Một phẩm chất Việt

Từ lâu rồi, đã nhiều học giả lừng lẫy trong nước cũng như ngoài nước, tâm huyết khảo cứu về văn hóa của người Việt. Có thể kể ra đây vài danh xưng đáng kính như cụ Lê Quý Đôn, cụ Đào Duy Anh hay cụ Cadier… Tất nhiên, lý thuyết của mỗi cụ đều có chỗ còn phải tranh cãi, học thuật mà. Thế nhưng ở từng thuyết lý, đều bừng bừng chính khí, khẳng định và tôn vinh những phẩm chất làm lên một quốc gia Đại Việt. Không phải ngẫu nhiên mà hàng nghìn năm trên mảnh đất hình chữ S vốn đẫm đầy bi tráng này, một dân tộc cứ lừng lững nghẹn ngào quật cường tồn tại. Và một trong những phẩm chất tuyệt đối được hầu hết các học giả thống nhất, đó là người Việt luôn ý thức tự kiến tạo một bản sắc riêng, rồi từ đấy tự tin kết nối với những nền văn minh hoặc văn hóa khác.

Do hoàn cảnh khách quan lịch sử, đất Việt trở nên là nơi hội tụ của rất nhiều những giá trị văn hóa khác nhau. Có những thứ đã hiện diện cả nghìn năm và có những thứ mới chỉ xuất hiện chừng vài chục năm. Thế nhưng có điều lạ, tất cả những biểu hiện văn hóa khác biệt ấy, đều được “Việt hóa” rất nhanh theo một cách tinh tế và sâu sắc nhất. Ví như những lễ hội chẳng hạn. Đầu tiên phải kể là những lễ hội thuần chất bản địa, bởi nó nằm sâu xa trong máu thịt của từng người dân. Đã từ xa xưa, chữ “lễ” của người Việt luôn quấn quýt với chữ “hội” gần như thành một, nôm na hiểu là những nghi thức cầu cúng thiêng liêng của một cộng đồng dân cư tương đối hẹp, kiểu như “làng”. Trong buổi hội làng đấy, ngoài những lễ uy nghi đương nhiên, thì cũng có khá nhiều những sinh hoạt vui chơi vô tư dân dã mà nhất thiết không cứ là ăn uống hay làm trò. Có thể đó là đánh đu, là thả diều, là chơi quay. Và cũng có thể tệ hơn là chơi thò lò, là leo cột mỡ, là liền anh liền chị ngả nón xin tiền. Đại loại, lễ là biểu hiện thuần túy mặt tâm linh, còn hội là những trò vè văn hóa xảy ra sau khi buổi lễ kết thúc. Nói chung, lễ bao giờ cũng có trước, còn hội là phái sinh theo sau. Nó là một yếu tố quan trọng để kiến tạo lên làng Việt.

Tiếp đến là những ngày lễ có xuất xứ từ những nền văn minh khác, ví như những lễ tiết theo mùa của lịch trăng kiểu như Nguyên Đán (mùng 1 tháng Giêng) như rằm Trung Thu tháng Tám hay Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch). Lại có những lễ hội tới từ giao thoa văn hóa tôn giáo như Phật Đản hoặc Noel chẳng hạn. Học giả Phan Kế Bính đã giản dị giải thích, “tính An Nam ta rất cần mẫn, chịu thương chịu khó mà không có ngày nào là chủ nhật. Vậy nên phải có một ngày nghỉ ngơi ăn chơi cho giải trí. Nhưng chẳng lẽ tự nhiên vô cớ mà nghỉ công nghỉ việc, mà ăn chơi không. Vậy mới nhân tuần này tiết nọ, bầy ra cách ăn tết” (Việt Nam phong tục). Có lẽ nghĩ nhẹ nhàng đơn giản như vậy nên người Việt sẵn sàng tiếp nhận những lễ hội mang yếu tố ngoại lai. Và điều đặc biệt độc đáo là những lễ Tết này chỉ cần một thời gian rất ngắn đã thẩm thấu rồi sâu lắng trở thành một phần trong mênh mông văn hóa Việt. Thôi thì không kể những ngày lễ nho nhỏ như ngày lễ Tình yêu Valentine (14 tháng 2 dương lịch) hay lễ hội Halloween mới toanh du nhập, chỉ cần nhắc tới ngày Noel cũng tới từ phương Tây thì biết. Ở nhiều vùng miền, lễ trọng thể Giáng Sinh đã trở nên quen thuộc y như lễ vào mùa, lễ cầu ngư hay lễ Tết Nguyên Đán. Tiếng chuông nhà thờ làm kẻ tha hương quặn nhớ cố quốc không kém gì tiếng chuông chùa. Những bài “vãn” dâng hoa vang trong các thánh đường, vừa có âm hưởng thánh ca vừa có âm hưởng của chèo của quan họ. Năm đại thánh Hai Nghìn, tranh thánh gia treo trước cửa chính Nhà thờ Lớn Hà Nội, vẽ người cha Giu Se quấn khăn đầu rìu mặc bộ quần áo nâu của người nông dân Việt. Người mẹ Maria yếm đào để tóc đuôi gà ôn nhu bế Chúa Hài đồng bụ bẫm tóc trái đào ba chỏm. Bữa tiệc tối đêm Noel, chỉ lác đác có nhà làm ngỗng quay, gà tây sốt vang còn hầu như là cỗ thuần Việt. Thậm chí nhiều nhà còn làm thịt chó, nồng ấm trong vị rượu trắng “quốc lủi”. Không phải ngẫu nhiên mà vào ngày ấy, với chính sách nhân văn tự do tôn giáo và tôn trọng tín ngưỡng, những vị lãnh đạo cao nhất của nhà nước ta luôn chân thành tới thăm hoặc nồng nhiệt chúc mừng các hàng giáo sĩ.

Những lễ hội ở ta là một minh chứng rõ nét nhất để thấy được phẩm chất “kiến tạo và kết nối” trong cuồn cuộn sinh lực Việt.

Có thể khẳng định chắc chắn rằng, những lễ hội ở ta là một minh chứng rõ nét nhất để thấy được phẩm chất “kiến tạo và kết nối” trong cuồn cuộn sinh lực Việt. Chẳng nói ở đâu xa, chỉ cần khảo sát ngay tại Hà Nội này thôi. Bởi đơn giản, Hà Nội đã từ rất lâu vốn là một trung tâm văn hóa. Mà văn hóa thì bao trùm mọi sinh hoạt, từ những nghi lễ đầm ấm dân gian truyền thống đến các nghi lễ tôn giáo thiêng liêng. Với chiều dài lịch sử hơn cả nghìn năm, đương nhiên Hà Nội đã và sẽ có vô số những ngày đáng nhớ. Hùng tráng như hôm hai vua Trần vừa thắng quân Nguyên oanh liệt về tới bến Đông Bộ Đầu. Hay cái ngày mà Hoàng đế Quang Trung đập tan quân Thanh ở gò Đống Đa, mùng 5 tháng Giêng Kỷ Dậu. Hay là cái ngày gần hơn, mùng 10-10-1954 lúc trung đoàn Thủ Đô dẫn đầu đại quân tưng bừng tiến vào năm cửa ô ngập nắng. Lễ hội cổ truyền thì đặc biệt có nhiều. “Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy”, cái câu ca đã làm xao động không biết bao nhiêu thế hệ nam thanh nữ tú của Hà thành. Rồi lễ hội đền An Dương Vương ở Cổ Loa, rồi lễ hội Phù Đổng cổ kính và kỳ thú tới mức “Ai ơi mùng chín tháng tư, không đi hội Gióng cũng hư mất đời”. Và không chỉ những làng thanh bình cổ xưa ven ô, ngay trong những con phố cũ tấp nập của Thăng Long thành cũng đầy ắp lễ hội cho riêng nó. Vì “phố”, với nghĩa là nơi buôn bán là nơi tạo sinh dịch vụ của các phường nghề, nên mỗi một khu phố đều thờ một vị tổ cùng với những vị thần bảo trợ. Ví như đền thờ vị tổ nghề giầy dép ở ngõ Hàng Hành, hay thờ tổ nghề kim hoàn ở đình Kim Ngân trên phố Hàng Bạc. Đặc biệt, ở phố Hàng Chai còn có một đình thờ tổ nghề hát ả đào phía đằng sau khu nhà số 7. “Hàng năm các ả đào vẫn về đây giỗ tổ có hát chầu Thánh, múa bài bông”. (Tìm hiểu lễ hội ở Hà Nội-NXB Hà Nội 2010, trang 20). Vào những ngày lễ lớn nói chung hay những ngày hội nho nhỏ nói riêng, tất cả những con phố cũ bỗng thong thả thăng hoa thành nửa quen nửa lạ. Vỉa hè thông thoáng tới bất ngờ, lòng đường cũng như lòng người chợt nhiên thanh thản cao rộng. Đứng từ đầu phố nhìn được gần suốt cuối phố, nơi có một gánh hàng hoa để trên xe đạp đang ngân nga chầm chậm trôi. Các bà các cô bỗng nhẹ nhàng khác ngày thường, nao nao muốn đi lễ chùa rút một quẻ bâng quơ cầu lộc.

Lễ hội ở phố có được là nhờ Hà Nội đã từng có làng. Bây giờ Ngọc Hà đã không còn là làng hoa nữa, làng Láng đã thành đường Láng. Chợt hoang mang nhớ cái hồi còn ngu ngơ lều chõng, đợi đúng chùa Láng mở hội thì có theo một cô bạn cùng lớp xinh xinh học dốt vào nhờ sư bà dạy cho bài khấn “thi qua trong kỳ thi lại”. Hôm rồi, lơ mơ ký ức có đi xuống mạn đấy. Ngẩn ngơ đứng ở dưới biển “phố Chùa Láng”, loang loáng những bê-tông nhôm kính, tuyệt tích ao hồ. Loay hoay nhìn quanh, suýt thì lạc. May thay, xa xa vẫn thấy cổng chùa rêu phong tưng bừng cờ phướn. Ừ nhỉ, hôm nay mùng bảy tháng ba âm lịch là ngày chính hội. Làng có vẻ đã mất rồi nhưng phố vẫn đọng đầy hồn lễ.

Bởi lễ hội luôn là nơi nuôi dưỡng và gìn giữ tâm linh cho dân tộc Việt, để từ đó kiến tạo ra một hồn cốt độc đáo nghìn năm bất diệt. Nó thiêng liêng kết nối xưa vào nay. Nó đã và sẽ chẳng bao giờ mất.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/hangthang/van-hoa/item/31843402-mot-pham-chat-viet.html