Một người Mỹ nặng lòng với Việt Nam

Phản đối đi lính ở Việt Nam, nhưng sau đó ông lại đến đất nước này để cưu mang hàng nghìn đứa trẻ bụi đời và bây giờ ông trở lại để thực hiện dự án giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Đó là Dick Hughes – một người Mỹ có tình yêu mãnh liệt với Việt Nam.

Phản đối đi lính ở Việt Nam, nhưng sau đó ông lại đến đất nước này để cưu mang hàng nghìn đứa trẻ bụi đời và bây giờ ông trở lại để thực hiện dự án giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Đó là Dick Hughes – một người Mỹ có tình yêu mãnh liệt với Việt Nam.

... Từ Quảng Trị vào Đà Nẵng, khi dừng chân trên đỉnh đèo Hải Vân, Dick Hughes lấy trong túi ra những hình ảnh xưa cũ về những đứa trẻ bụi đời ở Đà Nẵng từ thời chiến tranh, rồi dò hỏi về Minh, người từng sống trong những căn nhà tình thương do ông dựng lên. Rất bất ngờ, nhiều người bán hàng ở đèo Hải Vân đều nhận ra và một chị phụ nữ đã tình nguyện dẫn đoàn của Dick Hughes đến nhà anh Minh ở P.Hòa Hiệp Bắc (Q.Liên Chiểu). “Minh bận đi làm nên không có ở nhà, chỉ có vợ con và cháu của Minh tiếp chúng tôi. Nhìn Minh có gia đình hạnh phúc, nhà cửa khang trang, tôi rất vui”-Dick Hughes nói. Nghe Dick Hughes tâm sự, chúng tôi phần nào cảm nhận được niềm vui trong lòng ông. Quả thật, không nhiều người tin rằng, những đứa trẻ bụi đời trong chiến tranh lại có cuộc sống hạnh phúc hôm nay...

Dick Hughes chụp ảnh cùng những đứa trẻ đường phố ở Đà Nẵng trước chiến tranh(ảnh do nhân vật cung cấp).

Dick Hughes chụp ảnh cùng những đứa trẻ đường phố ở Đà Nẵng trước chiến tranh(ảnh do nhân vật cung cấp).

Năm 1968, như nhiều thanh niên Mỹ lúc bấy giờ, Dick Hughes nhận được lệnh tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, chàng thanh niên Dick Hughes cương quyết chống lại chuyện nhập ngũ, công khai phản đối chiến tranh. Và hẳn nhiên, anh phải đối mặt với án tù vì chống lệnh quân ngũ. Trong khi nhiều người chạy trốn qua các nước khác thì Dick Hughes lại quyết định đến Việt Nam. Thông qua những người bạn, Dick được cấp thị thực đến Việt Nam để làm phóng viên tự do. Tháng 4-1968, Dick rời thành phố Boston đến Sài Gòn, một chuyến đi hoàn toàn bí mật đối với gia đình và bạn gái của anh. Nhớ lại thời điểm đó, Dick kể: “Tôi chọn đến Việt Nam vì muốn tìm hiểu thực tế về cuộc chiến Việt Nam, bởi lúc đó tôi cũng như nhiều người Mỹ khác chỉ nhìn Việt Nam qua truyền hình, chứ không hiểu gì về con người nơi đây. Lúc đến Sài Gòn, tôi rất nghèo, không có tiền, chỉ có hai bộ quần áo trong túi xách”.

Dick kể tiếp, khi bước xuống sân bay, ngồi nghỉ chân bên một khu đất trống thì có một cậu bé đánh giày đến hỏi: “Ông tên gì?”, “Tôi tên Dick Hughes”, ông trả lời. Cậu bé hỏi tiếp “Ông là lính hay thường dân?”. “Lúc đó tôi trả lời “thường dân” thì cậu bé ấy nói “vậy ông đi chỗ khác chứ ngồi đây làm gì, dân thường thì không đánh giày”. Khi đó tôi mới nhận ra chú bé đang đi tìm khách. Sau này tôi mới biết cậu bé đó tên Thắng và sống lang thang với nhiều đứa trẻ khác. Và tôi chợt lóe lên ý tưởng về làm điều gì đó để giúp Thắng, cũng như nhiều đứa trẻ bụi đời khác”, Dick kể.

Dick Hughes gặp lại những người từng cộng tác để giúp đỡ trẻ em đường phố ở Đà Nẵng.

Lúc bấy giờ, những đứa trẻ bụi đời sống lang thang vô định ở Sài Gòn, nếu bị bắt thì cảnh sát sẽ tống ngay vào tù hoặc trại tế bần. Thương những cảnh đời đó, Dick quyết định không trở về Mỹ bằng chuyến bay khứ hồi, mà dành số tiền mua vé máy bay thuê một căn hộ trên đường Phạm Ngũ Lão để làm nơi trú chân cho những đứa trẻ lang thang. Thời gian đầu, Dick rất khó thuyết phục chúng đến ở. Nhưng dần dà, có vài đứa trẻ đến xin tắm và ngủ lại, Dick để chúng làm gì tùy thích trong căn nhà đó, không gò bó trong khuôn phép nào. Thế là từ những đứa trẻ đầu tiên, ngày càng có nhiều đứa trẻ bụi đời khác tìm đến ngôi nhà của Dick Hughes. Kinh phí không có nên Dick chỉ cung cấp được cho chúng sữa và bánh mỳ. Sau đó Dick đã gởi thư vận động nhiều nhà từ thiện ở Mỹ và nhận được đóng góp của họ. Anh Nguyễn Thế Quang–người từng cùng Dick giúp đỡ những đứa trẻ bụi đời ở Sài Gòn kể: “Dick Hughes luôn muốn biến ngôi nhà là gia đình cho những đứa trẻ nên chẳng có quy định nào cả. Đứa trẻ nào muốn đi học chữ thì Dick cho đi học chữ, học nghề thì cho đi học nghề, còn không thì cứ tiếp tục đi đánh giày. Sau này, Dick tập trung đi vận động kinh phí, việc chăm sóc những đứa trẻ do những sinh viên tình nguyện như chúng tôi lo, bởi ông tin rằng, người Việt sẽ hiểu và giúp người Việt tốt hơn. Lúc đó cũng có nhiều mô hình như của Dick, nhưng hoạt động không hiệu quả bằng”. Từ ngôi nhà ban đầu, Dick đã phát triển lên thành 6 nơi trú chân cho trẻ em bụi đời ở Sài Gòn lúc đó. Không những vậy, Dick còn phát triển 2 ngôi nhà khác ở Đà Nẵng để giúp những đứa trẻ bụi đời. Ông Nguyễn Văn Nghĩa (trú P.Phước Ninh, Q. Hải Châu), trước chiến tranh có tham gia cùng Dick giúp đỡ những đứa trẻ bụi đời, cho biết: “Dick giúp những đứa trẻ rất tận tình, ăn ngủ và chơi cùng chúng. Ở Đà Nẵng lúc đó 2 ngôi nhà của Dick giúp đỡ cho hàng trăm trẻ em bụi đời. Sau này khi chiến tranh kết thúc, Dick trở về Mỹ thì mô hình của anh vẫn được người khác tiếp tục thực hiện ở Đà Nẵng qua Trung tâm bảo trợ trẻ em đường phố”. Từ năm 1968 đến năm 1975, mô hình của Dick đã giúp đỡ cho hàng nghìn trẻ em đường phố, nhờ thế mà không ít đứa trẻ có cuộc sống khá hơn.

Dick Hughes tâm sự, ông muốn gắn bó cuộc sống của mình với những đứa trẻ, thế nên khi đoàn quân giải phóng tiến vào Sài Gòn tháng 4-1975, ông nhất quyết ở lại. “Năm 1976, chính phủ Việt Nam tổ chức một chuyến bay cho những người Mỹ còn sót lại về nước nhưng lúc đó tôi từ chối bởi tôi biết những người đi chuyến bay đó khi xuống sân bay Bangkok (Thái Lan) sẽ được chụp ảnh dưới một băng rôn “Những người Mỹ cuối cùng đào thoát khỏi Việt Nam”, tôi không muốn tham gia vào chuyện dối trá đó nên đến tháng 8-1976, tôi mới chính thức rời Việt Nam”, Dick kể. Dù rời Việt Nam nhưng Dick vẫn giữ liên lạc, sau đó ông trở lại Việt Nam nhiều lần để thăm hỏi, chứng kiến cuộc sống mới của nhiều đứa trẻ mà mình từng cưu mang. Trong hành trang khi trở lại Việt Nam, lúc nào Dick Hughes cũng mang theo cuốn album hình ảnh cũ về những đứa trẻ. “Đó là những kỷ vật vô giá đối với tôi. Hình ảnh những đứa trẻ ngày xưa tạo động lực để tôi thực hiện dự án giúp đỡ nạn nhân da cam bây giờ. Trong chuyến đi này, tôi đi qua nhiều tỉnh, thành phố ở Việt Nam để thu thập tư liệu, hình ảnh về nạn nhân da cam, sau khi về Mỹ sẽ làm mọi cách để nhắc người dân và chính phủ Mỹ về những hậu quả khủng khiếp mà Việt Nam vẫn gánh chịu sau chiến tranh. Tôi biết đây là công việc khó khăn, nhưng tôi có đủ kiên nhẫn và nhiệt huyết để làm việc đó”, Dick Hughes tâm sự.

Hoàng Anh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_156639_mo-t-nguo-i-my-na-ng-lo-ng-vo-i-vie-t-nam.aspx