Một người Gia Định dựng lũy Bán Bích

Lũy Bán Bích được xây dựng năm 1772 tạo thành vòng cung để bảo vệ Sài Gòn từ xa trước nguy cơ tấn công của quân Xiêm.

Tuyến đường Trần Quang Khải - Lý Chính Thắng, phần đầu tiên của lũy Bán Bích đến 1975 vẫn là một trong những ranh giới giữa Sài Gòn và Gia Định. Ảnh: Cù Mai Công.

Nguyễn Cửu Đàm (?-1777) quê Gia Định, là một danh tướng thời chúa Nguyễn Phúc Thuần với hàm Hữu quân Phó tiết chế, tước Đàm Ưng hầu. Ông vốn là anh trai bà Thị Nghè (người đã xây cây cầu mà ngày nay vẫn mang tên bà).

Năm 1767, Miến Điện (Myanmar) tấn công Xiêm La và bắt vua Xiêm. Năm 1768, một người gốc Quảng Đông (Trung Quốc) tên Taksin (tức Trịnh Quốc Anh) khởi binh lên làm vua nước Xiêm La. Vua Cao Miên là Nặc Tôn cho rằng Taksin không phải người Xiêm nên không chịu cống nạp. Viện lý do này, Taksin kéo quân qua Cao Miên hạ bệ Nặc Tôn, thay bằng Nặc Nộn và chiếm đóng Nam Vang (Phnom Penh).

Cuối năm 1771, Taksin đem binh thuyền vây Hà Tiên để bắt con vua Xiêm La cũ là Chiêu Thúy. Đô đốc Mạc Thiên Tứ chạy về Cần Thơ. Tháng 6/1772, chúa Nguyễn Phúc Thuần cử Thống suất Nguyễn Cửu Đàm đem quân tái chiếm Hà Tiên. Cả Taksin lẫn Nặc Nộn tháo chạy. Nguyễn Cửu Đàm phản công tới tận Nam Vang, đưa Nặc Tôn về làm vua lại, rồi rút quân về Gia Định.

Đề phòng quân Xiêm quay lại quấy rối, cuối năm 1772, Thống suất Nguyễn Cửu Đàm cho đắp lũy Bán Bích dài khoảng tám cây số rưỡi từ cầu Cao Miên (cầu Bông) men theo rạch Thị Nghè, lên phía Bắc cắt ngang đường thiên lý đi thẳng và bao trọn khu vực Quận 5 hiện nay; tạo thành một vòng cung bao quanh Sài Gòn - Chợ Lớn.

Với rạch Thị Nghè (hướng Bắc), sông Sài Gòn (Đông), rạch Bến Nghé (Nam) và lũy Bán Bích (Tây), cả vùng Sài Gòn - Chợ Lớn nằm trong một khu vực phòng thủ từ xa có diện tích khoảng 25 km2.

Địa chí Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng với tuyến phòng thủ sông rạch tự nhiên cùng với lũy Bán Bích, “thành phố này không còn sợ gì bất trắc nữa. Trong thực tế, quân Xiêm đã xâm phạm bờ cõi phía Nam nhiều lần, song lần nào cũng bị quân Việt đánh tan trước khi tới cửa ngõ thành phố”.

Tuy nhiên, hệ thống phòng thủ này không cản nổi lực lượng Tây Sơn từ biển Cần Giờ tấn công nhiều lần suốt 12 năm (1776-1788) để tận diệt dòng họ chúa Nguyễn.

Vị trí Lũy Bán Bích được xây dựng năm 1772 so với bản đồ hiện nay. Đồ họa: Trị Thiên.

Sau khi lũy Bán Bích xây dựng xong, khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn hoàn toàn vững vàng trước các thế lực quân sự nước ngoài muốn tấn công từ phía Bắc và phía Tây thành phố.

Không dừng ở đó, cuối năm 1772, Thống suất Nguyễn Cửu Đàm cho đào kinh Ruột Ngựa (tên chữ là Mã trường giang) thẳng “như ruột ngựa” chạy từ cửa Rạch Cát cho đến Lò Gốm (tức thông từ Bến Nghé ra miền Tây) để thuận tiện cho thuyền bè buôn bán, vận chuyển hàng hóa, gạo... xuống miền Tây.

Thế là từ đó, hàng loạt thôn xóm, khu dân cư trong tuyến phòng thủ này được hình thành và phát triển sầm uất mà bài Cổ Gia Định phong cảnh vịnh đầu thế kỷ 18 đã mở đầu bằng những vần thơ ca ngợi:

"Phủ Gia Định, phủ Gia Định, nhà đủ người no chốn chốn

Xứ Sài Gòn, xứ Sài Gòn, ở ăn vui thú nơi nơi".

Cù Mai Công / NXB Tổng hợp TP.HCM và First News

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mot-nguoi-gia-dinh-dung-luy-ban-bich-post1375579.html