cái thẻ ngành ra, chỉ vào tên mình: Tôi là đồng tác giả phim "Cảnh sát hình sự" đang chiếu trên tivi đấy, hai ông có xem không? Cả hai cùng ồ lên thích thú. Thượng úy bảo: Thế, thảo nào sếp biết hết cả thế chứ. Đại úy bảo: Cả nhà em đều xem phim này. Có tối nào em phải trực ban thì đều nghe vợ con kể lại sau. Tôi cởi mở: “Nhưng đấy là phim về lính hình sự, các ông làm cảnh sát giao thông.... Đại úy ngắt lời tôi, dạ, thì cũng là hình ảnh Công an ta cả ạ, hơn nữa cũng có cảnh Cảnh sát giao thông phối hợp Cảnh sát hình sự truy bắt tội phạm đấy chứ! Tôi cười cười, ừ, đúng thế đấy...

Thấy cũng đã khá tốn thời gian, tôi nói, thôi chúng ta cùng rút kinh nghiệm nhé. Lần sau các anh chuẩn mực mọi nhẽ, tôi mà sai, cứ đè ra phạt. Cả hai cùng cười. Tôi giơ tay ra, nói, nào các anh bắt tay tác giả phim hình sự cái nào. Bắt tay hoan hỉ xong, tôi lên xe máy phóng đi tiếp...

Đi được một đoạn, thì lại thấy chiếc mô tô Cảnh sát đuổi theo, áp sát xe của mình và vang lên tiếng nói: Anh Phong, anh Phong, dừng lại! Tôi quay qua nhìn thì thấy đó là hai Cảnh sát giao thông lúc nãy, anh Thượng úy cầm lái, anh Đại úy ngồi sau. Tôi chột dạ, hay họ điện về đơn vị hỏi và biết đấy là tôi sai, hay họ điện về cho sếp tôi, biết tôi chỉ là một biên tập viên tay mơ thôi, làm như thế là quá quyền hạn? Lúc trước, thì họ gọi tôi là "thủ trưởng", là "sếp", giờ thì lại gọi là anh nữa chứ.

Tôi dừng xe, cố nhoẻn cười: Có việc gì vậy. Anh Đại úy đưa tay lên túi áo ngực làm tôi càng lo. Nhưng tôi thở phào khi thấy đó là cái phong bì. Đại úy tươi tắn, nhìn tôi, nói: Anh đi nhanh quá. Bọn em đuổi mãi mới kịp. Thế này ạ, bọn em có tí quà nhỏ tặng để anh uống cà phê, đây không phải tiêu cực hay đút lót gì đâu nhé, mà là tình cảm của người hâm mộ. Tôi vội xua tay: Ấy, đừng làm thế, tôi không nhận đâu. Đại úy nắm tay tôi, chân tình: Anh ơi, đây là để thể hiện sự yêu quý của bọn em với những người làm ra bộ phim mình đã được xem và nay may mắn gặp tác giả thôi. Nếu sau này viết tiếp, mời anh hãy đến mà đi thực tế thêm với bọn em, anh nhé. Tôi cười thoải mái, ừ nếu thế thì mình xin nhận. Hai anh Cảnh sát bắt tay tôi lần nữa rồi lại lên xe phóng đi làm nhiệm vụ.

Cuối chiều hôm ấy, tôi đi chợ, lấy tiền ấy chọn mua được một con gà mái ghẹ rất ngon về làm cơm chiêu đãi cả nhà. Vợ tôi cười tươi, bảo, viết phim hình sự như anh, thế là vừa có nhuận bút đưa thêm cho vợ, lại được nhiều người hâm mộ nữa, hơn là làm thơ nhiều đấy chứ. Anh phải viết tiếp đi, thôi đừng làm thơ nữa. Tôi bảo, tưởng mỡ đấy mà húp, để viết được kịch bản phim “Cảnh sát hình sự”, cũng phải hội đủ cơ duyên đấy, không dễ đâu nhé!

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/mot-su-ham-mo-den-muc-khong-he-nhe-i689904/