Một số quy định mới về giấy khai sinh

Gần đây, báo Tiền Phong nhận được câu hỏi của bạn đọc về một số khúc mắc xung quanh việc cấp giấy khai sinh (GKS) và những quy định mới về việc làm giấy khai sinh. Ông Nguyễn Quốc Cường (ảnh), Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp (Bộ Tư pháp) trả lời về vấn đề này:

Sở dĩ có bản chính giấy khai sinh (GKS) cấp cho nhiều trường hợp không đồng nhất vì thời gian qua, theo quy định, GKS do các cấp xã, phường; quận, huyện hoặc Sở Tư pháp cấp có những biểu mẫu khác nhau. Đồng thời trong từng giai đoạn lại có những quy định về biểu mẫu GKS mới nên có sự khác nhau đôi chút. Bên cạnh đó, khi làm bản chính GKS thường phải đánh máy vào phần để trống, nhưng có địa phương chưa làm được việc này nên viết tay. Tuy nhiên, tất cả những GKS này đều là hợp pháp.

Cũng vì sự chưa thuận tiện trong việc sử dụng những mẫu GKS khác nhau, nên theo quy định tại Thông tư 08a/2010/TT/BTP (ngày 25-3-2010), tất cả các mẫu GKS (bản chính, bản sao) được áp dụng đồng nhất trên toàn quốc từ 1-7-2010. Mẫu GKS mới về cơ bản cũng như những GKS trước đây, chỉ đề cập kỹ hơn phần liên quan đến bố mẹ như nơi thường trú, tạm trú, năm sinh.

Khi làm bản sao GKS, người dân sẽ được cấp theo 2 hình thức: Hình thức thứ nhất là sao từ sổ đăng ký khai sinh gốc, sẽ được làm theo biểu mẫu bản sao GKS mới. Hình thức thứ hai là phô tô GKS gốc, sau đó chứng thực sao đúng với bản chính. Thời hạn đi khai sinh là 60 ngày. Nếu để quá hạn mới làm GKS sẽ bị phạt theo quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp.

Theo ông Cường trong trường hợp bản chính GKS bị mất, hỏng hoặc phải ghi chú quá nhiều nội dung do được thay đổi (cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính...) mà sổ đăng ký khai sinh còn lưu trữ được thì được cấp lại bản chính GKS. Khi đó, người yêu cầu cấp lại bản chính GKS phải nộp tờ khai (theo mẫu quy định) và bản chính GKS (nếu có). Cán bộ tư pháp (của Phòng Tư pháp) hoặc cán bộ hộ tịch (của Sở Tư pháp) căn cứ vào Sổ đăng ký khai sinh đang lưu trữ để ghi vào nội dung từ cấp lại dưới tiêu đề của bản chính GKS. Sau đó, Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc Giám đốc Sở Tư pháp ký và cấp cho đương sự một bản chính GKS mới, thu hồi lại GKS cũ (nếu có).

Trường hợp khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không xác định được người cha, thì phần ghi về người cha trong sổ đăng ký khai sinh và GKS để trống. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh có người nhận con, thì UBND cấp xã, phường kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh.

Đối với trường hợp trẻ bị bỏ rơi, thì việc ghi họ tên của trẻ vào GKS theo đề nghị của người đi khai sinh; nếu không có cơ sở để xác định ngày sinh và nơi sinh, thì ngày phát hiện trẻ bị bỏ rơi là ngày sinh, nơi sinh là địa phương nơi lập biên bản; quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam. Phần khai về cha mẹ và dân tộc của trẻ trong GKS và Sổ đăng ký khai sinh được để trống. Trong trường hợp có người nhận trẻ làm con nuôi, cán bộ tư pháp hộ tịch căn cứ vào Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi để ghi tên cha, mẹ nuôi trong Sổ đăng ký khai sinh và GKS của con nuôi. Nội dung ghi chú này phải được giữ bí mật, chỉ những người có thẩm quyền mới được tìm hiểu...

Kiến Nghĩa

Báo giấy

Báo giấy

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/tuong-tac/ban-doc/537889/mot-so-quy-dinh-moi-ve-giay-khai-sinh.html