Một số kiến nghị về hạn chế, bất cập trong áp dụng luật

Qua 4 năm thực hiện Luật Khiếu nại (KN), Luật Tố cáo (TC), về cơ chế giải quyết đã đảm bảo tính khách quan, công khai, dân chủ trong quá trình giải quyết, đã đề cao vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, trách nhiệm của các cơ quan hữu quan... tạo niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: CT

Tuy nhiên, UBND tỉnh Long An cho rằng, vẫn còn một số quy định cần kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung cho thống nhất, đồng bộ.

Nội dung KN,TC chủ yếu liên quan đến đất đai

Trong 4 năm qua, các ngành, các cấp tiếp công dân thường xuyên hơn 30 nghìn lượt. Lãnh đạo tiếp công dân theo định kỳ và đột xuất là hơn 4,3 nghìn lượt (lượng đơn KN chiếm 80%). Đã tiếp nhận hơn 17 nghìn đơn KN. Trong đó, đơn thuộc thẩm quyền là 8.726 đơn, đã giải quyết được 8.588 đơn.

Qua kết quả giải quyết đơn thuộc thẩm quyền cho thấy, số vụ việc KN đúng chỉ chiếm 20,74%, số vụ việc KN đúng một phần chiếm 11,56%. Kết quả thu hồi về cho Nhà nước 1.040 triệu đồng, 15.177m2 đất và trả lại cho công dân 2.212,4 triệu đồng và 414.805,1m2 đất, trả lại quyền lợi cho 508 công dân... UBND tỉnh Long An cho biết, nội dung KN chủ yếu vẫn tập trung vào lĩnh vực bồi thường, thu hồi đất, tái định cư tại các dự án được đầu tư trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Đối với tình hình giải quyết TC, toàn tỉnh đã tiếp nhận đơn 929 đơn TC. Trong đó, đơn thuộc thẩm quyền là 390 đơn, đã giải quyết là 383 đơn. Nội dung đơn TC chủ yếu là TC những hành vi vi phạm của cán bộ trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai. Qua kết quả giải quyết cho thấy, số vụ việc TC đúng là 38, số vụ việc TC đúng một phần là 53...

Theo UBND tỉnh, nguyên nhân dẫn đến tình hình KN,TC là do cơ chế, chính sách, pháp luật còn bất cập, chưa phù hợp thực tế; công tác quản lý còn có những yếu kém, sai phạm, nhất là trong lĩnh vực đất đai, tài chính ngân sách, đầu tư xây dựng; khi phát sinh KN chính quyền cơ sở chưa làm tròn trách nhiệm của mình, thiếu quan tâm giải quyết có vụ việc giải quyết chậm, công tác thẩm tra, xác minh, thu thập bằng chứng, chứng cứ chưa đầy đủ, kết luận thiếu tính chính xác, áp dụng pháp luật cứng nhắc chưa thật sự “thấu tình đạt lý”…

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Cần phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Chu Tuấn

Một số hạn chế bất cập

Mới đây, tại hội nghị tổng kết 4 năm thi hành Luật KN, Luật TC, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Cần đã chủ trì và chỉ đạo hội nghị. Theo đó, UBND tỉnh Long An đã kiến nghị một số vấn đề còn hạn chế, bất cập trong việc thi hành, áp dụng Luật KN, Luật TC thời gian qua.

Đối với Luật KN, UBND tỉnh đã nêu ra một số bất cập trong các quy định về KN quyết định hành chính, hành vi hành chính. Điển hình là theo khoản 1, 2, Điều 2 của Luật KN năm 2011 thì người nước ngoài và người không quốc tịch sống trên lãnh thổ Việt Nam không được có quyền KN. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1, Điều 3 của Luật này thì “KN của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam và việc giải quyết KN được áp dụng theo quy định của Luật này, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác” thì cá nhân nước ngoài vẫn có quyền KN và vẫn thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật KN năm 2011...

Ngoài ra, theo quy định hiện hành, công dân chỉ có quyền KN một quyết định hành chính mang tính cá biệt mà không có quyền KN quyết định mang tính quy phạm của cơ quan Nhà nước. Đây là một hạn chế đối với quyền KN của công dân, vì trên thực tế, chính những quyết định này mới gây nhiều bức xúc trong nhân dân và thậm chí dẫn đến những KN đông người, vượt cấp...

UBND tỉnh cũng đề cập tới vấn đề bất cập trong quyền và nghĩa vụ của người KN, người bị KN và của luật sư, trợ giúp viên pháp lý. Cụ thể, theo quy định của điểm a, khoản 1, Điều 12 Luật KN: “... về trường hợp người KN ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất... thì được ủy quyền cho cha, mẹ... hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để thực hiện việc KN ...”. Vậy, chưa quy định, cụ thể rõ “... người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ...”, vì khi được ủy quyền, cơ quan có thẩm quyền không có xác nhận người được ủy quyền có năng lực hành vi hay không. Từ đó, có nhiều đối tượng không phải là luật sư, trợ giúp viên pháp lý hay người thân trong gia đình đã lợi dụng, xúi giục người dân KN nhằm trục lợi cá nhân...

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng nêu ra một số vấn đề bất cập về giải quyết KN; các quy định về KN, giải quyết KN quyết định kỷ luật cán bộ, công chức...

Tương tự, đối với Luật TC, UBND tỉnh Long An cũng chỉ ra một số vấn đề như: Các quy định về quyền, nghĩa vụ của người TC, người bị TC và người giải quyết TC; các quy định về giải quyết TC đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; các quy định về bảo vệ người TC…

Đáng chú ý, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, việc xử lý hành vi vi phạm các quy định pháp luật về TC theo quy định tại Điều 46, 47 và Điều 48 Luật TC còn gặp nhiều khó khăn. Pháp luật hiện nay còn thiếu các quy định cụ thể về việc xử phạt vi phạm trong lĩnh vực TC. Vì vậy, các cơ quan còn lúng túng, khó khăn khi xử lý đối với những hành vi vi phạm quy định pháp luật về TC.

Trong thời gian tới, Chính phủ cần ban hành Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực KN, TC làm cơ sở đấu tranh, xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, nhất là đối với các đối tượng lợi dụng quyền KN, TC để gây rối an ninh trật tự, xúc phạm cán bộ, công chức, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các cơ quan Nhà nước.

Chu Tuấn

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/mot-so-kien-nghi-ve-han-che-bat-cap-trong-ap-dung-luat_t114c1059n111157